Hôm nay 5.12, trong phiên tọa đàm khoa học vì cuộc sống với chủ đề ô nhiễm không khí và giao thông ở Việt Nam và thế giới, các chuyên gia hàng đầu thế giới đã chia sẻ những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn, từ đó giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị. Giới nghiên cứu về môi trường Việt Nam cũng có đại diện chia sẻ bức tranh ô nhiễm môi trường ở Hà Nội và TP.HCM.
Tọa đàm khoa học vì cuộc sống là một hoạt động của tuần lễ VinFuture 2024.
Thời tiết khiến Hà Nội ô nhiễm nặng nề hơn TP.HCM
Tại tọa đàm, GS Susan Solomon, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), chủ nhân giải đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học nữ, đồng thời là chủ tọa phiên thảo luận, cho biết thế giới bắt đầu đối mặt với căng thẳng ô nhiễm môi trường từ những năm 1960, kể từ khi xuất hiện nhiều phương tiện giao thông.
"Chỉ cần nhìn vào hệ thống giao thông tại Hà Nội, chúng ta có thể thấy ngay việc cần thiết phải có những trao đổi về vấn đề ô nhiễm không khí để tìm kiếm các giải pháp khả thi", GS Susan Solomon nói.
Theo GS Yafang Cheng, Trưởng khoa Hóa học Aerosol tại Viện Hóa học Max Planck (Đức), từ những nghiên cứu về những yếu tố gây ô nhiễm không khí đô thị ở Trung Quốc cho thấy, nguồn phát thải khí độc ở đây cũng tương tự các đô thị phát triển của Việt Nam, chủ yếu đến từ các phương tiện giao thông.
"Chúng tôi đã phát hiện hai cơ chế quan trọng ảnh hưởng đến ô nhiễm không khí đô thị. Thứ nhất là sự tương tác giữa khí NOx và quá trình hình thành sulfate trong điều kiện độ ẩm cao. Thứ hai là tác động của muội than đến sự phát triển của lớp biên khí quyển", GS Cheng cho biết.
Đặc biệt, nghiên cứu của GS Cheng cho thấy, khi nồng độ muội than - chất ô nhiễm chủ yếu từ khí thải giao thông - vượt ngưỡng giới hạn, nó có thể ngăn cản sự phát triển của lớp biên khí quyển hoạt động vào ban ngày. Hiện tượng này có thể dẫn đến các đợt ô nhiễm không khí cực đoan, một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong điều kiện độ ẩm cao. Đây là những phát hiện đặc biệt có ý nghĩa đối với các thành phố của Việt Nam, nơi có điều kiện khí hậu tương tự và đang phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm không khí từ giao thông.
PGS Hồ Quốc Bằng, ĐH Quốc gia TPHCM, xác nhận khí hậu là yếu tố khiến mức độ ô nhiễm môi trường của Hà Nội nặng nề hơn TP.HCM, mặc dù lượng khí độc phát thải ở TP.HCM nhiều hơn ở Hà Nội.
"Thời tiết ở Hà Nội khiến cho các khí thải mắc kẹt ở tầng sát mặt đất. Còn TP.HCM nhiều nắng hơn, nhiệt độ cao hơn nên khí thải tản lên trên cao dễ dàng hơn", PGS Bằng nói.
Xe máy là nguồn thải khí độc chủ yếu
PGS Hồ Quốc Bằng cho biết, vừa qua ông cùng các cộng sự đã nghiên cứu về các nguồn gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra được các nguồn phát thải khí độc chủ yếu ở hai thành phố này, đồng thời lượng hóa được tỷ lệ phát thải của từng nguồn.
Với cả hai thành phố, có 3 nguồn cơ bản phát thải khí độc vào không khí: các phương tiện giao thông (nguồn đường), các nhà máy sản xuất công nghiệp, các hoạt động dân sinh (nguồn địa phương).
Tại Hà Nội, các phương tiện giao thông chiếm lượng phát thải lớn nhất với hầu hết các khí độc có trong không khí: nitro oxit (NOx) 87%, carbon monoxide (CO) 92%, lưu huỳnh điôxit (SO2) 57%, hợp chất hữu cơ dạng khí không chứa metan (NMVOC) 86%, khí mê tan (CH4) 96%, bụi mịn PM2.5 74%.
Trong số các phương tiện giao thông, thủ phạm hàng đầu thải 2 loại khí độc nitro oxit và carbon monoxide ở Hà Nội là xe máy. Xe tải hạng nặng là nguồn phát thải lớn nhất các loại bụi mịn.
Tại TP.HCM, tình hình cũng tương tự, các khí độc phát thải chủ yếu từ nguồn giao thông.
PGS Bằng đề xuất, để giảm phát thải nitro oxit (NOx) và carbon monoxide (CO), chính quyền cần tập trung xây dựng các giải pháp giảm phát thải từ hoạt động của xe mô tô, xe gắn máy 2 bánh và xe buýt, xe khách chạy xăng. Còn với vấn đề phát thải các chất lưu huỳnh điôxit (SO2) và các loại bụi mịn PM2.5, PM10 thì tỷ lệ đóng góp phát thải của các nguồn không có sự chênh lệch nhiều, do đó khi đề xuất các giải pháp kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm cần tính đến yếu tố chi phí, lợi ích khi triển khai.
Bình luận (0)