TP.HCM: Người chưa thành niên phạm tội có chiều hướng gia tăng

26/04/2024 17:21 GMT+7

Đây là nhận định của Công an TP.HCM tại buổi khảo sát việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến tư pháp người chưa thành niên trên địa bàn TP.HCM từ ngày 1.1.2018 - 31.12.2023.

Tội phạm trẻ hóa có dấu hiệu gia tăng

Theo thống kê trong 5 năm, thượng tá Lê Duy Sâm, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM nhận xét, tình hình tội phạm tại TP.HCM có dấu hiệu trẻ hóa, nổi bật ở nhóm người chưa thành niên.

"Giai đoạn từ năm 2023 đổ về trước, tại TP.HCM, tình hình tội phạm mang các tội danh như gây rối trật tự công cộng, cướp giật do người dưới 18 tuổi thực hiện rất nhiều. Báo chí phản ánh liên tục vấn nạn nhức nhối trẻ em sử dụng dao lê, mã tấu, vũ khí thô sơ để gây án. Nổi cộm gần đây là vụ việc 'băng nhóm áo cam' gây náo loạn tại Q.Bình Tân với 94 bị cáo được đưa ra xét xử nghiêm cuối năm ngoái, có nhiều đối tượng tham gia chỉ mới 13 - 14 tuổi", thượng tá Sâm dẫn chứng.

Đại diện Công an TP.HCM nhận xét, người chưa thành niên phạm tội thường rơi vào những em có hoàn cảnh phức tạp, gia đình neo đơn, cha mẹ thiếu quan tâm, bỏ bê, dẫn đến các hành vi, suy nghĩ lệch lạc của các em. Đối với xử phạt người chưa thành niên hiện nay, đại diện Công an TP.HCM cho biết, có 2 luồng ý kiến về việc này. Luồng ý kiến thứ 1 cho rằng nên tăng cường công tác giáo dục, hạn chế tuyên án, để người phạm tội có điều kiện cải tạo. Luồng ý kiến thứ 2 là tiến hành xử lý nghiêm, răn đe xã hội.

Thượng tá Lê Duy Sâm, Phó trưởng PC02 nhận xét tình hình tội phạm tại TP.HCM trong 5 năm qua có dấu hiệu trẻ hóa

Thượng tá Lê Duy Sâm, Phó trưởng PC02 nhận xét tình hình tội phạm tại TP.HCM trong 5 năm qua có dấu hiệu trẻ hóa

THÚY LIỄU

Tuy nhiên, theo nghị định 120 của Chính phủ quy định, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần thứ 3 trong vòng 6 tháng thì phải áp dụng biện pháp quản lý tại địa phương. Nhưng theo thượng tá Sâm, rất hiếm có người chưa thành niên nào trong 6 tháng mà bị lập biên bản 3 lần, dẫn đến không có nguồn để Công an TP.HCM lập hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng.

Tiếp đó, các quy định pháp luật để xử lý người dưới 18 tuổi sử dụng chất ma túy chỉ dừng ở việc quản lý và cai nghiện tại nhà. Thượng tá Sâm cho biết, theo nắm bắt tình hình thì người dưới 18 tuổi đa phần sử dụng các loại ma túy như Methamphetamin (ma túy đá), bóng cười…, cho nên cần sự hỗ trợ của cơ quan y tế trong tuyên truyền sâu hơn để người vi phạm nhận thức được tác hại đối với cơ thể.

Về việc tiến hành lấy lời khai người chưa thành niên, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra TP.HCM đã phân công thêm điều tra viên nữ tham gia lấy lời khai cho bị hại là nữ và trẻ em gái, có phòng lấy lời khai riêng để không gây áp lực tâm lý cho trẻ em.

Sớm thành lập tòa chuyên trách cho người chưa thành niên

Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM, cho biết trong 5 năm qua, chỉ có 2 trường hợp người chưa thành niên áp dụng xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng thay thế hình phạt tù, áp dụng cai nghiện bắt buộc 236 trường hợp. Ngoài ra, Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp của TP.HCM đã giải quyết 1.381 vụ án hình sự với 2.079 bị cáo dưới 18 tuổi tham gia tố tụng với tư cách là bị can, bị cáo.

Theo quy định cơ bản về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội gồm 4 loại: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn. Trừ hình phạt cảnh cáo, 3 hình phạt còn lại khi được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội đều với mức thấp hơn so với mức áp dụng đối với người đủ 18 tuổi phạm tội tương ứng.

Theo bà Hà, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm và trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc áp dụng hình phạt dựa trên cơ sở xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện phạm tội.

Các đại biểu báo cáo thực tế triển khai các quy định pháp luật liên quan đến tư pháp người chưa thành niên tại buổi khảo sát

Các đại biểu báo cáo thực tế triển khai các quy định pháp luật liên quan đến tư pháp người chưa thành niên tại buổi khảo sát

THÚY LIỄU

Tuy nhiên, trong thực tiễn xử án hình sự với người chưa thành niên, bà Hà nêu ra khó khăn lớn nhất là quy định xử phạt đối với người chưa thành niên phạm tội vẫn còn nằm rải rác ở nhiều nơi như bộ luật Hình sự, bộ luật tố tụng Hình sự, luật Thi hành án hình sự, luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản dưới luật khác. Điều này dẫn đến sự phân tán trong việc thực thi pháp luật hiệu quả.

"Tôi ví dụ, nếu áp dụng hình thức cai nghiện bắt buộc với những người sử dụng ma túy trong độ tuổi từ đủ 12 - dưới 18 phải lưu ý đến các yếu tố phát triển tâm lý, bảo đảm điều kiện học tập cho các em. Cần xây dựng môi trường lành mạnh, làm sao để các em này tránh đi cái nhìn kỳ thị, xa lánh của cộng đồng khiến cho người chưa thành niên mặc cảm, căm ghét, bản thân. Hiện đa số các trung tâm cai nghiện ở TP.HCM đều nằm ở huyện ngoại thành như: Hóc Môn, Củ Chi, nếu bố trí giáo viên thì kinh phí cũng như thủ tục khá phức tạp", bà Hà nói.

Năm 2016, TAND TP.HCM đã thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên, nhưng đến nay, ở các tòa án cấp quận, huyện chưa có tòa chuyên trách phụ trách đối tượng này. Vì vậy, bà Hà kiến nghị sớm thành lập đầy đủ Tòa gia đình và người chưa thành niên trong toàn hệ thống TAND để việc xét xử đáp ứng yêu cầu bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người dưới 18 tuổi, đặc biệt khi người dưới 18 tuổi là người bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.