Để biến mong muốn này thành hiện thực, ông Nguyễn Thiện Nhân đặt ra hàng loạt vấn đề và mong muốn các nhà trí thức, giới khoa học tìm lời giải giúp TP phát triển mạnh hơn và bền vững.
Chuyển một phần đất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ
|
|
Ông Nhân cũng nêu lên những thực trạng mà TP đang gặp, cần giải quyết gấp như tình trạng gia tăng dân số, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... Trong hơn 40 năm qua, dân số TP.HCM liên tục gia tăng trong khi quỹ đất không thay đổi. Dự báo, đến năm 2020 TP.HCM sẽ thải ra khoảng 3,6 triệu tấn rác sinh hoạt mỗi năm, đến năm 2030, con số này là 4,7 triệu tấn. “Đây là thách thức rất lớn, nếu tiếp tục xử lý chất thải bằng cách chôn lấp thì hậu quả sẽ ra sao? Vì vậy, TP.HCM cần phải có công nghệ cao xử lý rác để đem lại hiệu quả cao nhất”, ông Nhân đề nghị và yêu cầu nghiên cứu để có chính sách giãn dân, quy hoạch lại giao thông để kéo giảm tình trạng kẹt xe.
Bí thư Thành ủy TP cũng mong muốn các nhà trí thức, khoa học nghiên cứu để giải quyết các vấn đề khác trong lĩnh vực kinh tế, xã hội như: Làm sao để kinh tế tư nhân phát triển nhanh hơn nữa, tăng năng suất lao động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng hiệu quả hơn nguồn kiều hối, giảm tội phạm hình sự. Đặc biệt, ông Nhân quan tâm đến vấn đề phát huy nguồn lực con người. Theo ông, điều quan trọng là chính quyền phải trong sạch, vững mạnh, cán bộ công chức phải lắng nghe dân, biết sợ dân khi dân không hài lòng, đảng viên phải gương mẫu, tuân thủ pháp luật, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá công việc và đạo đức cán bộ.
Theo ông Nhân, TP.HCM phải trở thành đô thị thông minh, nơi đáng sống, đáng đến. Như vậy, TP.HCM phải xây dựng chính quyền thông minh, thể hiện qua việc quy hoạch thông minh, điều hành thông minh; công dân thông minh, mỗi người dân là một cảm biến xã hội, hiến kế cho TP; doanh nghiệp thông minh, đồng hành với chính quyền TP trong việc quy hoạch và phát triển; dịch vụ thông minh, theo nhu cầu của xã hội, hỗ trợ cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.
Giảm xe cá nhân phải có lộ trình và minh bạch
Tại buổi gặp, các trí thức, nhà khoa học, doanh nhân đã đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp nhằm giải các bài toán mà ông Nhân đã đặt ra. Kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường - Cảng TP.HCM, nêu lên 5 kiến nghị giải quyết các vấn đề giao thông, đô thị. Trong đó, ông đề nghị TP phải tăng cường năng lực vận tải của phương tiện giao thông công cộng, đổi mới chính sách quản lý giao thông công cộng và đề ra các chính sách quản lý giao thông thông minh. "Vấn đề hạn chế xe cá nhân, TP.HCM cần sớm có lộ trình hợp lý và minh bạch, có giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể", ông Trường đề xuất.
PGS-TS Hoàng Nam, Đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng TP.HCM là trung tâm về công nghệ nhưng vẫn đang gặp nhiều thách thức lớn. Chương trình xây dựng TP.HCM thông minh sẽ không thành công nếu không có sự tham gia của đội ngũ trí thức. Theo PGS-TS Hoàng Nam, hiện nay cơ sở dữ liệu của TP đã có nhưng không tập trung mà nằm rải rác. “Ở các TP lớn trên thế giới, cơ sở dữ liệu được tập trung và các doanh nghiệp đều có thể truy cập để tìm hiểu thông tin mà họ cần. Tôi biết nhiều nhà đầu tư Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư tại Đông Nam Á, trong đó có VN, nhưng do cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin và kỹ thuật công nghệ không đáp ứng được nên họ phải chuyển sang nước khác”, PGS-TS Hoàng Nam nói.
Trong lĩnh vực khởi nghiệp, ông Trần Hữu Toàn, Tổng giám đốc Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Sin, cho rằng phong trào khởi nghiệp TP.HCM thời gian qua chỉ mới dừng ở mức tạo động lực mà chưa đi vào thực chất, người khởi nghiệp cũng chưa dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn. “TP.HCM cần có cơ chế đột phá để đào tạo ra những nhà điều hành một cách bài bản, tháo bỏ cơ chế để các trường có thể tự đưa ra chương trình kết hợp với các doanh nghiệp đào tạo cho sinh viên. Về nguồn vốn vay, TP.HCM cũng cần thay đổi cơ chế để người khởi nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn”, ông Toàn đề nghị.
Bình luận (0)