TP.HCM nói gì về trung tâm hành chính mới gây tranh cãi?

02/05/2018 10:26 GMT+7

'Ý kiến trong nội bộ thành phố về việc dời công trình qua Thủ Thiêm là dứt khoát không có. Quy hoạch đã được Thủ tướng duyệt rồi, giờ TP sao dám tự quyết chủ trương lại được'.

Liên quan đến những tranh cãi về việc nâng cấp, xây dựng mở rộng trụ sở HĐND, UBND TP.HCM tại ô phố Lê Thánh Tôn, Pasteur, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi (Q.1) khiến dinh Thượng Thơ được xây dựng từ năm 1860 (nay là trụ sở Sở TT-TT) sẽ bị dỡ bỏ; đồng thời trước những ý kiến đề xuất dời trung tâm hành chính mới (trong tình huống nếu có làm) qua khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) để giảm áp lực giao thông, góp phần bảo tồn công trình kiến trúc cổ…, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.HCM nói: “Ý kiến trong nội bộ thành phố về việc dời công trình qua Thủ Thiêm là dứt khoát không có. Quy hoạch đã được Thủ tướng duyệt rồi, giờ thành phố sao dám tự quyết chủ trương lại được. Cũng từng có ý kiến chuyển các công sở lên Củ Chi nữa, rất phức tạp”.
Ô phố Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi (chính giữa) rộng khoảng 18.000 m2 thuộc địa bàn P.Bến Nghé, Q.1, dự kiến được xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Ông Võ Văn Hoan nêu quan điểm: “Mọi ý kiến đều được tiếp thu nhưng liệu các ý kiến đó có thực hiện được hay không, thì thành phố phải xem xét, quyết định. Cũng cần phải nói rõ đây là việc nâng cấp và mở rộng trụ sở, chứ không phải xây trung tâm hành chính. Khối lượng công việc ở TP.HCM liên quan đến thủ tục hành chính của dân gấp cả chục cả trăm lần ở các tỉnh nên TP không làm trung tâm hành chính, bởi làm thì gom hết các sở ngành về một chỗ sẽ rất phức tạp; một ngày mà tiếp cả trăm ngàn dân thì sẽ thành điểm nóng”.
Theo ông Võ Văn Hoan, “vấn đề xây dựng nâng cấp, mở rộng là phải làm thôi, bởi trụ sở HĐND, UBND TP èo uột lắm rồi sau hàng trăm năm sử dụng. Nhiều hạng mục, công trình bên trong khuôn viên xuống cấp đến mức nhếch nhác”.
Phối cảnh tổng thể công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM ẢNH: ĐÌNH PHÚ
Làm kiểu gì cũng bị… chê
Liên quan đến vấn đề bảo tồn, ông Võ Văn Hoan cho biết: “Nguyên tắc thành phố đặt ra ngay từ đầu, là khối công trình nào có giá trị kiến trúc như khối công trình mặt tiền đường Lê Thánh Tôn (đầu phố đi bộ Nguyễn Huệ) thì bắt buộc bảo tồn, còn những khối công trình xuống cấp, không có giá trị kiến trúc thì sẽ được xây mới. Tòa nhà dinh Thượng Thơ mà nay là trụ sở Sở TT-TT ở 59-61 Lý Tự Trọng (góc Lý Tự Trọng - Đồng Khơi), cũng có một số ý kiến đề nghị giữ lại, và thành phố đã cân nhắc thận trọng những ý kiến đó, nhưng xét về lý thì cho đến nay vẫn không có văn bản nào quy định đó là di tích để bắt buộc phải bảo tồn nguyên trạng. Trên thực tế, tòa nhà này đã xuống cấp lắm rồi nên cũng cần phải được nâng cấp mới”.

TP.HCM đã triển lãm đồ án quy hoạch chi tiết, phương án kiến trúc, công bố rộng rãi để người dân, chuyên gia góp ý. Đã đưa ra lấy ý kiến như vậy thì mọi người có quyền góp ý. Việc phản biện từ báo chí, người dân và chuyên gia, UBND TP.HCM luôn cầu thị, lắng nghe để tổng hợp, xem xét điều chỉnh trước khi thực hiện

Ông Võ Văn Hoan


Trước nhiều ý kiến khác nhau về phong cách kiến trúc công trình mới “không ăn nhập với kiến trúc cũ”, ông Võ Văn Hoan nói: “Lúc trước khi nêu ra ý tưởng kiến trúc công trình mới theo đúng phong cách kiến trúc công trình cũ, khi đưa ra góp ý, nhiều ý kiến cũng chê, bảo làm vậy thì không ai phân biệt được đâu là cũ và đâu là mới. Sau này đổi qua kiến trúc mới, mang tính hiện đại, tiện ích, không mang đường nét cổ xưa như kiến trúc cũ, thì cũng có ý kiến chê. Tuy nhiên, theo phương án được chọn và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, công trình mới phía sau (mặt tiền đường Lý Tự Trọng) vẫn là điểm tựa, vẫn là chỗ dựa, tôn vinh cho khối công trình cổ phía trước. Về chiều cao, nếu xây cao quá thì không phù hợp với không gian kiến trúc nên đã hạ 4 tầng xuống lòng đất, trong đó có 2 tầng hầm làm việc, 2 tầng hầm làm bãi đậu xe. Như vậy, công trình mới tính từ mặt đất chỉ cao 6 tầng, nhìn từ phố đi bộ Nguyễn Huệ vào sẽ không thấy bị che chắn tầm nhìn”.
“Phải nói đây là công trình công sở nhưng tiếp cận với dân rất dễ dàng. Khu vực ở giữa là công viên, xuyên từ đường Đồng Khởi đến Pasteur, sau này mở rộng qua khuôn viên Thư viện Tổng hợp và các khu vực lân cận... Khi nào có chuyện cần thì mới đóng lại, còn bình thường thì người dân đi lại dễ dàng”, ông Võ Văn Hoan nói.
Về tiến độ xây dựng, ông Võ Văn Hoan cho biết: “Làm xong hết các khâu thi tuyển ý tưởng thiết kế, công bố lấy ý kiến…, TP.HCM còn phải báo cáo các cấp có thẩm quyền, trình phương án kiến trúc, thiết kế cơ sở cho các bộ ngành thẩm định… Kính phí, thời gian khởi công nâng cấp, mở rộng chưa được ấn định cụ thể, nhưng TP chuẩn bị với tinh thần khẩn trương”.
Một phần tòa nhà dinh Thượng Thơ, nay là trụ sở chính của Sở TT-TT TP.HCM ở góc đường Lý Tự Trọng - Đồng Khởi ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Lý giải thêm vì sao không dời trung tâm hành chính của TP.HCM sang khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở QH-KT TP.HCM cho biết khi quy hoạch Thủ Thiêm từ hơn 20 năm trước đến nay không có chức năng trung tâm hành chính.
“Quy hoạch này được Thủ tướng phê duyệt, nơi Thủ Thiêm chỉ phát triển trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp và chức năng ở của đô thị mới. Do vậy, TP không thể tùy tiện đặt trung tâm hành chính ở đó được. Khi tính toán chuyện này (mở rộng trụ sở HĐND, UBND TP.HCM - PV), Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM bàn bạc, tính toán rất kỹ trên mọi phương diện, phù hợp quy định để có được phương án tối ưu nhất”, ông Nguyễn Thanh Toàn nói.
Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, khối công trình hiện hữu mặt tiền đường Lê Thánh Tôn (nối dài từ Đồng Khởi đến Pasteur) sẽ được bảo tồn. Riêng dãy nhà phía sau và trụ sở các sở: Nội vụ, GTVT, TT-TT, TN-MT sẽ được tháo dỡ để xây dựng mới, dự kiến sẽ bố trí 8 cơ quan nhà nước với 95 phòng ban trực thuộc, tương lai có khoảng 1.700 người làm việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.