TP.HCM tăng tốc chuyển đổi số: Nâng tầm hệ thống dùng chung

23/09/2024 05:59 GMT+7

Ứng dụng Công dân số TP.HCM sẽ tích hợp, kết nối hàng chục ứng dụng chuyên ngành riêng lẻ để người dân tương tác với chính quyền thuận tiện, dễ dàng.

THUẬN TIỆN VỚI GIẤY TỜ ĐIỆN TỬ

"6 năm trước, mỗi lần khám thai tôi phải điền đủ thứ thông tin vào phiếu, nộp rồi ngồi chờ đến lượt thanh toán, còn bây giờ thì không cần mang theo giấy tờ gì ngoài chiếc điện thoại", chị Diệu Mi (ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nói về sự khác biệt khi đến khám thai ở bệnh viện.

Sự tiện lợi này bắt đầu từ tháng 3.2022 khi BHXH VN thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Bên cạnh đó, Bộ Công an triển khai sử dụng định danh điện tử đối với người dân đã làm thẻ CCCD gắn chip qua ứng dụng VNeID. Nhờ vậy, với chiếc điện thoại cài ứng dụng VNeID, chị Diệu Mi không cần mang theo thẻ BHYT và thẻ CCCD mà chỉ cần xuất trình thẻ căn cước điện tử trên điện thoại để khám thai.

TP.HCM tăng tốc chuyển đổi số: Nâng tầm hệ thống dùng chung- Ảnh 1.

Lãnh đạo Phòng Tư pháp Q.Phú Nhuận (TP.HCM) ký số kết quả chứng thực điện tử

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Bà Lê Thiện Huỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện trên địa bàn TP.HCM có 93 cơ sở y tế áp dụng khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip. Ngoài ra, 88 đơn vị đã triển khai liên thông giấy chứng sinh, giấy báo tử; 68 cơ sở đã liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe. Thời gian qua, ngành y tế TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường các tiện ích phục vụ người dân và phục vụ công tác của ngành.

Một trong những trọng tâm mà ngành y tế TP.HCM tập trung sắp tới là tiếp tục triển khai sổ sức khỏe điện tử của người dân. Dữ liệu để tạo lập sổ sức khỏe điện tử ban đầu của người dân được lấy từ nguồn dữ liệu tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng Covid-19, tham gia BHXH. Dữ liệu này sẽ được tích hợp vào sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID và ứng dụng Công dân số của TP.HCM.

KHAI THÁC "MỎ VÀNG" DỮ LIỆU DÂN CƯ

Với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được chia sẻ, TP.HCM đã khai thác, ứng dụng vào công tác quản lý chuyên ngành, giải quyết thủ tục hành chính. Đơn cử năm học 2024 - 2025, lần đầu tiên ngành giáo dục TP.HCM áp dụng phương thức tuyển sinh đầu cấp dựa trên "nơi ở hiện tại" trên quy mô toàn thành phố. Phụ huynh dùng mã số định danh cá nhân của con em mình đăng ký trực tuyến, nơi ở của học sinh trên hệ thống hiển thị duy nhất "nơi ở hiện tại" là địa chỉ thật, giúp địa phương phân bổ nơi học đúng tuyến.

Tương tự, đối với dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP.HCM kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mang lại nhiều tiện lợi cho người dân.

TP.HCM tăng tốc chuyển đổi số: Nâng tầm hệ thống dùng chung- Ảnh 2.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND Q.Phú Nhuận (TP.HCM)

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX), thuộc Sở GTVT TP.HCM, cho biết việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào thủ tục đổi GPLX ô tô trực tuyến giúp người dân bớt thành phần hồ sơ, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chi phí gián tiếp, chủ động theo dõi tiến độ hồ sơ. Người dân chỉ cần chuẩn bị hồ sơ như bản chụp GPLX, CCCD, giấy khám sức khỏe điện tử và truy cập cổng dịch vụ công nộp hồ sơ rồi nhận kết quả tại nhà qua bưu điện.

Trung bình mỗi tháng, Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX tiếp nhận từ 3.500 - 4.500 hồ sơ trực tuyến, chiếm hơn 30% tổng hồ sơ tiếp nhận. Ông Quang cho biết tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng lên đã kéo giảm áp lực tại các điểm tiếp nhận hồ sơ, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm bớt phiền hà, nhũng nhiễu.

HÓA GIẢI NHỮNG THÁCH THỨC

Trong 4 khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ chuyển đổi số, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM Võ Thị Trung Trinh đánh giá chia sẻ dữ liệu là rào cản lớn nhất. Hiện vẫn còn tình trạng "cát cứ" dữ liệu giữa bộ ngành với TP.HCM và giữa các sở ngành, quận huyện.

"Phải thúc đẩy chiến lược quản trị dữ liệu để hình thành văn hóa chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước", bà Trinh nhận định. Các khó khăn còn lại gồm: năng lực số của cán bộ, công chức; tích hợp các ứng dụng đang triển khai và quy trình giải quyết thủ tục hành chính chưa đáp ứng trên môi trường số.

Để giải quyết thủ tục trên môi trường số, bà Trinh cho rằng phải đồng bộ, tái cấu trúc lại quy trình dựa trên dữ liệu. Cụ thể, thay vì yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp bản sao thì cơ quan nhà nước sử dụng dữ liệu dân cư. Hiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp bản sao CCCD, sổ hộ khẩu, giấy phép kinh doanh mà sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể.

Thực tế tại TP.HCM đang tồn tại một bài toán cần sớm hóa giải là có quá nhiều ứng dụng chuyên ngành từ giao thông, quy hoạch, xây dựng, cảnh báo ngập, tổng đài 1022, tổng đài khẩn cấp cho đến ứng dụng riêng lẻ của từng quận, huyện.

Theo bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia chuyển đổi số cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB), các ứng dụng rời rạc và không tích hợp với nhau gây khó khăn cho người dân trong việc tương tác với chính quyền cũng như xử lý thủ tục hành chính của công chức. Nếu các ứng dụng không tạo thuận lợi cho công chức xử lý công việc thì khó mà cung cấp dịch vụ thông suốt, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.

Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM Võ Thị Trung Trinh khẳng định một trong những ưu tiên sắp tới là tích hợp các ứng dụng đã triển khai vào ứng dụng Công dân số TP.HCM. Trong giai đoạn đầu, ứng dụng này sẽ cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân, đồng thời có lộ trình tích hợp các ứng dụng của quận, huyện, sở, ngành mà vẫn đảm bảo mục tiêu người dân tương tác thuận lợi với chính quyền mà không cần phải cài đặt ứng dụng của từng đơn vị. Dự kiến, ứng dụng Công dân số sẽ được vận hành trong tháng 11.2024.

"Việc đầu tư cho công tác chuyển đổi số phải tuân thủ đồng bộ kiến trúc để khi hệ thống dùng chung của TP.HCM triển khai, các đơn vị kết nối đồng bộ, vừa đảm bảo được nhu cầu sử dụng của đơn vị, vừa đáp ứng mục tiêu dùng chung", bà Trinh cho biết. (còn tiếp)

Thiếu tiền, thiếu người

Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết Sở đang quản lý hơn 1.000 camera giao thông, nhân viên theo dõi 24/24 giờ, dữ liệu được chia sẻ cho lực lượng CSGT, công an các quận huyện phục vụ điều tiết, xử lý vi phạm giao thông. Ngành giao thông cũng đang quản lý hơn 13.000 chuyến xe buýt mỗi ngày, vận hành hệ thống vé điện tử trên 38 tuyến xe buýt với 550 phương tiện. TP.HCM đang nghiên cứu phương án thẻ vé dùng chung, người dân có thể dùng một thẻ để đi xe buýt, metro và các phương tiện công cộng khác.

Về việc chia sẻ dữ liệu, ông Hưng cho biết cơ sở dữ liệu hệ thống đường, cầu đã tích hợp nhưng hệ thống vận tải thì chưa. Đơn cử, TP.HCM có hơn 5.000 doanh nghiệp vận tải với gần 250.000 phương tiện nhưng dữ liệu giám sát hành trình hiện do Cục Đường bộ quản lý, không có quy định chia sẻ lại cho các địa phương để quản lý, xử phạt.

Ông Hưng cho biết Sở GTVT vẫn gặp nhiều thách thức về thu hút nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư, nâng cấp hệ thống hiện hữu. Hiện lương sinh viên mới ra trường vào làm việc ở trung tâm điều hành giao thông khoảng 10 triệu đồng, thấp hơn so với mặt bằng chung của lĩnh vực công nghệ thông tin.

"Trước đây trung tâm thu hút được nhiều bạn học ở nước ngoài về làm việc, nhưng được vài năm rồi họ cũng nghỉ", ông Hưng dẫn chứng. Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết việc đầu tư các dự án nâng cấp, bổ sung công nghệ thông tin gặp khó khăn về nguồn vốn, chưa có một dự án tổng thể. Đơn cử như hệ thống camera giám sát, hơn 1.000 chiếc hiện tại là sự tổng hợp của nhiều chương trình thí điểm trong 10 năm qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.