Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu vừa ký văn bản gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trung tâm y tế và phòng y tế các quận, huyện và TP.Thủ Đức chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.
Theo đó, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) triển khai tổ chức tập huấn, giám sát, hỗ trợ các trung tâm y tế quận, huyện trong điều tra, xử lý ca bệnh bạch hầu. Tổ chức báo cáo, theo dõi tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn TP.HCM.
Bên cạnh đó, triển khai và giám sát việc thực hiện kế hoạch tiêm bù mũi các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ trên địa bàn TP.HCM nhằm nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh. Tăng cường giám sát công tác rà soát quản lý đối tượng tiêm chủng nhằm quản lý tối đa trẻ trên địa bàn.
Ngoài ra, xây dựng nội dung truyền thông nhằm thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bệnh bạch hầu và khuyến cáo tiêm chủng vắc xin bao gồm trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng, trẻ lớn và người lớn.
Sở Y tế TP.HCM cũng giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là đầu mối tổ chức tập huấn cho các cơ sở khám chữa bệnh về chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bệnh viện phải đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán xác định ca bệnh bằng các xét nghiệm nuôi cấy và xét nghiệm độc tố.
Đồng thời, bệnh viện cũng phối hợp với Phòng nghiệp vụ Dược (Sở Y tế TP.HCM) rà soát, đảm bảo cung ứng đầy đủ kháng sinh điều trị, huyết thanh kháng độc tố bạch hầu sẵn sàng tiếp nhận điều trị ca bệnh bạch hầu. Thực hiện báo cáo cho Sở Y tế TP.HCM và hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm trong vòng 24 giờ khi có ca bệnh nghi ngờ.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập, ngoài công lập, khi phát hiện ca nghi ngờ mắc bạch hầu cần tiến hành cách ly bệnh nhân, hội chẩn và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để được điều trị kịp thời.
Nếu có ca nghi ngờ mắc bạch hầu, cần tích cực điều tra, phát hiện thêm ca bệnh mới tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng, đặc biệt tại nơi bệnh nhân sống, làm việc và học tập.
Thực hiện truyền thông về bệnh bạch hầu trong cộng đồng, đặc biệt chú trọng khu vực bệnh nhân sinh sống, học tập, làm việc để người dân biết về triệu chứng của bệnh, các biện pháp phòng bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh và giảm nguồn lây cho cộng đồng.
Sở Y tế TP.HCM cũng giao các trung tâm y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức điều tra ca bệnh, truy vết tiền sử tiếp xúc, lập danh sách người tiếp xúc gần và phản hồi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông tin.
Tăng cường tổ chức tiêm chủng thường xuyên và tiêm bù các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trên địa bàn nhằm nâng cao miễn dịch cộng đồng, đảm bảo chỉ tiêu tiêm chủng tối thiểu.
Đối với các cơ sở tiêm chủng cần nghiêm túc thực hiện lịch tiêm chủng quốc gia. Chủ động đảm bảo nguồn vắc xin phòng bệnh bạch hầu để tư vấn, chỉ định tiêm chủng đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân.
Bình luận (0)