TP.HCM se lạnh mù 'như sương', người Sài Gòn ra đường cần đeo khẩu trang

02/01/2019 12:06 GMT+7

Những ngày cuối năm 2018 và đầu 2019, bầu trời TP.HCM u ám, người đi đường lúc nào cũng nhìn thấy lớp sương mù. Theo các chuyên gia về môi trường, sở dĩ như vậy là do không khí TP.HCM đang bị ô nhiễm vì nhiều nguyên nhân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu - Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết chỉ số AQI đo được những ngày gần đây tại lãnh sự quán Mỹ (Q.1) thường ở mức khoảng 160; tại Đại học Bách Khoa (Q.10) là gần 200.
“Mức chỉ số này có ý nghĩa là chất lượng không khí tại TP.HCM kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở bên ngoài”, ông Bằng giải thích.
Bảng báo chất lượng không khí từ khoảng giá trị AQI Tổng cục Môi trường

Theo Tổng Cục Môi trường, AQI là viết tắt của chỉ số chất lượng không khí. Đây là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, được biểu diễn qua một thang điểm.
Theo đó, AQI ở khoảng giá trị từ 0 - 50 là chất lượng không khí tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe; từ 51 - 100 là chất lượng không khí trung bình, nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian ở bên ngoài; từ 101 - 200 chất lượng không khí kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở bên ngoài; từ 201 - 300 là chất lượng không khí xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở bên ngoài; trên 300 là nguy hại, mọi người nên ở trong nhà. Trong đó, nhóm nhạy cảm bao gồm trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp.

Nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại TP.HCM

Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng cho biết, những ngày gần đây, người dân TP ra đường hay bị hạn chế tầm nhìn, có cảm giác như sương mù cả ngày.

Theo ông Sơn, những ngày cuối năm, không khí ở TP.HCM hay bị ô nhiễm vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do thời tiết bất lợi, các loại bụi, khí thải khó phát tán vào không khí. Thứ hai là cuối năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao nên nhiều phương tiện đổ ra đường hơn, làm lượng khí thải từ các phương tiện giao thông cũng tăng. Thứ ba là có rất nhiều tuyến đường ở TP đang được cào mặt đường để trải nhựa lại làm bụi mù mịt mỗi khi có xe chạy qua.
Ông Sơn cho rằng để giảm được ô nhiễm không khí ở TP.HCM thì cần có các biện pháp lâu dài, trong đó có việc giảm phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.
 
Ô nhiễm làm người Sài Gòn như thấy sương mù trong những ngày vừa qua Ảnh: Ngọc Dương
“Nhưng thực tế hiện nay ra đường chúng ta có thể thấy ngay là phương tiện công cộng như xe buýt xịt khói đen vào người đi phía sau. Phương tiện công cộng mà như vậy thì cũng khó trong việc hạn chế ô nhiễm không khí. Do vậy, tốt nhất người dân ra đường nên chủ động đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe của mình”, ông Sơn dẫn chứng.
Ông Sơn cho biết, dự tính đến giữa năm 2019, TP.HCM sẽ hoàn thành hệ thống quan trắc tự động. Khi đó, trung tâm sẽ công khai qua các trang web, bảng thông tin điện tử của TP hay qua các ứng dụng để người dân tiếp cận, cập nhật ngay về chỉ số chất lượng không khí.
Khí thải từ các phương tiện giao thông cũng là một trong những nguyên nhân làm TP.HCM bị ô nhiễm không khí Ảnh: Ngọc Dương
Vì sao người Sài Gòn thấy cay mắt khi chạy xe?
“Hiện nay, nhiều người tham gia giao thông cảm thấy cay mắt khi chạy xe là do những loại khí thải SO2, NOx, NO2 trong không khí. Đây là sản phẩm của các phương tiện vận tải, hoặc do đốt nhiên liệu nhiệt độ cao. Tính khó tan của chất thải này, cùng với sự gia tăng các phương tiện vận tải giao thông đã làm tăng ô nhiễm môi trường”, ông Sơn nói
Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ thì giải thích lý do khiến người Sài Gòn bị giảm tầm nhìn, cay mắt khi tham gia giao thông là do lớp mù.
Cụ thể, hơi ẩm kết hợp với bụi tạo nên ngưng kết tầng thấp. Lớp mù này là lớp mây, những hạt ngưng kết rất nhỏ nên chưa đủ điều kiện gây mưa, cũng chưa đủ mật độ tạo thành sương mù, nhưng các hạt ngưng kết này ít bị xáo trộn, tồn tại khá ổn định ở tầng sát đất nên đúng với tầm mắt của chúng ta.
Trong lớp mù này các hạt nhân ngưng kết là những hạt bụi bao gồm từ nhiều nguồn thải ra lớp khí quyển tầng thấp. Cộng với đặc thù một thành phố lớn với nhiều hoạt động sản xuất, giao thông, sinh hoạt của người dân... làm cho không khí bị ô nhiễm, do vậy mắt cay rất có thể là tiếp xúc trực tiếp vào các chất ô nhiễm có trong không khí tầng sát mặt đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.