Theo HCDC, tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 29 là 4.599 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, TP.Thủ Đức và quận 7.
Cảnh giác sốt xuất huyết trong mùa mưa
Ngày 26.7, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, trong những ngày đầu mùa mưa, muỗi vằn phát triển có thể truyền bệnh sốt xuất huyết cho trẻ em cũng như người lớn. Thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận các ca bệnh sốt xuất huyết nặng. Do đó, người dân cần lưu ý thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng…
"Khi thấy con em mình sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau thì cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện: bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, đau bụng, ói, tay chân lạnh, lừ đừ, nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống...", bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Sốc xuất huyết sau 4 ngày sốt cao liên tục
Theo bác sĩ Tiến, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa tiếp nhận một trường hợp trẻ gái V.Q.N.Y (7 tuổi, ngụ tại Hàm Tân, Bình Thuận) bị sốc xuất huyết nặng đe dọa tính mạng. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ sốt cao liên tục 4 ngày, đến ngày thứ 5 thì có biểu hiện đau bụng, ói, tay chân lạnh. Trẻ được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc sâu, huyết áp không đo được, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 5. Trẻ được điều trị tích cực truyền dịch chống sốc theo phác đồ, tình trạng trẻ diễn tiến nặng, biểu hiện suy hô hấp, tổn thương gan nặng (men gan trên 1500 đv/ml) nên chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại đây, trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng N5, tổn thương gan, suy hô hấp nặng, các bác sĩ tiếp tục truyền dịch cao phân tử dextran 40 10%, albumin 10%, chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, đo áp lực bàng quang, dùng các thuốc vận mạch phối hợp. Trẻ được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, sau đó được đặt nội khí quản thở máy sớm, chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng giải áp. Tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nặng, trẻ được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, vitamin K1, điều trị hỗ trợ gan. Kết quả qua gần 3 tuần điều trị, trẻ bình phục dần, cai được máy thở, tỉnh táo, chức năng gan thận trở về bình thường.
Các biện pháp phòng sốt xuất huyết
Theo Sở Y tế TP.HCM, mùa mưa đã bắt đầu tại khu vực phía nam, muỗi vằn sẽ phát triển mạnh và bệnh sốt xuất huyết lại gia tăng. Sở Y tế TP. HCM kêu gọi mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết để ngăn chặn dịch bùng phát, trong đó chú ý các hoạt động sau:
- Ngăn không cho muỗi đẻ trứng bằng cách: Đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà, loại bỏ các vật phế thải có thể đọng nước.
- Ngăn không cho muỗi chích bằng cách: Ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt bắt muỗi...
- Khi trẻ bị sốt thì đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý.
Bình luận (0)