Theo đó, trong năm nay, TP.HCM sẽ phấn đấu làm mới đưa vào sử dụng 81 km đường bộ và 18 cây cầu, đẩy mật độ đường giao thông lên đạt 2,2 km/km²; Tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất xây dựng đô thị.
Trong đó, các nhiệm vụ ưu tiên, tâp trung là tổ chức triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, cấp bách đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra; rà soát, lập danh mục các công trình trọng điểm, cấp bách trình UBND TP thông qua nhằm tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ các dự án vành đai, các tuyến quốc lộ và cửa ngõ thành phố. Đó là các dự án: Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, khép kín Vành đai 2, Vành đai 3, Cao tốc Bến Lức - Long Thành, mở rộng các tuyến quốc lộ trên địa bàn thành phố (quốc lộ 1, 13, 22, 50…), các nút giao thông lớn (Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, An Sương, Mỹ Thủy, An Phú…), các công trình khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực Cảng Cát Lái, các tuyến đường sắt đô thị, tuyến BRT số 1 và nâng cấp các tuyến đường trục chính...
Đáng chú ý, Sở GTVT đặt mục tiêu năm 2020 sẽ hoàn thành 53 dự án bao gồm nhiều dự án quan trọng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước như: Dự án nâng cấp, mở rộng cầu chữ Y; Xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2), huyện Nhà Bè; dự án Cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện mặt đường tuyến vành đai phía Đông (đoạn từ nút giao thông Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc), quận 2; Xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương... Tổng mức đầu tư của 53 dự án này là hơn 17.755 tỉ đồng.
Cũng trong năm nay sẽ có 35 dự án giao thông được đấu thầu khởi công. Số dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong 2021 - 2025 gồm 36 dự án và 31 dự án được phê duyệt trong năm 2020.
Bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng, Sở GTVT TP sẽ tập trung rà soát các cơ chế chính sách liên quan công tác trợ giá vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để phối hợp các Sở ngành có liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP các chính sách đột phá nhằm thu hút, tạo động lực để có nhiều đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ. Trong đó tập trung phối hợp rà soát thống nhất quan điểm và phương pháp tính toán bảo đảm nguyên tắc tính đúng tính đủ để tạo động lực phát triển bền vững hệ thống giao thông công cộng thành phố; phát triển hoạt động vận tải đa phương thức.
Song song, hoàn chỉnh và trình thông qua “Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng và kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân”; tập trung triển khai các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài trong năm 2020, nhất là các giải pháp đột phá, quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng của hệ thống vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt trên địa bàn thành phố nhằm đáp ứng 10% nhu cầu giao thông đô thị (theo kế hoạch phải đáp ứng được từ 15% nhu cầu giao thông đô thị là khó có khả năng đạt được).
Bình luận (0)