Chiều 3.10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp Sở TT-TT tổ chức họp báo cung cấp thông tin kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 3 của TP.HCM tăng trưởng 7,33%, tính chung 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,85%. TP.HCM tập trung thúc đẩy 3 lĩnh vực đầu tư công, xuất nhập khẩu và tiêu dùng.
Tính đến hết tháng 9.2024, TP.HCM chỉ giải ngân đầu tư công được khoảng 20% tổng kế hoạch vốn (hơn 79.200 tỉ đồng). Việc giải ngân đầu tư công chậm liên quan đến trách nhiệm của các đơn vị.
Theo Chánh văn phòng UBND TP.HCM, không riêng về đầu tư công mà ở các lĩnh vực khác, khi kết quả chưa tốt thì phải xem xét lại nguyên nhân, trách nhiệm các đơn vị, từng cá nhân, tập thể từ lãnh đạo đến cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ. Dù vậy, đầu tư công gặp một số nguyên nhân khách quan, vấn đề pháp lý.
Ông Toàn cho biết hiện đa số cán bộ, công chức tập trung công việc, nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, một số dự án khác dự kiến hoàn thành cuối năm. TP.HCM đang tích cực chuẩn bị hồ sơ làm Vành đai 4 và hệ thống đường sắt đô thị.
"Một số nơi còn chậm, chưa được như mục tiêu đề ra. Việc này TP.HCM có phê bình và khen thưởng tùy theo mức độ, không đợi đến mức xử lý cao hơn mà trong quá trình này, lãnh đạo TP.HCM có sắp xếp, bố trí nhân lực để làm tốt hơn nữa để hoàn thành chỉ tiêu đầu tư công năm 2024 và các năm tới", ông Toàn cho biết.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Sở KH-ĐT chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 ở mức thấp.
Cụ thể, TP.HCM được giao 249.000 tỉ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025, trong đó 49% vốn được giao giữa kỳ. Thông thường việc giao vốn ngay đầu kỳ nhưng sau khi TP.HCM thực hiện cơ chế đặc thù được bổ sung thêm 107.000 tỉ vào cuối năm 2023. Phần lớn dự án dùng số vốn này đang triển khai thủ tục, chưa đến thời điểm giải ngân số tiền lớn.
Riêng vốn bồi thường của TP.HCM (33.000 tỉ đồng) còn gặp khó khăn khi áp dụng luật Đai đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1.8, tổng mức đầu tư tăng lên khi áp dụng luật mới buộc phải dừng bồi thường để điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Ngoài ra, TP.HCM còn một số dự án vướng mắc về mặt thủ tục, pháp lý chiếm 12,6% tổng vốn, dự án phải điều chỉnh quy hoạch chiếm 6% vốn.
Ngoài ra, đại diện Sở KH-ĐT còn cho rằng khi áp dụng các quy định mới về đấu thầu dẫn đến thay đổi quy trình thủ tục, điều kiện hồ sơ trong quá trình lựa chọn nhà thầu; thiếu vật liệu, cát san lấp...
Bình luận (0)