Cầu chặn tàu khách
Đầu năm 2019, các doanh nghiệp (DN) du lịch chuyên đưa đón khách tàu biển tại TP.HCM hào hứng khi nhiều du thuyền hạng sang dồn dập cập cảng TP.HCM.
Với hàng ngàn du khách đẳng cấp cao, sẵn sàng chi trả tới 250.000 USD cho 1 chuyến du ngoạn vài tháng trên biển nên mỗi con tàu cập bến là cơ hội để các điểm đến tăng nguồn thu. VN có đường bờ biển dài, hầu hết TP ven biển đều có cảng nhưng tiềm năng của TP.HCM lớn hơn cả là điểm đến duy nhất tàu có thể cập cảng ngay tại trung tâm, tạo ra nhiều cơ hội vui chơi, giải trí, thưởng thức ẩm thực. Chưa kể đặc thù khách tàu biển đa số lớn tuổi, cái tên “Sài Gòn - TP.HCM” có một sức hút rất lớn đối với họ.
Thế nhưng thực tế, những bất cập về hạ tầng cảng, bến đang là trở ngại lớn nhất khiến TP.HCM chưa thể khai thác hết tiềm năng loại hình du lịch đẳng cấp này. Trước đây, những tàu có sức chứa vài ngàn hành khách có thể đổ khách gần bến Nhà Rồng - trung tâm TP.
Tuy nhiên từ năm 2009, khi cầu Phú Mỹ bắc qua sông Sài Gòn vận hành với độ tĩnh không thấp, chỉ những tàu nhỏ có sức chứa dưới 1.000 khách và thuyền viên mới có thể vào trung tâm.
Những tàu lớn phải ra các cảng phía bên ngoài cầu Phú Mỹ như cảng Rau Quả, Navi Oil, Hiệp Phước... Chưa kể nhiều cảng chỉ tập trung đón tàu container vì chi phí neo đậu lớn hơn rất nhiều so với tàu khách nên gần như không còn chỗ cho tàu du lịch.
Năm 2018, câu chuyện tàu Ovation of The Seas mang theo 4.000 du khách (chủ yếu quốc tịch Mỹ, Anh, Canada, Úc...) và thủy thủ đoàn 1.600 người cập cảng Phú Mỹ nhưng phải lênh đênh ngoài biển mặc dù đã đăng ký trước 18 tháng, vì lý do tàu hàng đã lấp đầy cảng là một điển hình cho bất cập này.
Sau đó, chuyến tàu Voyager of the Seas mang theo 2.800 khách đến TP.HCM và tàu Ovation of The Seas mang theo 4.800 du khách dự kiến đến TP.HCM cũng đã phải hủy kế hoạch do không có chỗ neo đậu. Hậu quả là nhiều công ty lữ hành mất khách; người dân, dịch vụ, TP vừa bỏ lỡ nguồn thu lớn.
Chưa hết tiếc nuối vì bỏ phí rất nhiều tàu khách hạng sang, các DN du lịch tàu biển tiếp tục “đứng ngồi không yên” khi mới đây có thông tin TP.HCM đang rục rịch khởi động dự án cầu Thủ Thiêm 4 nối Q.2 và Q.7 có mức đầu tư khoảng 5.200 tỉ đồng được kỳ vọng giúp phát triển nhanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đáng nói, do hạn chế về tĩnh không khẩu độ của cầu Thủ Thiêm 4 (tĩnh không 10 m, khẩu độ thông thuyền 40 m), toàn bộ tàu khách sẽ không thể cập cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Như vậy, nguồn khách tàu biển hạn chế hiện nay của TP.HCM cũng coi như... mất sạch.
Tàu chưa biết về đâu
Thông tin từ Sở GTVT TP.HCM cho biết, theo quy hoạch, sau khi cầu Thủ Thiêm 4 hoàn thành, các tàu khách dự kiến cập bến tàu khách quốc tế tại Khu công viên Mũi Đèn Đỏ tại P.Phú Thuận, Q.7 của Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula. Hiện nay, bến tàu khách này đã được Bộ GTVT phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công.
Chủ đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ, trong đó bổ sung hạng mục bến tàu khách quốc tế. Do hạn chế về tĩnh không của cầu Bình Khánh và cầu Phước Khánh nên chủ đầu tư đã nghiên cứu lập và phê duyệt thiết kế cầu cảng đáp ứng cho tàu có tải trọng đến 60.000 tấn. Dự kiến dự án sẽ được triển khai trong năm 2020, thời gian thực hiện 12 tháng.
Tuy nhiên, với xu thế hiện nay của các hãng tàu trên thế giới sử dụng tàu có tải trọng 100.000 tấn (chiều dài tàu 270 m, rộng 35 m, cao 60 m) khai thác du lịch bằng đường biển, chiều cao tàu không thể đi qua cầu Bình Khánh và cầu Phước Khánh (do giới hạn chiều cao tĩnh không 55 m) để vào bến tàu khách quốc tế tại Khu công viên Mũi Đèn Đỏ. Thế nên ngay cả sau khi bến tàu khách quốc tế này được hình thành, TP.HCM vẫn không thể đón được các tàu biển cao cấp lớn.
Để giải quyết “nút thắt” hạ tầng cho ngành du lịch, Sở GTVT đang đề xuất UBND TP bên cạnh việc đầu tư bến tàu khách quốc tế tại Khu công viên Mũi Đèn Đỏ, cần thiết nghiên cứu đầu tư xây dựng bến tàu khách quốc tế để có thể tiếp nhận tàu khách quốc tế có tải trọng trên 100.000 tấn tại Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.
“TP.HCM đã phê duyệt nhiệm vụ tuyển chọn ý tưởng quy hoạch phát triển H.Cần Giờ, với định hướng phát triển huyện đảo này trở thành một cực phát triển kinh tế mạnh của TP về du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị thông minh, dịch vụ, resort... Bên cạnh đó, TP đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và TT.Cần Thạnh, H.Cần Giờ (quy mô khoảng 2.780 ha), trong đó tính chất của khu vực quy hoạch là Khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, M.I.C.E (hội thảo hội nghị kết hợp nghỉ dưỡng), dự báo quy mô dân số khoảng 230.000 người và khách du lịch khoảng 8 - 10 triệu lượt/năm. Cùng với lợi thế đường biển dài, việc quy hoạch bến tàu khách quốc tế chuyên dụng tại Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ là hợp lý và cần thiết”, đại diện Sở GTVT cho biết.
Cảng Nhà Bè là cảng mới, chưa được đầu tư toàn bộ, đầy đủ để đón hàng hóa. Đây là cảng duy nhất hiện nay có thể đầu tư ngay, nhanh, đủ tiêu chuẩn đón tàu khách vì đã có sẵn cơ sở hạ tầng.
Từ đây di chuyển bằng đường bộ về trung tâm TP.HCM mất khoảng 25 km với gần 2 giờ đồng hồ di chuyển theo điều kiện bình thường.
Nếu kết nối hệ thống buýt sông đưa khách từ cảng Nhà Bè về trung tâm TP, vừa giúp giảm thời gian di chuyển của hành khách, vừa tạo thêm được 1 hành trình du lịch đường sông thú vị, tăng khả năng thu hút khách du lịch tàu biển tới TP.HCM.
Ông Lý Đức Hiếu, Phó phòng Tổng hợp, Công ty CP Cảng Sài Gòn
|
Bình luận (0)