TP.HCM ráo riết thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù

24/02/2018 08:00 GMT+7

Ngày 23.2, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị cán bộ TP quán triệt Nghị quyết của Thành ủy về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Dự hội nghị có các cán bộ cao cấp T.Ư nghỉ hưu như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng...
Cẩn trọng khi tăng thuế, phí
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho hay trên cơ sở Nghị quyết 54 của Quốc hội, UBND TP xác định 21 đề án, nội dung thực hiện, trong đó có 13 đề án, nội dung thực hiện thường xuyên theo nhiệm vụ được phân công, 8 đề án cần tổ chức nghiên cứu, đề xuất.
Liên quan đến đề án, nội dung lĩnh vực tài chính, ngân sách để thực hiện Nghị quyết 54, ông Phong cho hay TP có đề án phối hợp với bộ ngành T.Ư thực hiện rà soát sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc T.Ư quản lý ở TP.
Trong năm 2018, UBND TP dự kiến trình HĐND TP đề án tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo luật Phí và lệ phí. Hiện UBND TP đã hoàn thành tờ trình tăng 2 loại phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp và phí dừng đỗ ô tô trên lòng lề đường, dự kiến trình tại phiên họp bất thường của HĐND TP sắp tới.
Không thể để chậm trễ
Trước đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân triển khai, quán triệt Kết luận số 21 ngày 24.10.2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 54 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó đặc biệt chú trọng vào vấn đề phân cấp, ủy quyền. Hiện TP hơn 9 triệu dân, bằng 6 tỉnh bình quân cả nước. Như vậy, hồ sơ lên chủ tịch UBND TP, quận, huyện... cũng gấp 6 lần cả nước mà bộ máy thì không khác nhau. Nếu vẫn giữ phân cấp, ủy quyền kiểu cũ thì các chủ tịch UBND quận, huyện, giám đốc các sở không còn đủ sức làm mà cần có phân cấp.
Nhằm tạo động lực làm việc cho cán bộ công chức, TP cần tăng thu nhập không quá 1,8 lần so với hiện tại trong vòng 5 năm. Đề án này đã hoàn chỉnh và dự kiến tuần tới trình Thường vụ Thành ủy và HĐND TP.
Để thực hiện khối lượng công việc nói trên, UBND TP thành lập hai tổ do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến làm tổ trưởng, để chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung, đề án trình Thường trực UBND TP thông qua trước khi báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp có thẩm quyền của TP, T.Ư xem xét, quyết định.
“Để Nghị quyết 54 hiệu quả cần phải chuẩn bị khẩn trương và mọi nội dung công việc cơ bản kết thúc vào kỳ họp HĐND TP giữa năm 2018 chứ không thể kéo dài hơn nữa, bởi càng kéo dài chúng ta sẽ mất cơ hội vì thời gian thí điểm chỉ có 5 năm”, ông Phong nhấn mạnh.
Tinh gọn các ban quản lý
Ngoài những đề án kể trên, TP còn đẩy nhanh hoàn thành Đề án khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập từ TP đến quận, huyện; đề xuất phương án sắp xếp, giao quyền tự chủ, xã hội hóa ở một số lĩnh vực; Đề án sắp xếp, tinh gọn các ban quản lý các dự án của TP và quận, huyện; Đề án cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học về công tác ở sở ban ngành, các khu công nghệ cao...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.