TP.HCM lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân

23/08/2023 04:23 GMT+7

Sở Y tế TP.HCM đã trình UBND TP.HCM về việc phê duyệt kế hoạch định hướng về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Theo tờ trình, đến năm 2025 có 90% người dân TP.HCM nhận biết và dự phòng, phát hiện sớm, can thiệp sớm các vấn đề rối loạn tâm thần và phục hồi sức khỏe tâm thần. Đến năm 2030, 100% bệnh viện (BV) đa khoa và trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức hoàn thiện, đáp ứng năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ các vấn đề khẩn cấp về sức khỏe tâm thần cho người dân…

TP.HCM lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân  - Ảnh 1.

Người dân khám bệnh tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM sáng 22.8

DUY TÍNH

NHỮNG CON SỐ ĐÁNG LƯU TÂM

Tại VN, theo số liệu công bố của Bộ Y tế, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người bị ảnh hưởng. Tỷ lệ tâm thần phân liệt chiếm 0,47% dân số; trong khi trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều, từ 5 - 6% dân số. Số còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.

Số liệu của năm 2019 cho thấy trẻ vị thành niên có vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm 8 - 9%. Điều này cho thấy rối loạn tâm thần là một gánh nặng đáng kể ở trẻ vị thành niên VN. Cùng với đó, một khảo sát về dịch tễ học ở 10 tỉnh, TP cho thấy tỷ lệ có vấn đề tâm thần ở trẻ em khoảng 12%, nghĩa là hơn 3 triệu trẻ em cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Những vấn đề tâm thần thường gặp nhất tại VN là rối loạn lo âu, trầm cảm, tăng động và giảm tập trung. Năm 2020, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã thực hiện khảo sát với 402 học sinh từ 11 - 17 tuổi và cho tỷ lệ vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên tại VN là 8 - 29%.

Theo Sở Y tế, năm 2022, BV Tâm thần TP.HCM tiếp nhận tổng cộng 170.000 lượt khám, trung bình 800 - 1.000 lượt khám/ngày. Trong đó, các rối loạn lo âu và rối loạn khí sắc chiếm tỷ lệ cao nhất, tương đương 35,67% và 24,95%.

Hình thành mạng lưới chăm sóc, quản lý người bệnh

Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, đến nay mạng lưới khám chữa bệnh ngoại trú về tâm thần đã triển khai tại tất cả 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức, đến 310 trạm y tế phường, xã. Hiện các cơ sở này đang chăm sóc và quản lý khoảng 11.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 8.000 bệnh nhân động kinh, cùng các loại rối loạn khác cũng được chăm sóc và quản lý. Ngành y tế TP.HCM hình thành mạng lưới chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần từ BV chuyên khoa đầu ngành đến trạm y tế phường, xã.

BV Tâm thần TP.HCM đã triển khai tập huấn cho cán bộ phụ trách sức khỏe trường học nói chung về cách nhận biết những dấu hiệu liên quan đến tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn hành vi cư xử, chậm phát triển tâm thần - vận động, rối loạn lo âu, trầm cảm... ở trẻ em. TP.HCM còn có hệ thống các trường, trung tâm công lập và tư nhân chuyên biệt dành cho các trẻ rối loạn phát triển, khuyết tật tâm thần.

Đặc biệt, hậu Covid-19, từ tháng 8.2022, TP.HCM triển khai loại hình dịch vụ "cấp cứu trầm cảm". Cụ thể, khi phát hiện một người có các biểu hiện và dấu hiệu của rối loạn trầm cảm nặng, có ý định tự sát thì gọi ngay đến số 115 (số trực cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115) hoặc số 19001267 (số điện thoại chăm sóc khách hàng của BV Tâm thần TP.HCM). Đến nay đã có 180 cuộc gọi nhờ "cấp cứu trầm cảm" và đã có 40 người được đưa đến BV Tâm thần điều trị.

CẤP CỨU TRẦM CẢM CHO NHÂN VIÊN Y TẾ

Sở Y tế TP.HCM cũng vừa ký biên bản ghi nhớ với Tổ chức Family Health International (FHI 360) về phối hợp triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trên địa bàn TP.HCM. Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ngành y tế TP sẽ điều tra mới về sức khỏe tâm thần trong nhân viên y tế, đồng thời triển khai có hiệu quả công tác sàng lọc, phát hiện và dự phòng sớm các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho nhân viên, người lao động trong ngành y tế. Đây cũng nhằm góp phần quan trọng giúp đảm bảo nguồn nhân lực ngành y tế trong hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Ngành y tế nhân rộng mạng lưới hệ thống "cấp cứu trầm cảm" dành cho nhân viên y tế; thiết lập phòng nghỉ ngơi tại một số BV nhằm cung cấp không gian cho cán bộ, nhân viên y tế giải tỏa căng thẳng, ưu tiên sức khỏe tâm thần của bản thân…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.