Theo dự thảo, UBND TP.HCM bố trí số lượng công chức theo phân loại đô thị, phường loại 1 có 12 người, phường loại 2 có 10 người. Phường loại 1 có 19 người hoạt động không chuyên trách, phường loại 2 có 18 người và phường loại 3 có 16 người. Ngoài số lượng trên, TP.HCM cũng tăng thêm nhân sự theo dân số tương ứng với quy mô 30.000 dân (tăng 1 công chức), 50.000 dân (tăng 2 công chức, 2 người hoạt động không chuyên trách), 100.000 dân (tăng 3 công chức và 3 người hoạt động không chuyên trách).
Kinh phí tăng gần 650 tỉ đồng mỗi năm
Một điểm mới theo dự thảo tờ trình là cấp phường có thêm 5 chức danh mới: phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy, thường trực khối vận, tuyên giáo, bình đẳng giới - trẻ em, công nghệ thông tin.
Đối với khu phố, ấp, UBND TP.HCM đề xuất ngoài 3 chức danh theo quy định chung (gồm bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng ban điều hành) thì có thêm 2 chức danh mới là bí thư chi đoàn thanh niên và chi hội trưởng phụ nữ. Ngoài 5 chức danh trên, TP.HCM cũng quy định người trực tiếp tham gia hoạt động ở khu phố, ấp tối đa không quá 4 người, mức hỗ trợ bằng 0,3 lần lương cơ sở (tương đương 540.000 đồng/tháng). Mức khoán kinh phí hoạt động hằng tháng là 3,5 triệu đồng.
Với cơ cấu nhân sự mới, kinh phí hằng năm chi trả cho 6.073 người hoạt động không chuyên trách cấp phường khoảng 778 tỉ đồng, còn mức chi cho 4.681 khu phố, ấp hơn 958 tỉ đồng. Tính chung, hằng năm kinh phí tăng thêm cho 2 nhóm trên gần 650 tỉ đồng. TP.HCM đề xuất nghị quyết có hiệu lực thi hành từ tháng 3.2024.
Thêm người, bớt áp lực
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, nhiều địa phương đang trông chờ quyết sách này. Bà Võ Thị Ngọc Lan, Chủ tịch UBND P.An Phú Đông (Q.12), chia sẻ bản thân rất mừng khi nhận thông tin sắp tới TP.HCM sẽ tăng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cho phường, xã, thị trấn. Theo quy định hiện hành, P.An Phú Đông được 35 biên chế, nhưng thực tế đang thiếu 2 công chức nên các nhân sự phải kiêm nhiệm, choàng gánh công việc. Vừa qua, phường được tăng một phó chủ tịch UBND (áp dụng với phường trên 50.000 dân) san sẻ phần nào công việc của phường.
"Hơn nữa, thực hiện chủ đề năm 2024 của TP.HCM là chuyển đổi số đòi hỏi có cán bộ chuyên môn hiểu biết về công nghệ thông tin", bà Lan nói thêm và cho biết công việc dự kiến của nhân sự công nghệ thông tin sẽ phụ trách về dịch vụ công, cải cách hành chính, thanh toán điện tử…
Cân nhắc ở từng địa phương
TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP.HCM, nhìn nhận so với các địa phương khác, ngay cả các đô thị cùng cấp thì TP.HCM có tốc độ đô thị hóa cao hơn nên nhu cầu về quản lý, điều hành, đặc biệt là cấp cơ sở sẽ dày hơn, đa dạng hơn. Nhu cầu điều hành phát sinh không chỉ do số dân quyết định mà còn được quyết định bởi đặc điểm địa bàn. Nếu số lượng dân quyết định số lượng đầu việc, thì đặc điểm địa bàn (đô thị trung tâm, đô thị vùng ven, nông thôn) sẽ quyết định quy mô và loại việc phát sinh. Do đó, việc TP.HCM tăng số lượng cán bộ, công chức theo quy mô dân số và đặc điểm địa bàn khác biệt với quy định chung là hoàn toàn hợp lý.
Về việc tăng thêm các chức danh mới, chuyên gia này phân tích chuyên môn hóa và hạn chế kiêm nhiệm là xu thế chung và là hướng đi đúng trong quản lý nhân sự ở cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Chuyên môn hóa về chuyên môn sẽ đạt được sự chuyên nghiệp, sự chuyên cần, sự cầu thị và từ đó hình thành sự đam mê trong công việc.
Tuy nhiên, TS Thiện Trí cũng lưu ý việc tăng chức danh nhằm hạn chế kiêm nhiệm cũng cần cân nhắc ở các địa phương khác nhau, tránh áp dụng đồng loạt bởi thực tiễn địa phương này việc kiêm nhiệm là hợp lý nhưng địa phương khác sẽ quá tải. Tăng biên chế cần đặt trong bối cảnh của từng địa phương cụ thể, tránh việc thấy phường này tăng, phường kia cũng tăng như một phong trào.
Theo số liệu dân số VN năm 2022, ước tính cả nước có hơn 99,8 triệu người, còn dân số trung bình của TP.HCM khoảng 9,6 triệu người (chiếm 9,6%). Bình quân 1 cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn đang phục vụ 1.558 người dân trong khi bình quân cả nước chỉ 485 người dân. Như vậy, 1 cán bộ, công chức cấp phường của TP.HCM đang phục vụ số lượng người dân gấp 3 lần bình quân cả nước.
Theo yêu cầu chung của T.Ư, TP.HCM đang phải cùng lúc làm nhiều việc liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính như sắp xếp đơn vị hành chính, tinh giản biên chế và tăng cán bộ công chức. Tuy nhiên, thực tiễn tại TP.HCM cho thấy việc bố trí số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách theo quy định của Chính phủ là chưa phù hợp với quy mô dân số. Đặc biệt, đối với những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, địa bàn rộng và có tính chất phức tạp về trật tự xây dựng, quản lý đô thị, an sinh xã hội thì nhân sự còn thiếu rất nhiều. Do đó, trước mắt TP.HCM cần tập trung giải quyết công việc của người dân, trong đó cần tăng cán bộ, công chức theo quy mô dân số, đặc điểm địa bàn sau khi được T.Ư cho phép.
Đại biểu Lê Minh Đức (Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM)
Bình luận (0)