Sáng 8.2, Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội (gọi tắt là hội đồng) họp phiên thứ 6 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch hội đồng cho biết, TP.HCM đã làm đúng tinh thần Nghị quyết 98, mang lại nhiều kết quả thiết thực, tạo động lực bước đầu cho thành phố phát triển.
Cụ thể, ở nhóm liên quan cơ chế phân cấp, phân quyền, Chính phủ đã ban hành một số nghị định, sau đó có Nghị định 84 mở rộng phân cấp, phân quyền hơn nữa cho TP.HCM. Đồng thời, UBND TP.HCM đã triển khai phân cấp, phân quyền cho TP.Thủ Đức và các quận, huyện.
Đối với nhóm cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, TP.HCM đã ban hành một số chính sách để chuẩn bị các dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), đối tác công tư lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giao thông...
"Dù chưa hình thành được dự án cụ thể nhưng thành phố đã triển khai giai đoạn đầu huy động nguồn lực và chuẩn bị nền tảng", TS Trần Du Lịch nhận định.
![TP.HCM nghiên cứu làm đô thị TOD từ ngã tư Hàng Xanh tới quốc lộ 13- Ảnh 1. TP.HCM nghiên cứu làm đô thị TOD từ ngã tư Hàng Xanh tới quốc lộ 13- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2024/12/4/metro-tphcm-2-1733316532976301278098.jpg)
TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành 355 km đường sắt đô thị vào năm 2035
ẢNH: NHẬT THỊNH
Trong đề án đường sắt đô thị mới đây, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến, tổng chiều dài khoảng 355 km; đến năm 2045 hoàn thành thêm 155 km, nâng tổng chiều dài lên khoảng 510 km, đảm bảo 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân.
Về tổng mức đầu tư, đề án ước tính từ nay đến năm 2035 cần 40,2 tỉ USD để thực hiện 7 tuyến, trong đó chi phí bồi thường hơn 6,1 tỉ USD, chi phí xây dựng hơn 17,6 tỉ USD, chi phí thiết bị và phương tiện hơn 7 tỉ USD, chi phí quản lý dự án hơn 3,8 tỉ USD và chi phí dự phòng hơn 5,5 tỉ USD.
Phát triển đô thị mô hình TOD
Đối với phát triển đô thị mô hình TOD, KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá nếu thực hiện tốt sẽ tạo nguồn lực rất lớn để TP.HCM đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Dù vậy, hiện phát triển mô hình này vẫn là thách thức đối với địa phương.
"TP.HCM có tham vọng làm hàng trăm km đường sắt đô thị chỉ trong khoảng một thập niên nhưng khi nhìn lại tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cần gần 20 năm thì mục tiêu này là thử thách rất lớn", KTS Ngô Viết Nam Sơn dẫn chứng.
Đánh giá mô hình TOD sẽ là lời giải cho bài toán thu hút nguồn lực, chuyên gia này phân tích để phát huy hiệu quả thì cần một hệ sinh thái đi kèm, đặc biệt là hạ tầng kết nối, giao thông công cộng, đặc biệt là mạng lưới xe buýt bao trùm toàn địa bàn, kết nối đa phương tiện từ sân bay, cảng biển đến đường sắt, đường thủy…
![TP.HCM nghiên cứu làm đô thị TOD từ ngã tư Hàng Xanh tới quốc lộ 13- Ảnh 2. TP.HCM nghiên cứu làm đô thị TOD từ ngã tư Hàng Xanh tới quốc lộ 13- Ảnh 2.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/8/kts-ngo-viet-nam-son-2-17389931833952121506548.jpg)
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng cần cách làm đột phá để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị
ẢNH: NGUYÊN VŨ
KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá tuyến metro số 1 đang đi đúng hướng khi kết nối khu vực nội thành với các khu vực tiềm năng như khu Đại học Quốc gia TP.HCM, khu du lịch Suối Tiên và kéo dài lên Biên Hòa.
Dù Nghị quyết 98 đã tạo điều kiện để TP.HCM thực hiện các dự án theo mô hình TOD nhưng chuyên gia cho rằng nhiều quy định pháp luật khác liên quan công tác đền bù, giải tỏa, đấu giá, xác định ranh giới, vùng ảnh hưởng, công tác quy hoạch… cần được điều chỉnh để phù hợp, dễ triển khai.
"Nếu không có nền tảng quy định pháp luật rõ ràng, thành phố sẽ quay lại cảnh mỗi lần làm đều phải xin, trở lại câu chuyện 20 năm làm một tuyến metro như trước đây", KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích.
Về cách làm, chuyên gia khuyến nghị sớm xác định rõ nhà đầu tư chiến lược, nhân sự vận hành cùng lúc nhiều tuyến metro theo đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
Theo đó, TP.HCM có thể hình thành tập đoàn TOD trên nền tảng một nhóm nhà đầu tư có tiềm lực để chung sức về tài chính, nghiên cứu, quản lý để đảm bảo vận hành hệ thống hiệu quả. Song song với công tác đầu tư, địa phương cũng chuẩn bị nhân sự để đảm bảo công tác vận hành, bảo trì, hợp tác đào tạo ngay từ bây giờ.
Ưu tiên làm 3 tuyến đường sắt trước năm 2030
Trao đổi với các chuyên gia, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết năm nay địa phương sẽ chuẩn bị các điều kiện cơ bản để triển khai quy hoạch.
Vừa qua, TP.HCM tổ chức công bố quy hoạch chung TP.Thủ Đức, tạo chuyển biến tích cực. Rất nhiều doanh nghiệp chờ đợi thời gian qua nay bắt tay đầu tư lâu dài. Các dự án đầu tư trên địa bàn TP.Thủ Đức về cơ bản sau tháng 9.2025 có thể làm được ngay, không còn vướng mắc.
Đồng thời, trong tháng 2.2025, TP.HCM sẽ nộp hồ sơ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, dự kiến Thủ tướng phê duyệt trong tháng 3.2025. Hiện TP.HCM đã giao nhiệm vụ cho các ngành đang tham mưu và mời tư vấn uy tín quốc tế giúp TP.HCM làm quy hoạch không gian ngầm, gắn với phát triển đô thị mô hình TOD.
Trong đó, mô hình TOD đang tiếp cận ở 2 nhánh. Đầu tiên là trong đề án, các cơ quan nghiên cứu 6 vị trí. Và thứ 2 là vừa rồi, TP.HCM giao cho một doanh nghiệp đề xuất làm TOD ở đoạn từ ngã tư Hàng Xanh ra quốc lộ 13. "Với cách làm như thế, chúng ta có nhiều phương thức để học hỏi cách làm và triển khai", ông Mãi nói thêm.
![TP.HCM nghiên cứu làm đô thị TOD từ ngã tư Hàng Xanh tới quốc lộ 13- Ảnh 3. TP.HCM nghiên cứu làm đô thị TOD từ ngã tư Hàng Xanh tới quốc lộ 13- Ảnh 3.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/8/ong-phan-van-mai-chu-tich-ubnd-tphcm-17389931834051875368692.jpg)
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết năm 2025, địa phương sẽ tập trung hoàn thiện các quy hoạch
ẢNH: NGUYÊN VŨ
Trong quy hoạch chung, không gian biển và sông, đặc biệt là sông Sài Gòn và vịnh Gành Rái sẽ được khai thác để mở thêm không gian phát triển cho thời gian tới.
Về giao thông, ông Mãi cho biết năm nay sẽ khởi công dự án Vành đai 2, cuối năm cơ bản hoàn thành Vành đai 3 và cố gắng khởi công Vành đai 4 vào cuối năm, đồng thời làm các cao tốc kết nối. "Đến năm 2028 - 2029 sẽ cơ bản hoàn thiện vành đai, cao tốc", ông Mãi nói thêm.
Riêng tuyến đường thủy và đường ven biển nối đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM sẽ báo cáo Thủ tướng giao địa phương mời tư vấn nghiên cứu mô hình đường ven biển của Hà Lan. Nếu làm được sẽ mở ra không gian rất lớn cho cả vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Đối với đường sắt đô thị, TP.HCM đang xây dựng các cơ chế, đề xuất Trung ương cho phép thực hiện theo hướng "chìa khóa trao tay" để triển khai nhanh. Từ nay đến năm 2030, địa phương ưu tiên làm sớm tuyến đường sắt đô thị từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và TP.HCM - Cần Thơ...
Tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng sắp tới TP.HCM cần quyết liệt triển khai các dự án đối tác công tư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là các công trình văn hóa, thể thao.
Đồng thời, ưu tiên nguồn lực phát triển mô hình TOD, thu hút nhà đầu tư chiến lược, thúc đẩy tăng trưởng xanh (giao thông xanh, điện áp mái, dự án Cần Giờ xanh, thí điểm thị trường tín chỉ carbon).
Ông Vũ đề nghị việc triển khai Nghị quyết 98 cần gắn với hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô và vị trí, vai trò của TP.HCM, đề xuất các chính sách thuộc thẩm quyền thành phố.
Bình luận (0)