TP.HCM 'nghẹt thở' vì kẹt xe

11/01/2025 06:18 GMT+7

Những ngày qua, người dân TP.HCM khốn khổ vì kẹt xe nghiêm trọng từ sáng đến tối ở hầu hết các tuyến đường, từ nội đô cho đến ngoại thành.

Nhích gần 40 phút cho 1,5 km đường

Có việc gấp cần di chuyển từ H.Nhà Bè lên Q.3 trưa 9.1, chị Quỳnh Thi đặt taxi công nghệ nhưng cả 3 ứng dụng Grab, Be và Xanh SM đều không tìm được tài xế, buộc chị Quỳnh đành chuyển sang gọi dịch vụ xe 2 bánh. Rất nhiều người dân TP.HCM cũng phản ánh tình trạng gọi xe công nghệ gần đây khó khăn. Điều này được tài xế T.T.Sơn lý giải: "Mấy nay đường sá kẹt xe quá nên xe đã lên trung tâm rồi là cánh tài xế ít đi xa vì muốn ra cũng không thoát nổi. Thời điểm hiện tại, nhiều người về quê ăn tết sớm nên những cuốc chở khách đi sân bay hay bến xe cũng nhiều hơn. Khổ nỗi mấy đường đó giờ di chuyển tốn thời gian kinh khủng, nên lượng xe cũng bị ít đi. Chưa kể giờ áp dụng luật mới, tài xế chỉ được chạy xe 4 tiếng liên tục là phải nghỉ, nên có khi giờ họ nghỉ trưa luôn rồi. Mà chị vội thế này, đi xe 2 bánh có khi còn tới nơi, chứ đặt xe 4 bánh có khi tới tối", anh T.Sơn "dọa" đùa.

Ùn ứ sáng cuối tuần ở TP.HCM, có nơi được rẽ phải cũng 'rén không dám quẹo'

TP.HCM 'nghẹt thở' vì kẹt xe- Ảnh 1.

Khắp các tuyến đường TP.HCM những ngày qua hầm hập xe cộ

ẢNH: T.N

Cũng chẳng cần đợi lâu, chị Quỳnh đã trở thành "nạn nhân" của tình trạng kẹt xe khi càng vào gần tới hướng trung tâm TP, lượng xe càng đông đúc. 11 giờ trưa nhưng 2 dòng xe hơi vẫn phải nối đuôi nhau xếp hàng dài từ quá cổng siêu thị Lotte (Q.7) tới cầu Kênh Tẻ, kéo sang hết tới đường Khánh Hội (Q.4). Khi xe rẽ vòng qua cầu Ông Lãnh để về phía Q.1, chị Quỳnh Thi "hết hồn" khi nhìn xuống phía dưới, cả tuyến Nguyễn Thị Nghĩa tới vòng xoay ngã sáu Phù Đổng đông đặc. Nhích từng chút để ra tới đường Cách Mạng Tháng Tám, chị Quỳnh Thi tưởng như không thở được vì bầu không khí ngột ngạt và tiếng còi xe cứ dội liên tục vào 2 bên tai. Kim đồng hồ chỉ 11 giờ 30 và chỉ còn 1,5 km nữa là tới điểm đến - vòng xoay Cộng Hòa (Q.3) nên chị Thi tự tin nhắn với đối tác tối đa 15 phút nữa có mặt. Thế nhưng, cả chị và anh tài xế cũng đều không ngờ đây lại là cửa ải lớn nhất.

Ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai, ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Võ Văn Tần, ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu… đều đông nghẹt. Đáng nói, trên trục này, các giao lộ không có đèn tín hiệu nên tình trạng xe đâm ngang lộn xộn càng thêm nghiêm trọng. Vật vã đi hết quãng đường, chị Quỳnh Thi có mặt tại điểm đến khi đồng hồ đã chuyển qua 12 giờ 8 phút. "38 phút cho 1,5 km đường. Tổng quãng đường tôi đi từ nhà tới đây là 8 km, mất gần 1 giờ 15 phút. Đi ngoài đường mà như muốn tăng xông vì ùn tắc và ồn ào nhức đầu", chị Quỳnh Thi cám cảnh.

Tương tự, theo chị Ngọc Nga (ngụ Q.11), đường Lý Thái Tổ thường chỉ ùn tắc tại ngã năm giao Điện Biên Phủ, Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ, còn bình thường ngay cả vào giờ cao điểm cũng vẫn thoáng. Thế nhưng nay không phải cao điểm cũng kẹt cứng. Trước đây, chị Nga đi từ cơ quan ở Q.3 về nhà chỉ mất 20 - 25 phút, mấy hôm nay phải chạy mất 35 - 40 phút. Nhiều đoạn đường như Nguyễn Đình Chiểu giao Lý Thái Tổ, thường chỉ cần chờ hết 1 lượt đèn đỏ có thể đi, nay chờ tới lượt đèn thứ 3 mới có thể quẹo phải. "Ngay như sáng nay (10.1), tôi có việc trên đường Huyền Trân Công Chúa (Q.1), khi trở về qua đường Nguyễn Du kẹt cứng. Công an đứng đó điều phối yêu cầu tôi phải chạy xuống đường Lê Thánh Tôn (chợ Bến Thành) để vòng ngược lên hướng Q.3. Mọi khi, tầm 9 - 10 giờ sáng, đường Nguyễn Du có kẹt thế bao giờ? Giờ thì đường nào cũng loạn hết cả lên", chị Ngọc Nga ngán ngẩm kể lại.

Không chỉ khu vực trung tâm, trong khoảng gần 2 tuần qua, các tuyến đường nối ra cửa ngõ sân bay như Nguyễn Văn Trỗi, Cộng Hòa, Trường Chinh, Phan Đình Phùng, Nguyễn Kiệm... cũng ghi nhận tình trạng ùn tắc, xe cộ di chuyển rất chậm. Một cán bộ thuộc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lo lắng sân bay dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ không quá căng thẳng phía trong cảng nhưng lại nghẹt thở giao thông bên ngoài kết nối.

Xu Hướng 24: Kiểm chứng tin 'dừng đèn đỏ đè vạch phạt 20 triệu'

Cần điều chỉnh, linh hoạt hệ thống đèn tín hiệu

Tình trạng ùn tắc gia tăng tại TP.HCM không chỉ do nhu cầu di chuyển cận tết tăng cao mà một phần đến từ sự điều chỉnh, điều tiết lưu thông qua các giao lộ có đèn tín hiệu. Từ 1.1, người tham gia giao thông khi gặp đèn đỏ không được rẽ phải, trừ trường hợp những nơi có biển báo phụ cho phép. Nghĩa là mỗi lượt đèn đỏ sẽ có thêm rất nhiều lượng xe phải đứng chờ dồn. Thế nhưng, hệ thống đèn tín hiệu lại không được điều chỉnh cho phù hợp. Rất nhiều đoạn giao lộ, đèn đỏ tới 60 giây nhưng đèn xanh chỉ 15 - 20 giây. Nếu không kịp qua lượt này thì lượt sau phải chờ thêm gần 1 phút, lại dồn thêm hàng dài xe phía sau. Cũng vì thế, đường sá nhiều khói bụi hơn, nhiều tiếng còi xe hơn... Ngay cả phương tiện ưu tiên như xe cứu thương, cứu hỏa cũng kẹt không nhích nổi trên đường vì không xe nào dám vượt chớm đèn đỏ hoặc tạt lên lề để nhường đường như trước.

TP.HCM 'nghẹt thở' vì kẹt xe- Ảnh 2.

Dòng xe chật kín, nhích từng chút trên đường

ẢNH: CAO AN BIÊN

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP) thừa nhận kể từ khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.1, ý thức người tham gia giao thông được nâng cao, tình trạng lưu thông không tuân thủ theo hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông đã hạn chế rất nhiều. Song với mật độ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, bề rộng mặt đường nhiều nơi hẹp dẫn đến phương tiện dừng chờ kéo dài. Do đó, ngoài việc điều chỉnh thời lượng đèn tín hiệu giao thông linh động, Sở GTVT đang tổ chức rà soát để xem xét triển khai lắp đặt bổ sung các đèn tín hiệu giao thông cho phép một số phương tiện tham gia giao thông được phép rẽ phải, rẽ trái hoặc cho phép các phương tiện tham gia giao thông được phép rẽ phải, rẽ trái (đèn mũi tên) tại một số giao lộ trên địa bàn quản lý, nhằm hạn chế tình trạng lượng phương tiện dừng chờ kéo dài", đại diện Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ thông tin.

Ngoài ra, để giảm ùn ứ, Sở GTVT đang thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ (AI) trong hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại khu vực: nút giao thông Hàng Xanh, ngã năm Đài liệt sĩ, giao lộ Ung Văn Khiêm - Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Gia Trí - D5, Q.Bình Thạnh; thực hiện các dự án về điều khiển giao thông tự động cho các trục đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ với giải pháp kỹ thuật số song sinh Digital Twin có ứng dụng AI thế hệ mới. Hệ thống này có thể thu thập, phân tích, báo cáo và lưu trữ thống kê các dữ liệu mô tả tình trạng và hiệu suất khai thác của hệ thống đường bộ theo thời gian thực; phát hiện tắc nghẽn hay các sự cố giao thông để tự động đưa ra cảnh báo cho người vận hành.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu giao thông thời gian qua có lúc vẫn còn xảy ra tình trạng sự cố do mất nguồn cung cấp điện, hư hỏng thiết bị tủ điều khiển, hư hỏng đèn… dẫn đến khó khăn cho người tham gia giao thông. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục xem xét mở rộng việc ứng dụng công nghệ AI trong điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, trung tâm TP.HCM và các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông.

Sau khi rà soát và được sự chấp thuận của Sở GTVT, Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM đã triển khai lắp đặt 50 mũi tên màu xanh cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ tại các giao lộ trên địa bàn TP. Hiện công tác lắp đặt mũi tên đã được tiến hành tại các giao lộ như Pasteur - Điện Biên Phủ (Q.3), Điện Biên Phủ - Phạm Ngọc Thạch (Q.3), Hai Bà Trưng - Điện Biên Phủ (Q.1)... Dự kiến, các đơn vị sẽ tiếp tục khảo sát, triển khai lắp đặt thêm tại nhiều giao lộ khác trên địa bàn TP.HCM trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.