TP.HCM sẽ điều chỉnh giá đất mỗi năm tăng 5 - 7%?

23/11/2019 07:18 GMT+7

Thông tin trên được nêu ra tại hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP”, do UBND TP.HCM tổ chức ngày 22.11...

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay do giá đất của TP biến động quá nhanh nên TP đang kiến nghị cho phép hằng năm được điều chỉnh từ 5 - 7% giá đất so với trước, nhằm tạo ra một mặt bằng mới tác động đến chính sách bồi thường cũng như thị trường nhà đất.
Thông tin trên được nêu ra tại hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP”, do UBND TP.HCM tổ chức ngày 22.11, với sự tham dự của lãnh đạo UBND TP, Tổng cục Quản lý đất đai và nhiều chuyên gia lĩnh vực đất đai.

Thất thu thuế do giá của nhà nước quá thấp

Giá 1 m2 đất ở TP.HCM lên tới cả tỉ đồng

Báo cáo của Sở TN-MT tại hội thảo cho hay TP được giao nắm giữ hơn 209.000 ha đất, trong đó hơn một nửa (114.000 ha) là đất nông nghiệp, còn lại (95.000 ha) là đất phi nông nghiệp. Trong tổng diện tích đất nói trên, có hơn 162.000 ha đang được sử dụng, hơn 47.000 ha đang được giao để quản lý chưa đưa vào sử dụng, và đất chưa sử dụng chỉ còn 927 ha.

Giống như Hà Nội, TP có giá đất cao nhất nước khi mỗi mét vuông trên thị trường có giá từ vài triệu tới khoảng 1 tỉ đồng. Do giá đất quá cao nên một quyết định hành chính về đất đai ở TP có thể mang lại hoặc làm mất đi lợi ích vài ngàn tỉ đồng.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP, cho hay một trong những yếu tố cơ bản nhất của vốn hóa đất đai là tạo nguồn thu đất đô thị thông qua quá trình đưa đất công vào thị trường theo cơ chế nhà nước giao đất có thu tiền. Tại các nước công nghiệp phát triển, nguồn thu từ đất chiếm 50 - 90% tổng thu ngân sách địa phương, tạo nên nguồn lực rất lớn cho nâng cấp hạ tầng và dịch vụ công cộng tại đô thị.
Trong khi đó, tại TP, so với tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu từ đất ở TP chỉ chiếm 3 - 5%. Năm 2019, dự toán thu từ đất là 14.900 tỉ đồng nhưng ước tính thu chỉ 11.000 tỉ đồng, đạt gần 74%.
Điều đáng nói, do sự thiếu nhất quán trong nội bộ pháp luật đất đai và giữa luật Đất đai với các luật có liên quan như luật Đấu thầu, luật Đầu tư, luật Xây dựng, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, luật Quản lý, sử dụng tài sản công... đã có tác động trực tiếp tới việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư. Hiện đã cuối năm 2019 nhưng TP mới chỉ có 5 dự án phát triển nhà ở với diện tích hơn 24 ha đất được phê duyệt, thấp hơn rất nhiều lần so với các năm trước.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, dẫn việc vừa qua TP “tổn thất” nhiều cán bộ nguyên là phó chủ tịch UBND TP, giám đốc một số sở ngành đều vướng vào chuyện tài chính đất đai và nêu vấn đề “Tại sao chúng ta tổn thất những cán bộ to như thế. Cách xây dựng pháp luật của chúng ta làm luật nọ mâu thuẫn luật kia”.
Theo GS Võ, để việc sử dụng nguồn lực đất đai có hiệu quả, nhà nước phải sớm hoàn thiện hệ thống thu từ đất. Chứ hiện nay bảng giá đất nhà nước chỉ bằng 30 - 40% giá thị trường khiến thất thu thuế. “Bảng giá đất nhà nước của tỉnh thành ít nhất phải bằng 80% so với giá thị trường để ngăn chặn tình trạng khai giá quá thấp gây thiệt hại cho nhà nước. Bộ TN-MT và Tổng cục Quản lý đất đai phải thực hiện khung giá ở T.Ư để các địa phương làm theo”, GS Võ đề xuất.
PGS-TS Nguyễn Văn Xa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), kiến nghị cần phải khắc phục sơ hở, đảm bảo minh bạch để việc đấu giá đất đạt được kết quả. Theo đó, áp dụng biện pháp đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất thông qua sàn giao dịch bất động sản hoặc đấu giá bằng biện pháp treo biển. Thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn hành vi độc quyền về thông tin đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất bị “quân xanh, quân đỏ” thâu tóm toàn bộ... Kiến nghị này được ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, ủng hộ. Theo ông Chính, bản thân ông cũng nghe phản ánh ở một số địa phương khi đấu giá đã có mấy “ông đầu gấu” ngồi ở đấy rồi. Việc đấu giá chỉ tập trung vào mấy ông này chứ thành phần khác không thể vào đấu giá được.

Kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai

Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho hay thời gian tới để sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, TP cần quy hoạch đất đúng với yêu cầu từng ngành, từng lĩnh vực; phải thường xuyên cập nhật nhu cầu sử dụng đất; kiên quyết thu hồi các dự án có xin đất nhưng chậm triển khai.
“Anh xin đất xí chỗ rồi không triển khai mà để dự án hoang hóa, cỏ mọc khiến người dân rất bức xúc, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội TP”, ông Hoan nói và cho hay sẽ khẩn trương tháo gỡ những nút thắt, khó khăn của những dự án đang triển khai. Hiện có nhiều dự án ở TP đang vướng khó khăn liên quan đến nhiều quy định của luật. Điều này khiến TP rất lúng túng và không còn dám năng động, sáng tạo và kiến nghị như trước đây. “Nếu xuôi chèo mát mái thì điều chỉnh đó là sự năng động, sáng tạo nhưng khi có vấn đề, thanh tra vào chỉ nhìn theo quy định chứ không xem xét những vấn đề khác”, ông Hoan nói và cho hay những quy định chồng chéo, vướng mắc nếu không sớm tháo gỡ sẽ làm nản lòng nhà đầu tư.
Cũng theo ông Hoan, do giá đất của TP biến động quá nhanh nên TP đang kiến nghị cho phép hằng năm được điều chỉnh từ 5 - 7% giá đất so với trước. Việc điều chỉnh giá đất sẽ tạo ra một mặt bằng mới tác động đến chính sách bồi thường cũng như thị trường nhà đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.