Năm 2024, TP.HCM đứng trước áp lực giải ngân vốn đầu tư công hơn 79.200 tỉ đồng. Dù đặt mục tiêu giải ngân ít nhất 30% đến hết quý 2/2024 nhưng thực tế chỉ đạt hơn 10.900 tỉ đồng, tương ứng 13,8% và bằng 50% bình quân cả nước.
DỒN SỨC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG
Theo cập nhật của PV Thanh Niên, trong số 22 địa phương, TP.Thủ Đức được giao vốn đầu tư công lớn nhất TP.HCM với 4.072 tỉ đồng, phân bổ về 327 dự án. Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, cho biết đến cuối tháng 6, địa phương giải ngân 648 tỉ đồng, đạt 16%. Lý do giải ngân thấp vì có nhiều dự án mới được bố trí vốn năm 2024 nên 6 tháng đầu năm làm thủ tục trình duyệt dự án, hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật, tiến độ giải ngân tập trung quý 3 và quý 4. Đối với dự án ghi vốn bồi thường, TP.Thủ Đức đã kiểm đếm, khảo sát và dự kiến giải ngân 6 tháng cuối năm.
Ở chiều ngược lại, dù là địa phương được giao vốn lớn thứ 2 với hơn 3.220 tỉ đồng nhưng Q.Bình Tân đã giải ngân hơn 70% trong 2 quý đầu năm, vượt chỉ tiêu TP.HCM giao. Đặc biệt, quận đã hoàn thành 10 dự án bồi thường, thu hồi đất, bàn giao mặt bằng phục vụ các công trình công cộng trên địa bàn. Ông Huỳnh Khắc Điệp, Bí thư Quận ủy Bình Tân, đánh giá kết quả giải ngân cao có sự chung sức đồng lòng, ủng hộ của người dân, nhất là 10 dự án bồi thường ảnh hưởng đến hơn 900 hộ. "Nếu người dân không đồng lòng, thấu hiểu thì không thể đạt được. Người dân đồng lòng vì sự phát triển chung của quận, vì các công trình phúc lợi công cộng thụ hưởng sau này", ông Điệp chia sẻ.
Về công tác bồi thường, Phó giám đốc Sở KH-ĐT Phạm Trung Kiên cho biết năm nay cần giải ngân hơn 22.000 tỉ đồng. Một số dự án đã nhận đủ vốn nhưng chưa bàn giao mặt bằng, hoặc giao mặt bằng không đủ nên chưa đủ điều kiện thi công, ảnh hưởng đến tiến độ gói thầu xây dựng. Theo tìm hiểu, nhiều địa phương đang tập trung gỡ vướng để tăng tốc chi bồi thường, nhất là các dự án trọng điểm. Tại Q.3, dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã chuyển động rõ nét sau nhiều năm "đứng hình". Đến đầu tháng 7.2024, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.3 cho biết đã hoàn thành thủ tục chi trả, tạm ứng cho 109/112 trường hợp với tổng kinh phí 837 tỉ đồng, đạt hơn 95%. Đến nay, chỉ còn 3 hộ dân trên đường Cách Mạng Tháng 8 (thuộc P.10) chưa bàn giao mặt bằng. Địa phương đang tích cực vận động, đồng thời chuẩn bị thủ tục cưỡng chế theo quy định.
TĂNG SỰ CHỦ ĐỘNG CHO QUẬN, HUYỆN
Trong vòng 1 năm qua, TP.HCM đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền về cho UBND quận, huyện để chủ động thúc đẩy tiến độ đầu tư công. Cụ thể, vào tháng 8.2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký quyết định ủy quyền cho UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức quyết định giá đất cụ thể và thành lập hội đồng thẩm định giá đất. Cơ chế ủy quyền này giúp địa phương tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm, không còn phải trình lòng vòng qua cấp sở. Về mặt thời gian, việc ủy quyền rút ngắn thời gian phê duyệt đơn giá bồi thường từ 90 ngày xuống còn 45 ngày.
Đến tháng 4 năm nay, UBND TP.HCM tiếp tục ủy quyền cho UBND quận, huyện điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2000 để phục vụ dự án đầu tư công, thời gian ủy quyền đến hết năm 2026. Trước khi điều chỉnh, địa phương phải rà soát và báo cáo bằng văn bản để UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương, sau đó Sở Quy hoạch-Kiến trúc có ý kiến chuyên môn.
Từ thực tiễn triển khai nhiều năm qua, ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND Q.Tân Bình, cho biết việc thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch 1/2000 trải qua các bước khảo sát, đánh giá, trình chấp thuận chủ trương rồi lấy ý kiến cộng đồng cư dân và trình duyệt rất mất thời gian. Còn hiện nay, việc ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/2000 đối với dự án đầu tư công mang lại hiệu quả, giúp đẩy nhanh tiến độ.
Ông Thành nhận định sắp tới, nếu phân cấp thêm cho quận, huyện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 thì tiến độ các dự án đầu tư công tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa. Chủ tịch UBND Q.Tân Bình đề xuất giao luôn cho cấp quận chủ động thuê tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch 1/2000, trên cơ sở đó phòng ban chuyên môn của quận sẽ tham mưu trình UBND quận phê duyệt.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc, khẳng định sẽ đồng hành với quận, huyện hướng dẫn việc điều chỉnh quy hoạch phục vụ dự án đầu tư công, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ tại Sở trong 3 - 4 ngày. Bên cạnh đó, Sở cũng tiếp tục theo dõi việc ủy quyền điều chỉnh quy hoạch phân khu đến hết năm 2024 để phân tích, nếu đủ điều kiện sẽ mở rộng phạm vi ủy quyền không chỉ gói gọn các dự án đầu tư công.
Đầu tháng 7, UBND TP.HCM tiếp tục ủy quyền cho quận, huyện phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các đồ án lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.
Giao thêm dự án cho quận
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết năm nay, 4 ban quản lý dự án lớn (Đường sắt đô thị, Giao thông, Dân dụng và công nghiệp, Hạ tầng đô thị) chiếm 60% vốn đầu tư công. Dù được giao vốn lớn tương ứng với nhiều dự án nhưng tiến độ giải ngân lại không cao. Tại cuộc họp mới đây, ông Mãi đề nghị các chủ đầu tư rà soát, chuyển giao dự án về cho quận, huyện thực hiện.
Trao đổi với PV Thanh Niên, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một huyện ngoại thành TP.HCM nói sẵn sàng nhận thêm dự án mới bởi các thủ tục về đấu thầu đều thực hiện qua mạng, việc quản lý dự án chủ yếu do con người. Năng lực quản lý dự án cấp quận, huyện đang được nâng lên, có thể đảm đương dự án nhóm B, thậm chí nhóm A nên hoàn toàn có thể "chia lửa" cùng các ban quản lý dự án lớn của TP.HCM.
"Những dự án trong quy mô một quận, huyện có thể giao về cho địa phương còn ban quản lý dự án cấp thành phố đảm nhận dự án trọng điểm, đi qua nhiều địa phương", vị này nói thêm.
Bình luận (0)