Dù muộn so với Hoàng Anh Gia Lai hay vài địa phương khác, nhưng trước thực trạng sa sút của bóng đá TP.HCM, những người tâm huyết đã có đề án xây dựng học viện bóng đá để vực dậy phong trào.
Đề án thành lập Học viện Bóng đá TP.HCM xuất phát từ ý tưởng của ông Nguyễn Chí Kiên, Chủ tịch CLB Bóng đá TP.HCM và được HLV Zinojnov cùng các cộng sự đến từ Serbia (quê hương HLV Avramovic vừa vô địch AFF Cup cùng Singapore) lên kế hoạch chi tiết và xây dựng lộ trình cụ thể từ hơn 6 tháng qua. Đề án được lập trình theo đề án tổng thể của mô hình đào tạo từ CLB Barcelona nhưng được vận dụng phù hợp với hoàn cảnh thực tế bóng đá VN.
|
Đề án bao gồm cách thức xây dựng học viện, hình thành các tuyến đào tạo trẻ, tổ chức chọn lựa các tuyến tài năng, công tác dinh dưỡng và huấn luyện tâm sinh lý, chế độ quản lý và y học, học văn hóa và đào tạo nhân cách… Đề án này cũng tạo ra sự tương tác giữa gia đình, xã hội và học viện. Đầu vào phải trả phí đào tạo, học tốt sẽ có học bổng và khi trưởng thành sẽ được chuyển nhượng, nhưng ưu tiên phục vụ cho bóng đá TP.HCM.
Cũng theo đề án, học viện sẽ đào tạo chủ yếu lứa tuổi từ 7-9 tuổi theo chu kỳ 10 năm với trên dưới 200 học viên. Ngoài ra, cũng sẽ tuyển sinh học viên lứa 11 tuổi, đào tạo 7 năm, phấn đấu cung cấp nguồn tài năng chất lượng cho bóng đá TP.HCM vào đầu những năm 2020. Cũng theo tính toán, kinh phí hoạt động của học viện trung bình khoảng 7 tỉ đồng/năm, chủ yếu dành cho việc thuê thầy giỏi để đào tạo chuyên sâu, từ đó mới sản sinh ra những cầu thủ chất lượng.
Đề án này nếu sớm thành hiện thực sẽ góp phần cứu vãn sự sa sút hiện nay, nhất là trong bối cảnh các đội bóng TP.HCM đang rơi vào vòng xoáy của những khó khăn bất cập của một nền bóng đá chưa chuyên nghiệp. Làm lại từ gốc, bắt nguồn từ công tác đào tạo trẻ, chấp nhận một số mùa bóng không chạy theo thành tích là yếu tố mấu chốt để bộ mặt bóng đá thành phố tươi tắn trở lại và có sức sống hơn. Với đề án khá chỉn chu này, nếu được các cấp có trách nhiệm hậu thuẫn và thẩm định một cách quyết liệt, đặc biệt là tạo cơ chế thông thoáng trong vấn đề cơ sở vật chất và kinh phí thì bóng đá TP.HCM hy vọng có nguồn nhân lực dồi dào, có hệ thống để củng cố, gầy dựng, tạo ra môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
Cũng có ý kiến lo ngại tính khả thi của đề án khi đến nay bài toán đặt ra là học viện bóng đá này do CLB TP.HCM chịu trách nhiệm hay Trung tâm đào tạo trực thuộc Sở VH-TT-DL TP.HCM. Đây là vấn đề nhạy cảm cần có sự ngồi lại với nhau để giải quyết trên tinh thần vì lợi ích chung của bóng đá TP.HCM. Được biết, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng đã giao cho Sở VH-TT-DL TP.HCM xem xét và lên kế hoạch chỉ đạo phối hợp thực hiện.
Quang Tuyến
Bình luận (0)