Chính phủ cùng bộ, ngành tháo gỡ cho TP.HCM
Tại buổi làm việc,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết TP.HCM là đô thị đặc biệt, có vị trí rất quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học
công nghệ của cả nước. Trong thời gian qua, TP.HCM đã quyết liệt chống dịch bệnh Covid-19 với nhiều giải pháp sáng tạo, năng động góp phần kiểm soát dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh tác động đến cả nước, thành phố cũng có nhiều mô hình
kinh doanh mới giúp nền kinh tế thành phố không bị “đổ gãy”. Đáng chú ý, thành phố phát huy truyền thống thành phố nghĩa tình, tương thân, tương ái với các mô hình ATM gạo, điểm cung cấp lương thực, thực phẩm hỗ trợ người khó khăn. TP.HCM cũng là địa phương triển khai sớm gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người bán vé số.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc trực tuyến
|
Với quy mô kinh tế đóng góp 25% ngân sách cả nước, Thủ tướng nhận định nếu TP.HCM suy giảm sâu thì ảnh hưởng đến cả nước về thất thu ngân sách. Dù trong báo cáo của TP.HCM nêu tăng trưởng kinh tế 3 tháng đầu năm chỉ 0,42% nhưng sau đó Tổng cục Thống kê tính toán lại, cho thấy tăng trưởng là 1,03%.
Do đó, để khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM, Thủ tướng đề nghị TP.HCM báo cáo, đề xuất các giải pháp cụ thể, Thủ tướng và các Phó thủ tướng cùng các bộ ngành cùng chung tay tháo gỡ giúp thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn.
Chuyển tài sản công
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp, từ nay đến hết năm 2020 TP.HCM triển khai 5 nhóm giải pháp. Thứ nhất, hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp, trong đó chú trọng hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động, hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa 100 triệu dân.
Thứ 2, hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.
Thứ 3, tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa quản trị doanh nghiệp và quản lý ngành.
Thứ 4, tiếp tục các chương trình khởi nghiệp sáng tạo và thứ 5 là dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị giảm 10% giá điện
|
Ông Phong cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục
giảm 10% giá điện như hiện nay và tạm thời dừng áp dụng bậc thang giá điện để hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch tại Việt Nam. Về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp, TP.HCM kiến nghị
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác về thẩm định phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa và quy trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.
Liên quan đến điều chuyển tài sản công, thành phố kiến nghị điều chuyển cơ sở nhà đất số 123 Trương Định (P.7, Q.3) và cơ sở nhà đất số 149 Pasteur (P.6, Q.3) từ Văn phòng Thành ủy sang UBND TP.HCM, cơ sở nhà đất số 66 - 68 Trương Định (P.7, Q.3) từ UBND TP.HCM sang Văn phòng Thành ủy để việc đầu tư xây dựng Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo thành phố và trụ sở làm việc của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố đảm bảo đúng tiến độ, chặt chẽ về pháp lý.
Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận điều chuyển nhà đất số 238 Ba Tháng Hai (P.12, Q.10) từ Văn phòng Thành ủy sang cho Công ty TNHH MTV Du lịch Kỳ Hòa hiện đang quản lý, sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh cho phù hợp quy định của pháp luật.
Bình luận (0)