TP.HCM phấn đấu đến năm 2023 đạt 30% tỷ lệ nữ làm giám đốc, chủ doanh nghiệp

29/11/2022 17:55 GMT+7

TP.HCM xác định đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; đạt 30% tỷ lệ nữ làm giám đốc, chủ doanh nghiệp , hợp tác xã...

Sáng 29.11, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới TP.HCM và UN Women tại Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn đến năm 2030.

Còn nhiều phong trào gia tăng gánh nặng kép cho nữ giới

Theo báo cáo tại hội nghị, 15 năm thực hiện luật Bình đẳng giới năm 2006 và các mục tiêu về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới, TP.HCM đã có nhiều hoạt động chất lượng, tiên phong. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phong trào, chương trình gia tăng gánh nặng kép cho nữ giới. Nhiều đơn vị chưa quan tâm triển khai bình đẳng giới trong ngành, lĩnh vực vì cho là vấn đề của phụ nữ. Ngoài ra, tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới TP.HCM, đề nghị các đơn vị chức năng rà soát hoạt động, mô hình hiện có giải pháp nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động; thu thập dữ liệu tách biệt về giới tính trong từng hoạt động chuyên môn để đánh giá tác động giới và ngân sách có trách nhiệm giới trong các chính sách.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị

phạm thu ngân

Song song đó, các sở ngành, địa phương cần phối hợp triển khai có hiệu quả “Mô hình dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM”.

“Để thay đổi các định kiến giới và các hành vi bạo lực bị ảnh hưởng bởi các quan niệm văn hóa đã ăn sâu, bám rễ trong tư tưởng của rất nhiều người, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, tổ chức và cả cộng đồng trong đó các cơ quan truyền thông, báo chí. Tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành trong lĩnh vực bình đẳng giới của các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế và người dân trong thời gian tới”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam đánh giá cao các hoạt động của TP.HCM về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. UN Women cũng cam kết sẽ hỗ trợ TP.HCM trong triển khai các hoạt động về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Qua đó nhằm tăng cường tạo không gian an toàn cho phụ nữ, trẻ em.

Mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới của TP.HCM đến 2030 là gì?

Theo kế hoạch triển khai chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn đến năm 2030, TP.HCM đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Đơn cử, ở lĩnh vực chính trị, TP.HCM xác định đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Ở lĩnh vực kinh tế, lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 60%; tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 30% vào năm 2030.

Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, TP.HCM xác định giảm số giờ trung bình làm việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới.

Đồng thời, TP.HCM cũng đặt ra chỉ tiêu 90% người bị bạo lực gia đình/cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; và 70% người gây bạo lực gia đình/cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn đến năm 2030.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.