TP.HCM đặt tham vọng tăng trưởng 2 con số
Theo Chỉ thị số 19 về việc tăng cường kỷ cương hành chính, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của UBND TP.HCM vừa ban hành, TP yêu cầu tập trung nguồn lực hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên 10%; phấn đấu hoàn thành đạt, vượt 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM được giao nhiệm vụ xây dựng, đề xuất kịch bản tăng trưởng 2 con số, hoàn thành trong tháng 1.2025.
Phát biểu tại tọa đàm, TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TP.HCM - đưa ra mục tiêu phấn đấu của TP.HCM trong năm nay 2025 là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 45.000 tỉ đồng; tăng trưởng GRDP trên 10%; thực hiện 10 dự án hợp tác công tư có vốn 100.000 tỉ đồng. Muốn vậy, phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sớm ngay từ quý 1 và 2; tập trung làm mới các động lực tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm; tinh gọn bộ máy; đầu tư xã hội, văn hóa... liên quan các hoạt động kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước...
Đẩy mạnh đầu tư công, khơi thông thị trường bất động sản
Liên quan mục tiêu đạt tăng trưởng 2 con số của TP.HCM, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đó là một mức "xưa nay chưa từng có" và đề xuất nên đặt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng trung bình của cả nước. TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm thông tin, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng, cơ cấu nền kinh tế TP.HCM, 65% thu từ ngành dịch vụ. So với năm 2019, trong điều kiện bình thường và so với năm 2023, có thể thấy, nếu dịch vụ không tăng 9 - 10%, mục tiêu tăng trưởng 2 con số khó đạt. Trong đó, dịch vụ bán buôn bán lẻ, tiêu dùng quan trọng; kế đó là vận tải hàng hóa, kho bãi...
Muốn có sự tăng trưởng đột phá cho TP.HCM năm 2025, theo TS Nguyễn Tú Anh, TP.HCM phải có chính sách tháo gỡ tài chính ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản. Trong đó, khu vực tài chính ngân hàng bảo hiểm tăng 8 - 9% và điểm then chốt, mang tính đột phá cho động lực phát triển TP.HCM 2025 là khai thông cho được các hoạt động kinh doanh bất động sản. Từ đó lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực khác.
Đồng quan điểm, TS Đặng Đức Anh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế quản lý Trung ương - cũng nhấn mạnh việc TP.HCM cần có sự tháo gỡ mang tính đột phá, giải quyết các vấn đề vướng mắc của ngành bất động sản lâu nay. Thường các dự án từ khi có chủ trương đưa vào hoạt động mất cả năm, cần tháo gỡ quyết liệt của UBND TP.HCM để các dự án đã có chủ trương rồi, sớm triển khai. Thứ 2, kích cầu bằng các dự kiện văn hóa, du lịch; thu hút FDI và đầu tư tư nhân.
TS Nguyễn Xuân Thành đề xuất nên đẩy mạnh kinh tế số, chú trọng tháo gỡ tăng thu hút đầu tư, giải ngân đầu tư công, FDI chứ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào tăng trưởng xuất khẩu năm 2025. TS Phạm Văn Đại - Đại học Fulbright - đề xuất chú trọng quản trị dự án công. Bởi dư địa thu hút vốn đầu tư vào TP.HCM vẫn còn, thậm chí cao hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, TP.HCM đang thiếu một câu chuyện để trình bày, kể cho nhà đầu tư hay mình đang có gì, làm gì. Sự dịch chuyển đầu tư từ Đài Loan, Việt Nam sẽ nằm trong tốp được nhà đầu tư quan tâm, song thiếu một câu chuyện để kể....
Bình luận (0)