TP.HCM làm thế nào để xây dựng 11 triệu m2 nhà ở?

06/01/2025 06:20 GMT+7

Theo chương trình phát triển nhà ở của TP.HCM, giai đoạn năm 2021 - 2025, TP cần tăng 50 triệu m2 diện tích sàn nhà ở. Tuy nhiên, đến tháng 12.2024, TP mới đạt được gần 28,87 triệu m2 sàn. Vậy làm thế nào để TP đông dân nhất cả nước đạt mục tiêu phát triển hơn 11 triệu m2 sàn nhà ở trong năm nay?

Gỡ vướng cho doanh nghiệp, người dân

Để hoàn thành mục tiêu nói trên, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), việc giải quyết vướng mắc liên quan đến các dự án bất động sản là một trong những giải pháp quan trọng. Bởi hiện nay TP.HCM còn 86 dự án nhà thương mại đã được chấp nhận chủ trương đầu tư nhưng chưa thi công hoặc ngừng thi công. Trong đó, 30 dự án ngừng thi công, với 21.676 căn nhà, quy mô sử dụng đất trên 210 ha; 56 dự án chưa khởi công xây dựng, quy mô đất trên 754 ha, với 32.375 căn. 

Như vậy, tổng cộng TP.HCM đang có khoảng 54.000 sản phẩm bất động sản tồn kho. Chỉ cần giải quyết được lượng hàng tồn này, nguồn cung nhà ở của TP.HCM sẽ tăng mạnh trong những năm tới. "Việc này cần quyết tâm mạnh mẽ từ các cấp chính quyền. Bởi những năm gần đây nguồn cung nhà ở tại TP.HCM liên tục sụt giảm. Nếu năm 2020 có 16.895 căn thì đến năm 2021 giảm xuống còn 14.443 căn, năm 2022 còn 12.147 căn, năm 2023 tăng lên 17.753 căn nhưng 11 tháng năm 2024 chỉ còn 1.611 căn", ông Châu lo ngại.

TP.HCM làm thế nào để xây dựng 11 triệu m2 nhà ở?- Ảnh 1.

Gỡ vướng cho các dự án dừng triển khai để tăng nguồn cung nhà ở

Ảnh: Đình Sơn

Ngoài ra TP hiện còn khoảng 58 dự án vướng mắc về đất đai, di dời nhà xưởng ô nhiễm, dự án bị thanh tra, kiểm tra đang "đứng hình", chưa thể triển khai. Ông Châu cho biết về các dự án này Quốc hội đã có nghị quyết tháo gỡ khó khăn, kỳ vọng trong năm 2025 sẽ được khơi thông. "Vướng mắc lớn nhất làm chậm tiến trình xây dựng các dự án là về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp nhận nhà đầu tư, cơ bản đã được giải quyết. Đơn cử năm 2020 không có dự án nào được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư; năm 2021 có 7 dự án; năm 2022 có 2 dự án; năm 2023 có 2 dự án nhưng tính hết 11 tháng của năm 2024 có 12 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư. Như vậy, các doanh nghiệp trong thời gian tới hoàn toàn có thể đẩy tiến độ xây dựng các dự án do những vướng mắc về pháp lý cơ bản được giải quyết", ông Châu dẫn chứng.

TS Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết: Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM bao gồm cả nhà ở do người dân tự xây, tự sửa chữa và cải tạo. Theo điều tra, phân khúc này chiếm ưu thế với 86,1%; nhà chung cư và các mô hình nhà trọ lần lượt là 6,9% và 7%. Vì thế, để tăng nguồn cung, hoàn thành mục tiêu xây dựng 11 triệu m2 nhà ở, TP cần có các chính sách hỗ trợ người dân vay vốn để cải tạo và nâng cấp nhà ở. Cần giải quyết nhanh các thủ tục về pháp lý đất đai và pháp lý nhà ở như cấp sổ đỏ, xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép sửa chữa, mở rộng đối với các khu vực nhà ở thuộc quy hoạch treo, đơn giản các thủ tục về cấp phép xây dựng... "Nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn luôn là một trong những nhu cầu cấp thiết, cần được quan tâm, chú trọng và tập trung phát triển, nhằm đảm bảo an toàn, tiện nghi về nơi cư trú. Đồng thời cũng góp phần tạo nên hình ảnh đô thị hiện đại, văn minh, hoàn thành mục tiêu phát triển nhà ở của TP đề ra", TS Phạm Trần Hải cho hay.

Nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn luôn là một trong những nhu cầu cấp thiết, cần được quan tâm, chú trọng và tập trung phát triển, nhằm đảm bảo an toàn, tiện nghi về nơi cư trú. Đồng thời cũng góp phần tạo nên hình ảnh đô thị hiện đại, văn minh, hoàn thành mục tiêu phát triển nhà ở của TP đề ra.

TS Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Kỳ vọng sự thay đổi ở cán bộ thực thi công vụ

Trong hội nghị rà soát, tháo gỡ những dự án, công trình tồn đọng tại TP.HCM mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu TP.HCM phân loại rõ 200 dự án vướng mắc, tồn đọng đã rà soát, đề xuất phương án xử lý theo các luật mới ban hành, vận dụng Nghị quyết 98, các nghị định của Chính phủ... Với các dự án bất động sản tồn đọng, TP.HCM đã xử lý 34 dự án, còn lại 32 dự án, Thủ tướng đề nghị TP.HCM nghiên cứu kinh nghiệm xử lý các dự án trước đó, đề ra phương án giải quyết. Nếu vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì báo cáo tháo gỡ. Với những dự án vướng quy định pháp luật thì báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội tháo gỡ. Với những dự án chưa có tiền lệ thì nghiên cứu quy định để xử lý, đề xuất tháo gỡ các quy định vướng mắc, lưu ý không để sai chồng sai, tiêu cực, lãng phí, tham nhũng. Xử lý các vướng mắc trên tinh thần không câu nệ, dự án có thông tin đến đâu xử lý đến đó, việc đã rõ thì quyết định, chưa rõ thì tiếp tục thu thập thông tin nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, không để tiêu cực.

Sự quyết liệt của Thủ tướng là điều có thể hiểu. Bởi suốt mấy năm qua, dù TP đã rất nỗ lực nhưng thực tế, còn rất nhiều dự án dở dang, chưa thực sự được quan tâm, chưa có hướng giải quyết.

Kiến trúc sư Trần Tuấn (Hội Kiến trúc sư TP.HCM) đồng tình cần có sự thay đổi rất lớn trong thực thi công vụ của cán bộ công chức, nhất là những người lãnh đạo. "TP.HCM đang thực hiện công cuộc sáp nhập các sở, ngành nên người dân, doanh nghiệp rất kỳ vọng TP thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ là khi sáp nhập bộ máy mới sẽ hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn. Những người thực thi công vụ sẽ làm việc liên tục, không ngắt quãng", ông Tuấn nói.

Một điều quan trọng nữa, theo kiến trúc sư Trần Tuấn, là cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận quỹ đất sạch để phát triển các dự án nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Hiện nay luật Đất đai đã quy định 2 hình thức tiếp cận đất đai của doanh nghiệp là đấu giá và đấu thầu đất. Mới đây Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết thí điểm cho doanh nghiệp nhận chuyển nhượng các loại đất để làm nhà ở thương mại. Đây là cơ hội để tăng thêm nguồn cung dự án nhà ở thương mại trên thị trường, bởi doanh nghiệp tiếp cận được quỹ đất mới có thể làm được nhà.

TP cũng cần ưu tiên chuyển đổi đất công nghiệp, đất nông nghiệp kém hiệu quả, các khu đất trống, đất công bỏ hoang thành khu vực xây dựng nhà ở. Khuyến khích những dự án "lấp đầy" các khu đất bị bỏ hoang hoặc chưa được khai thác hiệu quả để tránh lãng phí như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ bằng cách miễn hoặc giảm thuế, giảm chi phí thuê đất cho doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội hoặc nhà ở vừa túi tiền. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ xây dựng tiên tiến như nhà tiền chế, vật liệu tái chế để giảm chi phí xây dựng. Ngoài ra, các chung cư cũ xuống cấp nên ưu tiên và nhanh chóng cải tạo, tái thiết để biến thành khu dân cư hiện đại, với mật độ xây dựng cao hơn nhưng vẫn đảm bảo hạ tầng.

Theo một số ý kiến đề xuất, TP đang đầu tư xây dựng các tuyến metro nên ngay từ giai đoạn đầu quy hoạch cần chú trọng mở rộng quỹ đất tại các nhà ga để xây dựng các khu đô thị với đầy đủ tiện ích. Trong đó, tận dụng không gian gần các dự án giao thông công cộng để xây dựng nhà ở cao tầng, ở khu vực ngầm dưới lòng đất phát triển thương mại, dịch vụ. Ở những huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh phát triển các khu đô thị vệ tinh và đầu tư hạ tầng giao thông kết nối để giảm áp lực nhà ở tại trung tâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.