TP.HCM sẽ triển khai cấp cứu đường thủy ở Cần Giờ

21/08/2022 16:40 GMT+7

Người bệnh nặng, người dân và khách du lịch có vấn đề về sức khỏe ở H.Cần Giờ sẽ được vận chuyển cấp cứu lên trung tâm TP.HCM bằng đường thủy.

Ngày 21.8, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết đang triển khai 4 giải pháp để chăm sóc sức khoẻ cho người dân H.Cần Giờ nói chung, và nhất là xã đảo Thạnh An. Theo giám đốc Sở Y tế, mặc dù TP đã dành ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư cho y tế H.Cần Giờ trong nhiều năm qua, nhưng thực tế người dân H.Cần Giờ vẫn còn nhiều thiệt thòi hơn so với các quận nội thành, nhất là năng lực của hệ thống y tế H.Cần Giờ.

Cấp cứu đường bộ, đường không và đường thủy

Trong 4 giải pháp thì giải pháp mới đó là ngành y tế TP triển khai trạm cấp cứu đường thủy (đường sông và đường biển) trực thuộc Trung tâm Cấp cứu 115, đây là một giải pháp thiết thực phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội của H.Cần Giờ. Cấp cứu đường thủy vận chuyển người bệnh nặng từ xã đảo vào đất liền để được chuyển đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP là hoạt động ưu tiên. Ngoài ra, trạm cấp cứu đường thủy còn tham gia sơ, cấp cứu các trường hợp khẩn cấp của khách du lịch tại H.Cần Giờ, khách đi phà từ H.Cần Giờ đến Vũng Tàu và ngược lại…; cấp cứu ngoài bệnh viện cho người dân sinh sống tại H.Cần Giờ.

TP.HCM sẽ có trạm cấp cứu đường thủy

DUY TÍNH

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cho biết thêm, hiện TP có 39 trạm cấp cứu vệ tinh 115 trên đường bộ. Bên cạnh đó, TP còn có cấp cứu đường không của Bệnh viện Quân y 175 và Trung tâm Cấp cứu 115 đang có kế hoạch phối hợp lập 1 trạm khu vực cấp cứu đường không. Ngoài ra, trong đề án nâng cao năng lực cấp cứu ngoại viện thì TP.HCM cần thiết có cấp cứu đường thủy vì TP có sông, có biển, du lịch đường thủy, chống dịch đường biển và tai nạn đường sông cũng có xảy ra rải rác. Do đó, TP sẽ lập 1 trạm khu vực cấp cứu đường thủy vừa có ca nô cấp cứu, vừa có xe cứu thương, có phối hợp với Sở Du lịch, Cảnh sát giao thông đường thủy. Nếu lãnh đạo TP chấp thuận thì Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ đi học tập một số mô hình và về thực hiện. Ngoài 39 trạm cấp cứu vệ tinh 115 trực thuộc các bệnh viện, Trung tâm Cấp cứu 115 cũng sẽ có thêm 3 trạm khu vực (bên cạnh trạm cấp cứu đường sông, trạm cấp cứu đường hàng không) trực thuộc Trung tâm Cấp cứu 115.

Hỗ trợ toàn diện y tế Cần Giờ

Ba giải pháp còn lại mà ngành y tế TP hỗ trợ H.Cần Giờ, gồm: Giải pháp đầu tiên là đầu tư xây mới trạm y tế xã đảo Thạnh An đạt chuẩn và phù hợp điều kiện xã đảo. Có các trang thiết bị cần thiết cho công tác cấp cứu và xử trí cấp cứu ban đầu, kể cả ngoại khoa. Hiện xã đã có kế hoạch sử dụng đất ưu tiên cho trạm y tế, ngoài ra cần có khu nhà công vụ sẵn sàng cho nhân viên y tế luân phiên tăng cường cho y tế xã đảo.

Thứ nhì, tăng cường nhân lực y tế, nhất là bác sĩ, điều dưỡng. Luân phiên định kỳ nhân viên y tế từ các bệnh viện thành phố đến tham gia hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã đảo mỗi 3 đến 6 tháng, đây được xem là giải pháp khả thi và hiệu quả nhất.

Thứ ba, tăng cường kết nối và hỗ trợ từ xa qua ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hội chẩn, huấn luyện cho nhân viên y tế đang công tác trên xã đảo.

Cấp cứu đường không tại Bệnh viện Quân y 175

DUY TÍNH

Theo lãnh đạo Sở Y tế, vấn đề khó nhất từ nhiều năm qua của y tế H.Cần Giờ chính là thiếu hụt nguồn nhân viên y tế, hơn 10 năm qua vẫn chưa tuyển dụng thêm được bác sĩ nào trong khi số nghỉ việc và nghỉ hưu cứ tiếp tục diễn ra. Vì thiếu hụt nguồn nhân lực y tế nên Bệnh viện Cần Giờ không thể lên hạng 2 được. Theo quy định, Bệnh viện Cần Giờ phải sáp nhập vào Trung tâm y tế, như vậy ảnh hưởng ít nhiều đến công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho người dân H.Cần Giờ.

Trong khi đó, xã đảo Thạnh An H.Cần Giờ với gần 5.000 dân số hiện có trạm y tế xã với 8 nhân viên đảm trách công tác phòng, chống dịch, chăm sóc và quản lý các bệnh mạn tính không lây, khám chữa bệnh ban đầu cho người dân sinh sống tại xã đảo. Trạm y tế được xây dựng hơn 10 năm với diện tích chật hẹp, khó khăn nhất trong hoạt động của trạm y tế là thiếu bác sĩ và kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, thiếu bác sĩ chuyên khoa phục vụ cấp cứu ngoại, sản. Khi cần phải liên hệ ca nô của UBND xã để đưa người bệnh vào đất liền, đôi khi bị chậm trễ gây nguy hiểm cho người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.