TP.HCM sẽ có cơ chế vượt trội cho khoa học

22/01/2025 06:04 GMT+7

Ngày 21.1, trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ nhiều mục tiêu, định hướng lớn trong việc triển khai Nghị quyết 57 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

80% HỒ SƠ NỘP TRỰC TUYẾN

Chuyển đổi số là một nội dung trọng tâm mà TP.HCM xác định trong chủ đề năm 2024. Nhìn lại năm qua, ông Mãi đánh giá cả ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đều đạt kết quả tích cực, người dân và doanh nghiệp (DN) đều nhìn thấy được. Nêu mục tiêu năm 2025 cho lĩnh vực chính quyền số, ông Mãi cho hay TP.HCM sẽ giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình ít nhất 80%. Ứng dụng công dân số tiếp tục là kênh tương tác hai chiều giữa người dân, DN và chính quyền, người dân cũng có thể làm thủ tục hành chính trực tuyến trên ứng dụng này.

TP.HCM sẽ có cơ chế vượt trội cho khoa học- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ những định hướng trong triển khai Nghị quyết 57

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Về kinh tế số, TP.HCM sẽ tập trung hỗ trợ DN chuyển đổi số mạnh mẽ, trong đó xác định những lĩnh vực trọng tâm đầu tư từ ngân sách, có cơ chế, chính sách thực hiện và đây cũng là nội dung để thực hiện Nghị quyết 57 năm 2024 của Bộ Chính trị (Nghị quyết 57). "Chúng tôi đang nghiên cứu những cơ chế, chính sách để các DN, các lĩnh vực quan trọng muốn chuyển đổi số hay phát triển KH-CN sẽ được hỗ trợ đầu tư từ 30 - 50%, thậm chí hỗ trợ 100%", ông Mãi nói.

Song song đó, TP.HCM nghiên cứu các ứng dụng dùng chung, hỗ trợ đào tạo nhân lực cho DN chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Ông Mãi đánh giá việc ứng dụng KH-CN tại các DN trên địa bàn sẽ có bước chuyển trong năm 2025. Đồng thời, TP.HCM tập trung cho các DN lớn, DN công nghệ thông tin để tạo hạt nhân của chuyển đổi số. Các DN công nghệ thông tin tham gia với 2 tư cách, vừa là người cung cấp sản phẩm, dịch vụ vừa là chủ thể đổi mới sáng tạo. TP.HCM đặt mục tiêu kinh tế số đóng góp 25% tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2025 và nâng lên 40% năm 2030.

Về xã hội số, TP.HCM hoàn thiện các hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, giới thiệu nhiều ứng dụng cho người dân, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm, an sinh để mọi người đều được tiếp cận.

TP.HCM sẽ có cơ chế vượt trội cho khoa học- Ảnh 2.

TP.HCM sẽ có nhiều cơ chế thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Trong ảnh: cán bộ nghiên cứu làm việc tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

NGÂN SÁCH GIỮ VAI TRÒ DẪN DẮT

Ông Phan Văn Mãi cho biết thời gian qua, TP.HCM dành nhiều đầu tư cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, và Nghị quyết 57 mở ra nhiều cơ hội cho địa phương. Do vậy, TP.HCM sẽ tập trung rà soát đầu tư để có hệ thống hạ tầng phục vụ đồng bộ, tốt hơn, đồng thời ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý, phát triển KH-CN và nguồn nhân lực chung cho xã hội.

Đối với DN, TP.HCM sẽ nghiên cứu chính sách hợp vốn hoặc cho vay kích cầu để thành lập phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu - phát triển để DN đầu tư sâu hơn cho khoa học. Đối với trường đại học và viện nghiên cứu, TP.HCM có cơ chế đầu tư thông qua hỗ trợ lãi suất, hợp vốn hoặc tài trợ toàn bộ để có hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Về nguồn nhân lực, địa phương tính toán hỗ trợ học phí cho sinh viên hoặc hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực về chuyển đổi số, KH-CN cũng như hỗ trợ chi phí dự hội thảo quốc tế, công trình nghiên cứu quốc tế.

Nghị quyết 57 đặt mục tiêu kinh phí chi cho nghiên cứu - phát triển đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%, đồng thời bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Để đảm bảo nguồn lực, ông Mãi cho biết vừa qua, TP.HCM tổ chức 2 cuộc hội thảo để lắng nghe các góp ý của chuyên gia, nhà khoa học và xác định một số trọng tâm cần ưu tiên.

Cụ thể, TP.HCM chủ động tháo gỡ vướng mắc về nguồn quỹ phát triển KH-CN của DN và có cơ chế đầu tư từ ngân sách cho hoạt động nghiên cứu, mua sắm cho trung tâm nghiên cứu. "Ngân sách sẽ dẫn dắt đầu tư ngoài ngân sách. Gỡ vướng quy định thì DN sẽ đầu tư vào nhiều hơn", ông Mãi chia sẻ, đồng thời cho biết chậm nhất tháng 2.2025 TP.HCM sẽ ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 57.

Khởi công cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào tháng 9.2025

Liên quan dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay dự án này cùng với cảng Cái Mép sẽ hình thành cụm cảng trung chuyển quốc tế, khẳng định vị trí của VN trên bản đồ các cảng trung chuyển quốc tế. Trên cơ sở đó, cảng tham gia vào chuỗi trung chuyển, chuỗi cung ứng toàn cầu. Về tiến độ, ông Mãi cho biết sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, TP.HCM đang phối hợp các bên liên quan làm thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Sau đó, nhà đầu tư sẽ trình dự án, các cơ quan sẽ thẩm định và phê duyệt dự án. "Chúng tôi phấn đấu đến ngày 2.9 sẽ khởi công và triển khai giai đoạn 1 của dự án này", ông Mãi nói.

Về tác động môi trường, Chủ tịch TP.HCM cho biết đối với tác động khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, TP.HCM đã chọn vị trí ít tác động nhất. Vừa qua, khi xác định khu bìa rừng bị ảnh hưởng khoảng 90 ha thì TP lên kế hoạch trồng bù 270 ha, gấp 3 lần diện tích bị ảnh hưởng.

Về đề án trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, ông Mãi cho biết sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, UBND TP.HCM đang khẩn trương cùng với Đà Nẵng và Bộ KH-ĐT hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội thông qua nghị quyết, trong đó sẽ có cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư, thành phần tham gia. TP.HCM cũng có kế hoạch đầu tư hạ tầng, nguồn nhân lực cho hoạt động trung tâm tài chính, cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế của trung tâm tài chính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.