TP.HCM làm gì để ngăn nhân viên y tế nghỉ việc?

05/04/2024 18:17 GMT+7

Khối lượng công việc cao, thu nhập thấp, điều kiện làm việc khó khăn... là những nguyên nhân chính khiến không ít nhân viên y tế rơi vào tình trạng stress, trầm cảm và sau đó là xin nghỉ việc.

Chiều 5.4, tại hội thảo về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế lần 2, các diễn giả, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM và các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã thảo luận và đưa ra những đề xuất phương án để chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế.

TP.HCM làm gì để ngăn nhân viên y tế nghỉ việc?- Ảnh 1.

Nhiều nhân viên y tế gặp nhiều áp lực, khủng hoảng tinh thần trong công việc

Du Yên

Cứ 4 nhân viên y tế sẽ có 1 người bị trầm cảm

TS-BS Phan Thu Hằng, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, bệnh viện đã thực hiện khảo sát mức độ trầm cảm, lo âu, stress với 1.300 nhân viên y tế. Trong đó, có 42,2% nhân viên gặp vấn đề về lo âu, 24,3% nhân viên trầm cảm và có 16,5% nhân viên gặp stress.

Theo khảo sát, nhiều nhân viên y tế cho biết bản thân gặp áp lực trong công việc, thu nhập, giờ giấc làm việc, chuyện gia đình... Những điều này đã khiến không ít nhân viên y tế rơi vào tình trạng stress, trầm cảm thậm chí nhiều nhân viên còn xin nghỉ việc.

Sau khi có kết quả, Ban giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ tinh thần cho nhân viên. Theo đó, bệnh viện đã tổ chức nhiều buổi trò chuyện nâng đỡ tâm lý, tổ chức các lớp sơ cứu tâm lý, làm sổ tay chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên…

Sau khi can thiệp và triển khai các kế hoạch hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế, số nhân viên gặp các vấn đề về rối loạn tinh thần giảm từ 1.186 xuống còn 1.098 nhân viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, TS-BS Phan Thu Hằng cho biết chương trình hỗ trợ tinh thần cho nhân viên cũng gặp nhiều hạn chế khiến chương trình chưa thật sự đạt hiệu quả. Đơn cử như việc nhiều nhân viên y tế vẫn còn khép kín, một số chưa quan tâm đến thực hành giảm stress hay thời gian của các lớp sơ cứu tâm lý còn ngắn…

Lãnh đạo cần làm gì để giúp đỡ nhân viên y tế?

Theo TS-BS Phan Thu Hằng, những lãnh đạo hay quản lý đều có ít nhiều tác động đến sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế. Vai trò của lãnh đạo cực kỳ quan trọng trong vấn đề hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần nhân viên, thể hiện trong việc phân chia công việc và đảm bảo được thu nhập cho nhân viên y tế.

"Nếu khối lượng công việc vừa quá tải, nhân viên làm việc mà cứ lo cơm áo gạo tiền thì họ rất dễ mắc stress. Do đó, các lãnh đạo phải cùng nhau nhìn và đưa ra những chiến lược phù hợp đảm bảo được vấn đề khối lượng, thời gian làm việc cũng như nhu cầu về chi phí đời sống của nhân viên. Chỉ riêng 2 vấn đề trên là có thể giảm bớt được áp lực tinh thần cho nhân viên rất nhiều", TS-BS Phan Thu Hằng chia sẻ.

Theo chia sẻ của Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, không chỉ nhân viên y tế mà ngay cả người dân vẫn chưa có nhận thức rõ ràng về khái niệm chăm sóc sức khỏe tâm thần. Rất ít người chịu thừa nhận rằng "tôi đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần", hầu hết các nhân viên y tế không chấp nhận mình đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, để triển khai hiệu quả chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế thì việc đầu tiên cần làm là thay đổi nhận thức của mọi người về sức khỏe tâm thần.

"Bây giờ chúng ta phải xóa bỏ ngay định kiến về vấn đề sức khỏe tâm thần. Chúng ta phải hiểu rằng nhân viên y tế chính là nhóm nguy cơ cao nhất có thể mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần do đặc thù nghề nghiệp.

Lãnh đạo của các đơn vị, từ cấp ngành, cấp bệnh viện cho đến cấp khoa phòng đều phải hiểu, quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên của mình. Các lãnh đạo phải có các kỹ năng để vừa chăm sóc cho bản thân vừa hỗ trợ kịp thời cho nhân viên. Mỗi người đều có nhiệm vụ làm sao để chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình, cho đồng nghiệp mình tốt hơn.

"Một nhân viên y tế muốn chăm sóc tốt cho người khác thì bản thân họ cũng phải khỏe mạnh. Và để khỏe mạnh thì chúng ta phải khỏe cả về thể chất và tinh thần", TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.

Cũng theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, sắp tới Sở Y tế TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế đến từng cơ sở. Trong tháng 4.2024, ngành y tế sẽ ban hành các khuyến cáo dành cho tất cả các cơ sở y tế để lãnh đạo các cơ sở y tế thực hiện các hoạt động chăm lo tốt sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.