Khơi thông nguồn lực tư nhân
Đó là vấn đề được chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch nêu lên tại buổi tọa đàm trực tuyến “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay” do UBND TP.HCM tổ chức sáng 3.10. Ông Lịch nói: “TP phải xây dựng chương trình tái cơ cấu phục hồi sau Covid-19 trong vòng 2 năm tới, 2021 và 2022. Kinh nghiệm thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ trong 2 năm 1999 và 2000 của TP rất hiệu quả. Theo tôi, sắp tới, chúng ta nên áp dụng công cụ đó để giúp DN tái cơ cấu thị trường”.
Về hỗ trợ DN, ông Tự Anh cho rằng đa số DN ông tiếp xúc và ý kiến của cộng đồng DN TP thông qua Hiệp hội DN TP.HCM đều nói rõ khả năng và cơ hội tiếp xúc tiếp cận gói hỗ trợ là rất thấp. Vì vậy, ông đề nghị TP nên lập nhóm chuyên trách, trong đó có Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, hiệp hội DN và nhà nghiên cứu. Nhóm này sẽ góp phần đưa khung hỗ trợ cụ thể, chính sách sát sao nhất. Xu thế sắp tới là dòng vốn nước ngoài chắc chắn sẽ giảm, vì vậy nội lực mới quan trọng. Thứ hai là xu thế tự động hóa chắc chắn tác động đến lao động Việt Nam, phải chuyển đổi cơ cấu. Chuyển đổi số như giai đoạn vừa rồi là tự động của DN do Covid-19, nhưng để có hiệu quả phải có thêm 2 yếu tố đi kèm, đó là chính phủ số và xã hội số. Cần có hệ sinh thái để chuyển đổi số thành công. Xu thế có lợi thứ hai là ngành thương mại dịch vụ sẽ lên ngôi thay vì hàng hóa.
Ông Tự Anh nêu một số đề xuất gia hạn giảm các loại thuế có thời hạn như thuế VAT, thuế đất đai… để DN có thời gian lên kế hoạch; phải có quỹ bảo lãnh tín dụng vì ngân hàng cho vay cũng là DN, nếu không được bảo lãnh, họ không thể cho vay vì không khéo sẽ bị nợ xấu… Về vấn đề quỹ bảo lãnh tín dụng, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cũng kiến nghị nên có quỹ bảo lãnh tín dụng nhà nước cho đối tượng DN nhỏ, siêu nhỏ. Các chính sách cho vay cần phân biệt các ngành nghề, không nên đánh đồng các loại hình DN khiến đa số DN không tiếp cận được gói hỗ trợ.
Tạo điều kiện để các công ty tư nhân lớn mạnh
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của DN và chuyên gia kinh tế hết buổi sáng, cho rằng Sở KH-ĐT cần bổ sung vào trong nhóm ngành kích cầu thêm chuyển đổi số và logistics. Sắp tới, TP.HCM sẽ triển khai hoạt động của các hiệp hội ngành nghề, đặc biệt có các DN đầu đàn để đưa ra các đề xuất, nghiên cứu chính sách sát sườn, hiệu quả với DN hơn. Các giải pháp kinh tế TP đưa ra mục đích để nền kinh tế không bị đứt gãy, bảo đảm DN, người lao động có sự tăng trưởng cần thiết; đặc biệt làm thế nào để DN, doanh nhân phát huy vai trò là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận này.
Theo ông Phong, có những dự án vướng mắc vì thiếu sự phối hợp giữa các ngành, việc quyết liệt tháo gỡ vướng mắc là không khó; song vướng mắc về cơ chế, ông Phong yêu cầu DN đồng hành với chính quyền ngồi lại để cùng tháo gỡ, kiến nghị. Ngoài ra, ông Phong khẳng định có những DN mà Thanh tra Chính phủ đã làm việc thì Thanh tra TP không tiến hành thanh tra nữa, chỉ là sự phối hợp sau đó. “Quan điểm của TP là việc phục hồi kinh tế cực kỳ quan trọng. Trước mắt là phải phục hồi hoạt động của DN vì DN không phá sản, với sự hỗ trợ tốt sẽ phục hồi tốt. Hiện có rất nhiều DN của TP có năng lực lớn. Trong 4 chương trình đột phá của TP, có chương trình xây dựng mô hình DN. Thế nên TP có chiến lược tạo điều kiện để các công ty tư nhân lớn mạnh, thành những tập đoàn lớn có đủ sức cạnh tranh, DN quy mô lớn xây dựng lên thành tập đoàn lớn mạnh. Hiện số DN có vốn đăng ký từ 100 tỉ đồng trở lên chỉ chiếm 2,2% của trên 400.000 DN, số DN có hơn 1.000 tỉ đồng chưa tới 1.000 DN. Là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, nếu TP.HCM không xây dựng được tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh là thiếu sót lớn. Muốn làm được, TP đang nỗ lực phát triển, chuyển đổi, hỗ trợ và quyết liệt làm…”, ông Nguyễn Thành Phong thông tin.
Bình luận (0)