TP.HCM quyết triệt 'cát tặc'

22/06/2019 06:21 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh phải thành lập ngay Ban Chỉ đạo chống “cát tặc”.

Chỉ đạo tại hội nghị “Triển khai giải pháp thực hiện đề án phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, vùng giáp ranh giữa TP và các tỉnh” chiều 21.6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh phải thành lập ngay Ban Chỉ đạo chống “cát tặc”.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết trên địa bàn TP hiện chỉ có dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia (H.Cần Giờ) của Công ty Hoàng Minh được phép hoạt động theo hình thức tận thu bù chi phí. Ngoài ra, TP không cấp phép cho bất cứ dự án nạo vét, khai thác cát nào. Từ đầu năm 2019 đến nay, Công an TP đã bắt giữ 24 vụ, 22 phương tiện và 38 người có hành vi khai thác cát trái phép. Bộ đội biên phòng (BĐBP) TP.HCM cũng đã phát hiện bắt giữ 35 vụ, 53 phương tiện vận chuyển, khai thác cát trái phép.

Có hay không cán bộ “làm tay trong” ?

Bên cạnh việc “cát tặc” cho người theo dõi lực lượng chức năng, thì nên xem lại có hay không cán bộ thực thi công vụ móc nối với “cát tặc” để thông báo thông tin, gây khó khăn công tác đấu tranh
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM
Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng BĐBP TP, cho biết đa phần các phương tiện khai thác cát trái phép trên biển Cần Giờ đều neo đậu tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu nên công tác kiểm soát, xử lý rất khó khăn. Bên cạnh đó, “cát tặc” rất manh động, tinh vi, cho người theo dõi lực lượng tuần tra, BĐBP thiếu phương tiện nên việc phát hiện, bắt giữ còn nhiều hạn chế.
Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP, cũng cho biết với chức năng của mình, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để chống “cát tặc”. Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, Công an TP cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý “cát tặc”, như: chưa có bến bãi neo đậu phương tiện vi phạm; các quy định pháp luật còn chưa đúng thực tế... Giám đốc Công an TP kiến nghị cho tiêu hủy các phương tiện hút cát trộm bị tịch thu, kéo dài thời gian điều tra xác minh phương tiện vi phạm thay vì 60 ngày như hiện nay…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh từ 2015 - 2018 tình trạng vi phạm, xử phạt liên quan đến khai thác cát trái phép trên địa bàn TP ngày càng tăng đột biến. Điều này cho thấy nạn “cát tặc” đang diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng cuộc sống người dân, làm tài nguyên bị cạn kiệt. Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành phải có quy chế phối hợp, đặc biệt là BĐBP, công an phải tiên phong trong công tác phòng, chống “cát tặc”.
Trước những khó khăn mà BĐBP, công an và các quận/huyện báo cáo, ông Nguyễn Thành Phong nhắc: “Bên cạnh việc “cát tặc” cho người theo dõi lực lượng chức năng, thì nên xem lại có hay không cán bộ thực thi công vụ móc nối với “cát tặc” để thông báo thông tin, gây khó khăn công tác đấu tranh?”, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta phải kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm trong khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép”.

Thành lập ban chỉ đạo chống “cát tặc”

Theo UBND TP, trước nạn “cát tặc” diễn biến phức tạp, ngày 3.6 vừa qua UBND TP đã ban hành “Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP với các tỉnh”. Đề án giao cho Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống “cát tặc”. Kinh phí dự kiến cho đề án này gần 165 tỉ đồng mua sắm phương tiện (chưa bao gồm kinh phí xây dựng 2 chốt biên phòng trên biển)...
Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đề án đã được UBND TP thông qua, từ nay đến cuối năm các sở, ban, ngành liên quan phải có kế hoạch cụ thể. Thành lập ngay ban chỉ đạo chống “cát tặc”, giao cho Phó chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu làm trưởng ban; 3 phó ban gồm lãnh đạo Sở TN-MT, BĐBP và Công an TP; đại diện các sở ngành: GTVT, Xây dựng, Tư pháp, TT-TT, KH-ĐT, Tài chính và các quận/huyện: Củ Chi, Cần Giờ, Q.9 là thành viên. Ban có nhiệm vụ đấu tranh, tham mưu, tuyên truyền phối hợp với các tỉnh giáp ranh TP.HCM phòng chống nạn khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép. Bên cạnh đó sẽ kiến nghị sửa đổi các quy định không phù hợp gây khó khăn trong công tác xử lý “cát tặc”.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu công an, BĐBP tăng cường công tác tuần tra kiểm soát chống “cát tặc”. “Từ đây đến cuối năm 2019, ít nhất phải bắt, khởi tố bằng được vài đối tượng cố tình vi phạm trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển cát trái phép để làm nghiêm”, ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo, đồng thời cho biết TP sẽ sớm ký quy chế phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Tây Ninh về công tác phòng chống “cát tặc”.
 

Nếu làm căng thì dự án sẽ không san lấp được

Báo cáo tại hội nghị, đại tá Tô Danh Út cho biết mới đây BĐBP đã phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra công tác san lấp tại một dự án lớn ở Q.9. Qua kiểm tra, các sà lan tham gia san lấp đều có giấy phép, nguồn gốc cát cũng có hóa đơn chứng minh. Nhưng khi tiến hành xác minh nguồn gốc cát san lấp tại dự này dựa trên hóa đơn tại Đồng Tháp, Bình Thuận… đều không đúng. “Nếu chúng ta làm căng thì việc san lấp tại dự án nói trên sẽ không thực hiện được”, ông Út nói và “xin ý kiến Chủ tịch UBND TP”. Nghe xong, ông Nguyễn Thành Phong nói: “Việc này đã giao cho Sở Xây dựng kiểm tra và sẽ báo cáo lại”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.