TP.HCM sẽ có 'chợ nổi miền Tây' trên kênh Nhiêu Lộc?

03/06/2024 08:48 GMT+7

Chiều 1.6, lễ hội mỹ vị chợ nổi tại bến nội đô - kênh Nhiêu Lộc (Q.1) lần đầu tiên góp mặt trong Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ 2 đã chính thức khai mạc và sẽ kéo dài đến hết ngày 9.6.

Lễ hội mỹ vị chợ nổi hoạt động từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày. Người dân và du khách nhận vé ở cổng số 1 Hoàng Sa để trải nghiệm hoạt động đi thuyền và ăn uống trên dòng kênh. Theo đó, một vé combo gồm 1 phiếu đi thuyền (có bảo hiểm) và 3 phiếu ăn uống có giá khoảng 200.000 đồng. Công ty Thuyền Nhiêu Lộc chịu trách nhiệm vận hành, đảm bảo các yếu tố an toàn khi tham quan du lịch đường thủy.

BTC dự kiến mỗi ngày đón từ 1.000 - 1.500 khách và tăng dần vào những ngày cuối lễ hội. Để tránh phải xếp hàng, BTC có fanpage cho khách đặt vé trước, khách đoàn mua vé từ sáng để được bố trí trải nghiệm chợ nổi vào các khung giờ khác nhau.

TP.HCM sẽ có 'chợ nổi miền Tây' trên kênh Nhiêu Lộc?- Ảnh 1.

Lễ hội ẩm thực chợ nổi lần đầu tiên góp mặt trong Lễ hội sông nước TP.HCM

Lê Nam

Trải nghiệm chợ nổi trên bờ kênh Nhiêu Lộc: Ẩm thực Nam bộ đặc sắc

Du khách sẽ di chuyển trên thuyền từ bến quận 3 hoặc quận 1 đi dọc theo kênh Nhiêu Lộc để ngắm cảnh hai bên bờ, sau đó thuyền sẽ dừng ở khu vực chợ nổi để mua sắm, ăn uống.

TP.HCM sẽ có 'chợ nổi miền Tây' trên kênh Nhiêu Lộc?- Ảnh 2.

Người dân hào hứng trải nghiệm chợ nổi trên kênh Nhiêu Lộc

Lê Nam

Trong ngày đầu tiên diễn ra, lễ hội mỹ vị chợ nổi thu hút khá đông người dân và du khách vì sự mới mẻ và sinh động.

"Lễ hội diễn ra đến 9 ngày nên chúng tôi dự kiến với 7 tàu, cứ 30 phút/chuyến sẽ có khoảng 60 - 80 khách xuống tàu", bà Trần Ngọc Nguyệt Quế, đại diện Ban tổ chức chia sẻ.

Du lịch trên sông là nét đặc trưng tại TP.HCM và các tỉnh phía nam. Ban tổ chức kỳ vọng nếu lễ hội mỹ vị chợ nổi thành công, nhận được sự yên mến của người dân và du khách sẽ cố gắng duy trì và tổ chức định kỳ hàng tháng.

TP.HCM sẽ có 'chợ nổi miền Tây' trên kênh Nhiêu Lộc?- Ảnh 3.

Không gian sinh động với nhiều chiếc thuyền bán đồ ăn uống neo đậu tại khu vực bến nội đô - kênh Nhiêu Lộc (Q.1, TP.HCM)

Lê Nam

Để tránh biến lễ hội ẩm thực chợ nổi thành lễ hội cá viên chiên, BTC mời đầu bếp Đỗ Nguyễn Hoàng Long, Phó chủ tịch Chi hội đầu bếp trẻ Việt Nam lên ý tưởng và thiết kế các món ăn với đề bài phải mang đậm màu sắc Nam bộ.

Đầu bếp Hoàng Long đã cùng các cộng sự, tình nguyện viên thực hiện đến 15 món ăn dân gian hấp dẫn như ốc hấp lá chúc An Giang, cà ri ốc, bánh canh vịt miền Tây, bánh lọt xào của người Kh'mer… Bản thân anh cũng trực tiếp đứng bếp trên các thuyền để chế biến, đồng thời giao lưu với các du khách về chuyện ẩm thực Nam bộ.

"Qua sự kiện này Long muốn chia sẻ và nâng tầm văn hoá ăn ốc của người miền Nam, cũng nhiều màu sắc trải nghiệm và hương vị đặc sắc. Thực đơn 15 món ăn sẽ phân bổ đều ở 3 chiếc thuyền. Tôi đã chuẩn bị, bố trí các đầu bếp trẻ, tình nguyện viên… phục vụ người dân và du khách trong suốt 9 ngày lễ hội diễn ra", đầu bếp Long nói.

TP.HCM sẽ có 'chợ nổi miền Tây' trên kênh Nhiêu Lộc?- Ảnh 4.

Đầu bếp Đỗ Nguyễn Hoàng Long, Phó chủ tịch Chi hội đầu bếp trẻ Việt Nam chịu trách nhiệm thiết kế thực đơn cho lễ hội

Lê Nam

Ngoài ẩm thực trên thuyền, trên bờ kè kênh Nhiêu Lộc, lễ hội mỹ vị chợ nổi còn có "Không gian sản phẩm thủ công lưu niệm" - nơi trưng bày những món đồ chơi làm bằng vật liệu lá dừa gần gũi, trang sức được làm từ vỏ dừa để khách mua sắm làm quà lưu niệm; hoặc "Không gian trải nghiệm sống xanh" với các sản phẩm trang sức, đồ trang trí cảnh quan trong nhà như chậu cây và đồ dùng từ vật liệu tái chế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.