TP.HCM sốt ruột với khí thải xe máy

23/10/2018 10:31 GMT+7

Sau nhiều lần thúc giục Bộ GTVT, Sở GTVT TP.HCM đang tiếp tục lấy ý kiến Sở TN-MT đề xuất UBND TP xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy và triển khai thu phí ô nhiễm môi trường.

Kiểm soát xe máy, thu phí ô nhiễm môi trường
Cụ thể, Sở GTVT dự kiến đề xuất UBND TP xem xét, chấp thuận chủ trương để thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm xây dựng đề án với kinh phí khoảng 2,4 tỉ đồng. Nếu được chấp thuận, đề án có thể thực hiện vào năm 2019. Đây là cơ sở để UBND TP báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tại TP HCM. Theo đại diện Sở GTVT TP, nội dung của đề án sẽ bao gồm kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với toàn bộ các phương tiện cơ giới đường bộ (ô tô, mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh) hoạt động trên địa bàn thành phố. Từ đó quy định vùng hoạt động của phương tiện theo các mức điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đồng thời tiến hành thu phí ô nhiễm môi trường đối với các phương tiện. TP cũng sẽ tiến hành điều tra, rà soát chủng loại mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh đang lưu hành trên địa bàn thành phố để thống kê về số lượng, tuổi đời, chất lượng, khu vực thường xuyên hoạt động... của phương tiện theo quận, huyện. Sau đó, làm cơ sở đề xuất các biện pháp xử lý đối với xe không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Động thái này cho thấy, TP đã quá “sốt ruột” trước tình trạng ô nhiễm môi trường do khí thải từ xe mô tô ngày càng tăng cao. Trước đó, hồi đầu tháng 5, đầu tháng 5, Sở GTVT TP cũng đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT sớm trình Chính phủ ban hành quy định về kiểm tra khí thải đối với xe mô tô đang lưu hành. Trong trường hợp quy định trên chưa được ban hành để áp dụng trên cả nước, TP mong được Bộ hướng dẫn thủ tục để có thể thực hiện thí điểm.
Thống kê từ Sở GTVT TP.HCM cho biết tính đến 1.3.2018, TP có gần 7,5 triệu mô tô, trung bình 1,5 người có 1 mô tô. Con số từ các cơ quan kiểm soát và nghiên cứu môi trường TP cho biết mô tô lưu thông thải ra 94% hydro carbon, 87% carbon, 57% ôxit nitơ trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Với tốc độ tăng mô tô trên địa bàn 10 - 15%/năm và vẫn chạy với chuẩn EURO 2 (mức gây ô nhiễm môi trường nặng nề) từ hàng chục năm qua, lượng xe mô tô tăng kéo theo lượng khí phát thải chắc chắn sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Phải có phương tiện thay thế
Cần tuân thủ đúng theo cơ chế thị trường, để người dân có sự lựa chọn. Hạn chế xe máy thì phải có hệ thống xe buýt tốt. Không thể chỉ cấm cứng nhắc mà không quan tâm đến thực tiễn, quyền lợi của người dân
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường 

Chủ trương kiểm soát khí thải đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2010, với mục tiêu tới năm 2015 kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 80 - 90% xe máy ở Hà Nội, TP.HCM, và mở rộng cho 60% xe máy tại các TP loại 1, 2. Song đề án đã không được thực hiện do xe máy liên quan đến nhiều tầng lớp xã hội nên ngoài lần đăng ký và cấp biển số đầu tiên, xe máy không chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào dù cũ nát, mất an toàn hay gây ô nhiễm. Thực tế, hình ảnh những chiếc xe máy cà tàng xả khói mịt mù, được “chế” lại ống bô, yên xe… gánh theo đống hàng hóa thường xuyên xuất hiện, tạo hình ảnh phản cảm và an toàn giao thông trên đường phố.
Xe cà tàng lưu thông trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM) Ngọc Dương
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường là xu hướng chung và tất yếu không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các nước trên thế giới. Chúng ta đã kiểm soát khí thải đổi với ô tô thì tất cả các phương tiện khác cũng đều phải kiểm soát, trong đó có cả xe máy. Tuy nhiên, ông Chinh cũng thừa nhận đây là vấn đề lớn, tác động đến nhiều tầng lớp người dân nên không thể ngay lập tức áp các quy định mang tính hành chính cứng nhắc. Muốn làm được phải có hạ tầng kỹ thuật kết hợp với các biện pháp kinh tế. Trong đó, chuẩn bị đầy đủ hạ tầng kỹ thuật cho việc đo lượng phát thải, số lượng phương tiện, phân loại phương tiện… còn các biện pháp kinh tế, áp dụng thu phí môi trường phải căn cứ vào mức thu nhập của người dân hiện nay.
Cũng theo ông Chinh, những cơ sở trên chỉ là điều kiện cần, việc kiểm soát khí thải xe máy nằm trong tổng thể đề án hạn chế xe cá nhân nên điều kiện đủ là phải có phương tiện giao thông thay thế. Xe máy hiện là phương tiện di chuyển chính của người dân TP.HCM nói riêng, người dân cả nước nói chung. Khi muốn nhắm vào cái này thì phải có cái khác tốt hơn thay thế. Cần tuân thủ đúng theo cơ chế thị trường, để người dân có sự lựa chọn. Hạn chế xe máy thì phải có hệ thống xe buýt tốt. “Trong bối cảnh hiện nay, việc kiểm soát khí thải đối với xe máy cần có lộ trình, từng bước song song với việc phát triển xe buýt, hình thành mạng lưới giao thông công cộng rộng khắp. Đồng thời, nhà nước cũng nên đánh giá, phân loại chính xác, lọc ra những tầng lớp quá yếu thế trong xã hội để có những chính sách hỗ trợ họ chuyển đổi phương tiện” – ông Chinh đề xuất.
Đồng tình với phương án hạn chế xe máy để song song phát triển hệ thống xe buýt nhưng PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM) nhận định : Hiện có đến hơn 74% nguời dân TP.HCM sử dụng xe máy để di chuyển hàng ngày phục vụ buôn bán mà không thể chuyển đổi sang xe buýt nên không thể cấm hay hạn chế phương tiện này. Trừ khi phải quy hoạch lại các khu kinh tế trong thành phố, để người lao động có thể đi làm quanh các khu công nghiệp, không phải chạy đi xa thì mới có thể dùng xe buýt thay thế. Theo ông Ninh, nên có những chính sách thiết thực về mặt kỹ thuật nhưng cũng phải phù hợp với thực tiễn. “Cần bắt buộc tất cả xe gắn máy phải chạy nhiên liệu sinh học như xăng E5 hiện nay. Lượng cồn trong xăng sinh học sẽ giảm bớt khí CO độc hại thải ra từ xe máy. Đồng thời yêu cầu chủ phương tiện thường xuyên đưa xe đi kiểm định, nâng cấp đối với những xe quá cũ” – ông đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.