TP.HCM lo hậu sự chu đáo nhất cho người qua đời vì Covid-19

08/08/2021 06:44 GMT+7

Trên tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận”, TP.HCM lo chuyện hậu sự một cách chu đáo nhất cho người qua đời vì mắc Covid-19 , bao gồm quá trình khâm liệm, hỏa táng đến các nghi thức tâm linh.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên xung quanh vấn đề lo hậu sự cho người qua đời vì mắc Covid-19.

Ông Nguyễn Toàn Thắng

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ông Thắng cho biết thêm, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ca tử vong do Covid-19 phải thực hiện theo quy trình 6 bước, tất cả phải hỏa táng, trường hợp không thể hỏa táng thì mới địa táng và thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt.
Thủ tục tiến hành như thế nào, thưa ông?
Kinh phí ngân sách nhà nước sẽ chi trả 17 triệu đồng lo hậu sự cho một ca Covid-19 không qua khỏi. Trường hợp tử vong vì Covid-19 khi đang ở bệnh viện điều trị, chi phí đó phía bệnh viện sẽ chi cho cơ sở mai táng.
Quá trình lo hậu sự và hỏa táng như vậy, người nhà có tham gia vào được không?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc xử lý thi thể qua đời vì nhiễm Covid-19 rất nghiêm ngặt. Khi người nhiễm Covid-19 mất, ngành y tế sẽ thực hiện khâm liệm rồi đưa trực tiếp thi hài đến nơi hỏa táng. Người nhà không được thăm viếng trong suốt thời gian lưu giữ tử thi cho tới khi khâm liệm xong...

Quân đội sẽ chuyển tro cốt bệnh nhân Covid-19 đến tận nhà

Với ca mắc Covid-19 qua đời tại nhà, có được hỗ trợ như vậy không?
Các trường hợp này ngân sách cấp về cho địa phương, địa phương sẽ chi, mức chi 17 triệu đồng/trường hợp là thống nhất.
Sau khi người bệnh tử vong, người thân phải thông báo chính quyền, cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ xử lý. Quy trình xử lý cũng phải đảm bảo việc phòng chống lây nhiễm.
Đầu mối liên lạc như thế nào?
Ở bệnh viện là bệnh viện và Sở Y tế. Còn tại nơi cư trú sẽ là chính quyền địa phương (phường, xã).
Bình đựng tro cốt của một ca qua đời vì Covid-19 ẢNH: ĐÌNH NGUYÊN

Bình đựng tro cốt của một ca qua đời vì Covid-19

ẢNH: ĐÌNH NGUYÊN

Có hình ảnh người đi xe máy được mạng xã hội cho là đi giao tro cốt ca mắc Covid-19 tử vong, thì người đó thuộc đơn vị chức năng hay bên cơ sở hỏa táng?
Đó là thông tin trên mạng xã hội, TP cũng đang giao các đơn vị chức năng kiểm tra theo quy định.
Hiện nay, quân đội sẽ tiếp nhận tro cốt, chuyển đến từng gia đình một cách chu đáo. Trường hợp gia đình chưa có điều kiện nhận, tổ chức tôn giáo sẽ tiếp nhận tro cốt. Trung tâm hỏa táng không tự tổ chức chuyển giao bất cứ trường hợp nào nữa.
Hũ đựng tro cốt phải đựng trong hộp đúng quy cách, trân trọng và ấm áp tình nghĩa.

Lực lượng quân đội bàn giao tro cốt đến tận gia đình

Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua 7.8, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, chia sẻ một thành viên mất đi là chuyện đau buồn đối với mọi gia đình, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Với tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận”, TP.HCM cố gắng lo chuyện hậu sự chu đáo nhất đối với người qua đời vì Covid-19, từ chuyện khâm liệm, hỏa táng và các nghi thức tâm linh theo tôn giáo mà người dân theo trước khi qua đời. TP.HCM cũng thống nhất chủ trương giao Bộ Tư lệnh TP.HCM và Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, TP.Thủ Đức phối hợp bàn giao tro cốt đến tận gia đình, đảm bảo trang trọng, ấm cúng.
Về thông tin tổ chức quốc tang đối với những người qua đời vì Covid-19, ông Phan Văn Mãi cho biết đây là ý kiến đề xuất của một số cá nhân, TP.HCM sẽ tiếp thu, xem xét và báo cáo cấp có thẩm quyền sau này; trước mắt phải lo chuyện hậu sự chu đáo, trọn vẹn. Những gia đình có điều kiện thì các đơn vị bàn giao (hũ tro cốt - PV) luôn, còn chưa có điều kiện thì tổ chức một nơi lưu giữ tro cốt, thắp hương và bàn giao vào thời điểm thích hợp.
Lãnh đạo TP.HCM khẳng định các trường hợp qua đời do Covid-19 đều thực hiện phần hậu sự theo đúng quy định. Đối với các trường hợp qua đời khác mà gia đình khó khăn, thì TP vận động từ nhiều nguồn khác nhau để tổ chức, không để gia đình nào vì khó khăn mà không lo được chuyện hậu sự cho người thân.
Sỹ Đông
Các cơ sở hỏa táng hiện nay trên địa bàn TP.HCM hoạt động như thế nào?
TP.HCM có 4 cơ sở đang tiếp nhận hỏa táng gồm: Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân), Đa Phước (H.Bình Chánh), Phúc An Viên (TP.Thủ Đức) và Long Thọ (H.Củ Chi), người dân có thể chọn cơ sở gần gia đình nhất.
Các cơ sở hỏa táng này đang đáp ứng yêu cầu xử lý ca tử vong do Covid-19. Còn tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, có hình ảnh một số đoàn xe chở quan tài nối nhau kéo dài là do các xe này dồn về vào một khung giờ. Hiện nay, Sở TN-MT đã phối hợp với các bệnh viện điều phối lại thời gian tiếp nhận theo khả năng xử lý từng khung giờ, không để tập trung đông.
Có thông tin phản ánh cơ sở mai táng hét giá 50 - 70 triệu đồng/trường hợp, và nạn “chặt chém” đó có bị xử lý?
Đây là giá dịch vụ kèm theo của các cơ sở mai táng khi lo tang lễ người mất, nằm ngoài các định mức theo đơn giá mà nhà nước quy định. Trường hợp cơ sở mai táng hét giá thì người dân nên từ chối ngay, gọi cơ sở khác hoặc liên hệ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (CITENCO, đơn vị công ích, thuộc UBND TP.HCM) để được hỗ trợ lo hậu sự theo khung giá quy định của TP.
TP đã quy định một mức giá thống nhất là 17 triệu đồng/trường hợp. Qua khảo sát, TP quy định giá đó vì đã đảm bảo cho tất cả những người làm dịch vụ, bù đắp lại công sức của họ chứ không phải là mức giá thấp. Đây là một công việc cũng nguy hiểm, khó khăn, nên TP đã xây dựng định mức này để chia sẻ.

Sáng 8.8: TP.HCM thêm 1.896 ca Covid-19, vượt 120.000 bệnh nhân

 

Quy định về xử lý thi hài nhiễm Covid-19

Theo quy định tại điều 18, luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A tử vong, thì thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ. Riêng với thi hài nhiễm Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn thi hài phải được hỏa táng, chỉ mai táng (địa táng) khi không thực hiện được việc hỏa táng. Đồng thời phải được khâm liệm càng sớm càng tốt, và hỏa táng hoặc mai táng trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong.
Đối với trường hợp tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, thi hài sẽ được xử lý theo Quyết định 5188/QĐ-BYT ngày 14.12.2020 của Bộ Y tế (về việc ban hành Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh), ngay sau khi người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19 tử vong để hạn chế lây nhiễm trong quá trình xử lý. Quá trình khâm liệm tuân theo quy trình đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm. Thực hiện khâm liệm càng sớm càng tốt. Việc khâm liệm phải được thực hiện tại nhà tang lễ bệnh viện, hạn chế tối đa số người tham gia khâm liệm. Người trực tiếp tham gia khâm liệm thực hiện phòng hộ cá nhân và rửa sạch tay bằng xà phòng. Tuyệt đối không để người nhà người bệnh thăm viếng trong suốt thời gian lưu giữ cho tới khi khâm liệm xong. Chuyển thi hài bằng ô tô chuyên dụng thẳng tới nơi hỏa táng hoặc nơi chôn. Người nhà người bệnh không được lên xe chuyển thi hài...
Đối với trường hợp tử vong tại cộng đồng, thi hài được xử lý theo quy định tại Quyết định 2233/QĐ-BYT ngày 29.5.2020 của Bộ Y tế (về việc ban hành Hướng dẫn xử lý thi hài người tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 tại cộng đồng). Ngay sau khi có người tử vong do nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, cần phải gọi điện thông báo chính quyền, cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ xử lý thi hài. Cần phải hạn chế người không có nhiệm vụ vào khu vực có người tử vong do nhiễm Covid-19, trừ nhân viên y tế và người tham gia xử lý thi hài. Quy trình xử lý cũng phải đảm bảo phòng chống lây nhiễm.
Đình Phú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.