TP.HCM nỗ lực giải ngân 15.000 tỉ đồng mỗi tháng

05/09/2024 05:56 GMT+7

Ngày 4.9, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 8.2024 trong bối cảnh nhiều chỉ số cho thấy nền kinh tế đang tiếp tục phục hồi tích cực.

Phấn đấu giải ngân hơn 60.000 tỉ đồng trong 4 tháng

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT, cho biết chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,4% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 765.233 tỉ đồng, tăng 10,3%; tổng thu du lịch ước đạt 123.381 tỉ đồng, tăng 14,7%. Bên cạnh những điểm tích cực, bà Mai cũng bày tỏ lo ngại khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,5% nhưng lại giảm 10,2% về vốn đăng ký, số doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động vẫn cao, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.

TP.HCM nỗ lực giải ngân 15.000 tỉ đồng mỗi tháng - Ảnh 1.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ được tăng tốc thi công

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Trao đổi thêm, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hoàng Hải cho biết đến ngày 31.8, TP.HCM mới giải ngân 14.381 tỉ đồng, đạt 18,1%, các chủ đầu tư được giao vốn lớn đều giải ngân thấp. Với hơn 60.000 tỉ đồng còn lại cần giải ngân trong 4 tháng cuối năm, ông Hải đánh giá trung bình mỗi tháng TP.HCM giải ngân 15.000 tỉ đồng sẽ rất khó khăn.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (gọi tắt là Ban Giao thông) cho hay năm 2024 được giao 12.380 tỉ đồng, đến nay giải ngân 2.450 tỉ đồng, đạt 20%. Để đạt mục tiêu giải ngân 95%, Ban Giao thông sẽ tiếp tục đẩy nhanh khối lượng xây lắp, trong đó dự án Vành đai 3 thi công "3 ca 4 kíp", xuyên lễ. Dự kiến trong tháng 9.2024, chủ đầu tư hoàn thành 2 gói thầu cầu Bà Dạt và cầu Giồng Ông Tố thuộc dự án nút giao An Phú, thông xe một nhánh hầm chui Nguyễn Văn Linh, cầu Nam Lý. Đến cuối năm, một số dự án có thể hoàn thành như cầu, đường Phước Long, Rạch Đỉa, Bà Hom, Tân Kỳ - Tân Quý, Trần Quốc Hoàn, Dương Quảng Hàm, QL50... Theo ông Phúc, để đẩy nhanh tiến độ dự án cũng như đạt tỷ lệ giải ngân cao thì các địa phương phải thúc đẩy được cấu phần bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Sốc lại kỷ cương hành chính

Khẳng định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ rất quan trọng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu ngay trong tháng 9.2024, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, địa phương kiểm tra thật kỹ lại từng dự án, cập nhật kế hoạch hằng tháng, hướng đến mục tiêu giải ngân từ 90 - 95% tổng vốn được giao (hơn 79.200 tỉ đồng).

Một vấn đề khác được lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ ra là công tác điều hành của người đứng đầu các cơ quan hành chính trên địa bàn. Ông Mãi đề nghị các thành viên UBND TP.HCM, giám đốc các sở ngành, chủ tịch 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức rà soát xem còn nợ nhiệm vụ nào, rồi phân loại ra để xử lý. "Rất nhiều giám đốc sở khi hỏi đến nhiệm vụ thì nói không biết. Cuối cùng là vì nhiệm vụ đã được phân công cho phó giám đốc xử lý mà giám đốc không biết. Như vậy là không được", ông Mãi lưu ý.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sẽ giám sát công việc của các phó chủ tịch và giám đốc sở, nếu nhiệm vụ bị chậm trễ thì giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan phải chịu trách nhiệm. Tương tự, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng phải chịu trách nhiệm trước tập thể UBND TP.HCM, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM, HĐND TP.HCM. "Chúng ta đã phân công thì phải giám sát về mốc thời gian, chất lượng công việc", ông Mãi nói thêm. Ngoài ra, lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu chấm dứt tình trạng gửi văn bản qua lại giữa các sở ngành, đơn vị; nếu văn bản gửi đi một tuần mà không giải quyết được thì phải tổ chức họp để giải quyết ngay.

Dự kiến hôm nay (5.9), hơn 1,7 triệu học sinh ở TP.HCM đến trường dự lễ khai giảng, bước vào năm học mới. Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu ngành giáo dục rà soát, tổ chức các hoạt động khai giảng gọn nhẹ nhưng mang nhiều ý nghĩa. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP.HCM cần chấn chỉnh việc thu phí, sử dụng phí từ cấp sở cho đến các trường. Hiện HĐND TP.HCM đã thông qua các nội dung thu, mức thu cho năm học. Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các trường cần làm đúng và minh bạch. Trường hợp muốn vận động thêm khoản khác, các trường chỉ thực hiện khi đạt sự đồng thuận của phụ huynh, nếu đa số phụ huynh không đồng thuận thì nhà trường không được tiếp tục thực hiện.

TP.HCM sắp có Trung tâm phục vụ hành chính công

Tại phiên họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết đề án Trung tâm phục vụ hành chính công đã hoàn thiện, chuẩn bị báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Văn phòng Chính phủ. Việc hình thành Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về cải cách hành chính, TP.HCM là một trong 4 địa phương được Chính phủ chọn thí điểm.

Theo đề án, Trung tâm phục vụ hành chính công được hình thành qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ hình thành Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM gồm chi nhánh trung tâm và 22 chi nhánh quận, huyện, TP.Thủ Đức; 24 điểm tiếp nhận của các sở và 312 điểm tiếp nhận ở phường, xã, thị trấn. Giai đoạn 2, chi nhánh trung tâm sẽ thay thế toàn bộ điểm tiếp nhận của các sở, còn các chi nhánh ở quận, huyện và TP.Thủ Đức có thể xem xét thành lập từng nhóm, từng khu vực và giữ nguyên các điểm tiếp nhận ở phường, xã, thị trấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.