TP.HCM sáp nhập 80 phường: Giấy tờ điều chỉnh ra sao?

03/12/2024 04:16 GMT+7

Trước thông tin sáp nhập 80 phường ở TP.HCM từ tháng 1.2025, điều người dân quan tâm nhất là giấy tờ điều chỉnh ra sao, khi nào thực hiện, có mất phí hay không...

ĐỢT SÁP NHẬP LỚN NHẤT TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY

Theo Nghị quyết số 1278/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025, địa phương sẽ sắp xếp 80 phường thuộc các quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận để hình thành 41 phường mới. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1.1.2025. Đây là đợt sắp xếp phường có quy mô lớn nhất tại TP.HCM từ năm 1975 đến nay.

TP.HCM sáp nhập 80 phường: Giấy tờ điều chỉnh ra sao?- Ảnh 1.

Công chức làm việc tại UBND P.1, Q.6, TP.HCM. Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, P.1, P.3 và P.4 của Q.6 sẽ sáp nhập thành một phường

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Các đơn vị sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 hoạt động ổn định

Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm, giai đoạn 2019 - 2021, TP.HCM sắp xếp 3 quận (2, 9 và Thủ Đức) thành lập TP.Thủ Đức và sáp nhập 19 phường còn 9 phường. Thời gian đầu sau sắp xếp, các đơn vị hành chính mới gặp lúng túng nhưng đến nay đã ổn định và phát triển. Địa giới rộng hơn tạo điều kiện, động lực thực hiện các dự án lớn.

Lý giải giai đoạn 2023 - 2025 không sắp xếp các quận, bà Thắm cho biết, đối chiếu theo tiêu chí diện tích thì có khi cả quận cũng không đủ tiêu chí diện tích 1 phường (5,5 km2) như Q.3, Q.4, Q.Phú Nhuận. Tuy nhiên, các quận ở TP.HCM có đặc thù dân số đông gấp nhiều lần quy định. Đối với 5 huyện ngoại thành, TP.HCM đang thực hiện đề án, đầu tư xây dựng theo hướng chuyển huyện thành quận hoặc thành phố.

Trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết 1278/2024, UBND TP.HCM yêu cầu cấp ủy, chính quyền nêu cao vai trò lãnh đạo, duy trì các hoạt động thường xuyên để giải quyết công việc cho người dân, tổ chức. Đồng thời, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; không làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Việc bàn giao tổ chức bộ máy, tài sản, hồ sơ, tài liệu... và chuyển giao trách nhiệm quản lý theo đơn vị hành chính mới phải được tiến hành đồng bộ, kịp thời, theo nguyên tắc bàn giao nguyên hiện trạng.

Về việc điều chỉnh các loại giấy tờ, UBND TP.HCM lưu ý các sở, ngành hướng dẫn 10 quận và các phường thực hiện tốt công tác điều chỉnh các loại giấy tờ liên quan cho người dân, tổ chức do thay đổi tên đơn vị hành chính và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.

Cụ thể, Sở TN-MT hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân điều chỉnh, chỉnh lý biến động đất đai và hồ sơ sử dụng đất. Sở Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh, chỉnh lý biến động trên giấy phép xây dựng công trình, nhà ở. Sở KH-ĐT hướng dẫn việc thay đổi thông tin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, Sở GTVT hướng dẫn việc điều chỉnh, chỉnh lý biến động trên giấy phép lái xe, phương tiện giao thông cơ giới.

Công an TP.HCM hướng dẫn các quận trong việc thay đổi con dấu của các cơ quan, tổ chức; hướng dẫn cá nhân, tổ chức trong việc điều chỉnh, chuyển đổi giấy tờ thuộc ngành công an phụ trách. Tương tự, UBND 10 quận và các phường hướng dẫn, điều chỉnh giấy tờ cho người dân theo thẩm quyền.

GIẤY TỜ CŨ VẪN CÒN GIÁ TRỊ

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tổng diện tích 80 phường thuộc diện sắp xếp rộng hơn 32,6 km2, dân số hơn 1,7 triệu người. Dù vậy, không phải tất cả người dân đều phải đổi giấy tờ mà chỉ những người ở phường sáp nhập vào phường bên cạnh hoặc thay đổi tên phường mới phải điều chỉnh.

TP.HCM sáp nhập 80 phường: Giấy tờ điều chỉnh ra sao?- Ảnh 2.

Từ đầu năm 2025, Q.3 sẽ sáp nhập P.10 vào P.9

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết khi thay đổi đơn vị hành chính thì đương nhiên phải thay đổi giấy tờ. Tuy nhiên, TP.HCM không có chủ trương mọi loại giấy tờ phải thay đổi đồng loạt mà chỉ điều chỉnh khi cần thiết, xuất phát từ nhu cầu của người dân. Các sở, ngành chịu trách nhiệm hướng dẫn việc này theo hướng giữ nguyên, ổn định và thừa nhận giá trị pháp lý giấy tờ, chỉ khi phát sinh sự kiện pháp lý thì mới điều chỉnh.

"Như giấy đăng ký kinh doanh, khi người ta điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì cập nhật lại, chứ không yêu cầu tất cả hộ kinh doanh, DN đi điều chỉnh. Mình nói không nên đổi thì phải công bố để cả xã hội thừa nhận đây là giấy tờ gốc, dù không còn phường cũ nữa nhưng Nhà nước thừa nhận giá trị pháp lý", ông Hoan dẫn chứng.

Theo ông Võ Văn Hoan, trong việc điều chỉnh giấy tờ của người dân, ngành công an là quan trọng nhất vì đang triển khai Đề án 06 (đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030). Ông Hoan đề nghị Công an TP.HCM chủ động cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, trên ứng dụng VNeID, đồng thời chia sẻ cho các cơ quan hành chính khác khi nhận hồ sơ, đối chiếu phường cũ, phường mới. Đối với người dân, DN điều chỉnh giấy tờ, ông Hoan lưu ý các đơn vị không được thu bất kỳ khoản phí nào.

Dù lãnh đạo TP.HCM nêu định hướng không bắt buộc phải thay đổi giấy tờ nhưng người dân vẫn khá băn khoăn. Bởi lẽ trên thực tế, ngoài các thủ tục hành chính do cơ quan nhà nước thực hiện thì người dân, DN còn có nhiều giao dịch dân sự như mua bán, sang nhượng tài sản, vay ngân hàng, hợp đồng kinh tế... "Trong trường hợp đối tác yêu cầu thông tin DN phải cập nhật theo tên phường mới thì chúng tôi vẫn phải thay đổi giấy tờ", chủ một DN ở P.10, Q.3 nói. Kể từ đầu năm 2025, Q.3 sẽ sáp nhập P.10 vào P.9, P.13 vào P.12, giảm còn 10 phường.

CHỦ ĐỘNG HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP

Trả lời thắc mắc của DN, Phó chủ tịch UBND Q.3 Phạm Thị Thúy Hằng khẳng định địa phương không bắt buộc người dân phải đổi giấy tờ đồng loạt từ tháng 1.2025 nhằm hạn chế xáo trộn đời sống. Thay vào đó, người dân chỉ thay đổi giấy tờ khi có nhu cầu. "Các giấy tờ theo tên phường cũ vẫn có đầy đủ giá trị pháp lý", bà Hằng nói.

TP.HCM sáp nhập 80 phường: Giấy tờ điều chỉnh ra sao?- Ảnh 3.

9 phường ở Q.8, TP.HCM sẽ được sáp nhập thành 3 phường

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Điểm thuận lợi, theo bà Hằng là hiện CSDL dân cư quốc gia đã cập nhật tương đối đầy đủ thông tin người dân. Như vậy, các cơ quan nhà nước thời gian tới sẽ cập nhật đồng bộ tên phường mới trên CSDL. Khi người dân, DN có nhu cầu, các cơ quan của quận sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ nhanh nhất việc xác nhận hoặc thay đổi những giấy tờ tùy theo nhu cầu của người dân và DN.

Về giấy tờ xe, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho hay, người dân vẫn sử dụng giấy phép lái xe cũ để xuất trình khi có yêu cầu của lực lượng chức năng, giấy tờ này vẫn có giá trị pháp lý. Chỉ khi nào giấy phép lái xe hết hạn, hoặc muốn lên hạng bằng lái thì người dân mới cần đi đổi, đồng thời cập nhật tên phường mới trên bằng lái. "Bằng lái xe người dân ít có nhu cầu đổi, các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu như giấy đăng ký xe nhu cầu nhiều hơn", vị này nói.

Trong giai đoạn 2019 - 2021, Q.Phú Nhuận đã sáp nhập P.12 vào P.11 và P.14 vào P.13, từ tháng 1.2025 tiếp tục sáp nhập P.3 vào P.4 và P.17 vào P.15. Liên quan đến giấy tờ kinh doanh, ông Nguyễn Lê Minh, Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch Q.Phú Nhuận, cho biết toàn quận có gần 9.000 hộ kinh doanh cá thể, số lượng hoạt động thực tế có thể ít hơn. Sắp tới, quận sẽ rà soát lại các hộ kinh doanh đang hoạt động ở phường thuộc diện sáp nhập (P.3 và P.17) để làm cơ sở đổi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Về cách làm, ông Minh cho biết, Phòng Tài chính - kế hoạch sẽ huy động đoàn viên thanh niên phối hợp các phường rà soát, cập nhật lại giấy chứng nhận theo tên phường mới và gửi trực tiếp cho người dân. Riêng mã số thuế không bị ảnh hưởng, cơ quan thuế chỉ cập nhật lại địa chỉ theo tên phường mới trên hệ thống. "Tinh thần là hỗ trợ tối đa để người dân không phải mất công. Giấy đăng ký kinh doanh điều chỉnh khá dễ", ông Minh nói, đồng thời cho biết sẽ ưu tiên đổi giấy tờ trước cho các hộ đang kinh doanh, còn các hộ đã ngừng kinh doanh sẽ giải quyết sau.

TP.HCM sáp nhập 80 phường: Giấy tờ điều chỉnh ra sao?- Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.