Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, giải đáp 13 câu hỏi của các đại biểu.
Tạo vốn từ quỹ đất
Đại biểu (ĐB) Đặng Trần Trúc Dao hỏi thẳng Giám đốc Sở GTVT 2 vấn đề: định hướng phát triển kinh tế giao thông và mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) mà Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù vừa thông qua.
Ông Trần Quang Lâm thừa nhận việc thực hiện quy hoạch giao thông của TP.HCM chậm do thiếu nguồn lực, nguồn vốn chỉ đáp ứng 30% nhu cầu. Trong khi đó, một số dự án được bố trí vốn nhưng tiến độ ì ạch, nguyên nhân lớn nhất do đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư chậm trễ.
Về quan điểm kinh tế giao thông, ông Lâm cho rằng đây là khái niệm mới được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt ra cho ngành giao thông thành phố. Việc đầu tư các dự án giao thông nếu chỉ chờ ngân sách như trước đây thì rất chậm, nên cách tiếp cận mới là ưu tiên đầu tư giao thông để phát triển kinh tế xã hội. UBND TP.HCM đã lập 2 tổ công tác bao gồm tổ TOD do Sở QH-KT chủ trì và tổ thực hiện Nghị quyết 98 mà Sở GTVT là thành viên.
Theo ông Lâm, Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM điều chỉnh quy hoạch cục bộ, đầu tư hạ tầng để phát triển đô thị nén. Sở GTVT đang phối hợp các sở ngành rà soát quy hoạch các nút giao, vị trí liền kề nhà ga metro để xác định khu vực điều chỉnh quy hoạch, lập dự án thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch để đấu thầu kêu gọi nhà đầu tư. Với cách này, TP.HCM sẽ phát huy được quỹ đất gắn với hạ tầng giao thông, người dân được thụ hưởng các tiện ích theo các khu đô thị mới.
Nêu một số khu vực cụ thể, ông Lâm thông tin TP đang chỉ đạo rà soát các tuyến: rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, Vành đai 3, các tuyến metro… để đánh giá hiện trạng đô thị, điều chỉnh quy hoạch cục bộ.
Nhiều dự án thay đổi Cần Giờ
Cũng tại phiên chất vấn, các ĐB đặt câu hỏi về tiến độ một số dự án như cầu Cần Giờ, cầu đường Bình Tiên, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), QL50, đường trên cao…
Nêu tiến độ từng dự án cụ thể, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho hay vấn đề kỹ thuật của dự án cầu Cần Giờ đến nay cơ bản đã xong, Sở đang phối hợp rà soát lại chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cầu Cần Giờ nối H.Nhà Bè sang H.Cần Giờ, dài hơn 3,6 km với 6 làn xe, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư. UBND TP.HCM sẽ trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư cuối năm nay, dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028.
Thu hút vốn xã hội phát triển hạ tầng- Miễn nhiệm 2 đại biểu HĐND TP.HCM
Trao đổi tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết nhu cầu vốn đầu tư lĩnh vực giao thông trên địa bàn đến năm 2030 cần 960.000 tỉ đồng. Do ngân sách không thể đảm bảo được nên cần kết hợp đầu tư công và phát huy nguồn vốn xã hội qua hình thức đối tác công tư (PPP) mà Nghị quyết 98 cho phép.
Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định sẽ phát huy tốt hình thức PPP để thu hút đầu tư các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục. Ông Mãi cũng thông tin dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự kiến Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sẽ cho ý kiến xong trong tháng 7.2023, sau đó UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng.
* Chiều 11.7, HĐND TP.HCM thực hiện công tác nhân sự theo thẩm quyền. Theo đó, bà Phan Thị Thắng, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 do được điều động, bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công thương từ tháng 12.2022. Đồng thời, đồng ý cho bà Trương Thị Mai Hương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND TP.HCM theo nguyện vọng cá nhân.
Ngành giao thông cũng lên kế hoạch đầu tư xây dựng nút giao thông đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh cũng như nâng cấp, mở rộng các cầu trên đường Rừng Sác. Giai đoạn sau năm 2030, TP.HCM sẽ làm đường kết nối cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với đường Rừng Sác…
Đối với dự án QL50, theo ông Lâm, cuối năm 2024 sẽ cơ bản hoàn thành và đưa vào vận hành trước ngày 30.4.2025. Còn dự án cầu đường Bình Tiên, Sở GTVT đang nghiên cứu bổ sung vào danh mục dự án BOT thực hiện theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.
Về các tuyến đường trên cao, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết theo quy hoạch có 5 tuyến dài 71 km, tổng mức đầu tư hơn 89.000 tỉ đồng. Quá trình triển khai, thành phố đã nghiên cứu kêu gọi đầu tư, tuy nhiên vốn rất cao, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng rất lớn. Riêng tuyến đường trên cao số 5 giai đoạn 1 (nút giao Trạm 2 - ngã tư An Sương) hơn 15.400 tỉ đồng được đề xuất làm theo hình thức đối tác công tư, dự tính thực hiện từ nay đến năm 2025.
Bên cạnh đó, trao đổi thêm, ông Trần Quang Lâm cho biết Sở GTVT đã phối hợp Sở Du lịch bàn giải pháp để đến năm 2025 có ít nhất 5 tuyến giao thông đường thủy.
Bình luận (0)