Ngày 19.1, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM có công văn khẩn, đề nghị công an; lực lượng thanh niên xung phong; chủ tịch UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức; giám đốc các trung tâm bảo trợ xã hội phối hợp mở đợt cao điểm, tăng cường thu dung trẻ em, người lang thang xin ăn và người thuộc nhóm cần bảo vệ khẩn cấp khác trước dịp Tết Nguyên đán 2024.
Cụ thể, Sở LĐ-TB-XH đề nghị Công an TP.HCM chỉ đạo công an địa phương xây dựng kế hoạch cao điểm triển khai, phối hợp các tổ công tác ở địa phương, nhất là địa bàn giáp ranh để tăng cường thu dung người lang thang xin ăn, đặc biệt tại giao lộ, sự kiện, lễ hội, chợ hoa xuân, cơ sở tôn giáo, nơi tập trung đông người, đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội.
Các trật tự viên của Thanh niên xung phong TP.HCM được bố trí ứng trực tại các địa điểm được phân công, khi phát hiện người lang thang xin ăn thì báo ngay với tổ công tác hoặc chính quyền, công an địa phương và phối hợp xử lý, tập trung. Đồng thời, cần ngăn chặn việc người lang thang xin ăn chèo kéo du khách nước ngoài trong dịp tết và tại các quận trung tâm thành phố.
Đối với UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề nghị tăng cường kiểm tra các tổ công tác phường, xã, thị trấn trong công tác thu dung người lang thang xin ăn.
Mặt khác, cần rà soát khu vực có nhiều người tạm trú, lưu trú và trên tuyến đường, ngã tư có mật độ giao thông cao, tại địa điểm tổ chức sự kiện, lễ hội, cơ sở tôn giáo nhằm kịp thời phát hiện, thu dung người lang thang xin ăn. Nếu thấy có dấu hiệu chăn dắt, dụ dỗ trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi xin ăn để trục lợi, cần chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng giao các trung tâm bảo trợ xã hội rà soát, chuẩn bị cơ sở vật chất và bố trí chỗ ở đảm bảo tiếp nhận người lang thang xin ăn được các địa phương đưa vào. Các trung tâm cần hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp nhận và quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo chế độ, chính sách cho người được thu dung theo quy định.
Thực trạng người lang thang xin ăn là một tồn tại của xã hội. Thời gian qua, mặc dù, TP.HCM có nhiều giải pháp quyết liệt, nhưng hiện nay trên nhiều tuyến đường vẫn còn tình trạng người già, trẻ em bán vé số, xin ăn.
Chưa kể, còn tình trạng "tái lang thang", khi người được đưa vào các cơ sở xã hội sau khi được thân nhân bảo lãnh vẫn trở về lang thang xin ăn như trước. TP.HCM đã nhận diện được thách thức này và cho rằng các quận huyện, phường xã... phải quan tâm, tạo công ăn việc làm cho người khó khăn.
Trong văn bản mới nhất, UBND TP.HCM đã chỉ đạo, phân công phân nhiệm cho các cơ quan liên quan nhằm tăng cường quản lý, thu dung người lang thang xin ăn trên địa bàn.
Trong đó, nổi bật hai giải pháp: đề nghị tích hợp kênh thông tin tiếp nhận tin báo phản ánh về trẻ em, người lang thang xin ăn trên địa bàn thành phố từ tổng đài 1022; kêu gọi người dân thay vì trực tiếp cho tiền người xin ăn, phát quà từ thiện ngoài đường thì hướng nguồn lực vào các tổ chức xã hội để tới tay đúng người thụ hưởng.
Bình luận (0)