TP.HCM tăng tốc đường vành đai

24/02/2024 06:28 GMT+7

2 năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành Vành đai 3 TP.HCM là nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cho TP.HCM trong buổi thị sát đầu năm mới. Cùng với đó, lãnh đạo ngành giao thông TP đang quyết tâm khép kín tuyến Vành đai 2, khởi công Vành đai 4. Nếu thuận lợi, đến năm 2027, mạng lưới xương sống quan trọng nhất của giao thông TP.HCM sẽ hoàn thành, mở những con đường ngoại ô đột phá kinh tế toàn vùng.

"Làm ngày, làm đêm" để khởi công Vành đai 4 vào 2025

Chiều 22.2, tại UBND TP.HCM, Bộ GTVT và các địa phương đã họp về phương án làm đường Vành đai 4 TP.HCM. Báo cáo trong buổi làm việc, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết từ tháng 9.2021 sau khi Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ, TP.HCM và các địa phương đã rất nỗ lực, đoàn kết trong quá trình chuẩn bị cho dự án. Các tỉnh họp hội đồng vùng đề xuất cập nhật quy mô Vành đai 4 TP.HCM với chiều dài 207 km, mặt cắt ngang đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe, giải phóng 1 lần là 8 làn xe.

Đến nay, tỉnh Bình Dương đã phê duyệt xong bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), hiện đang lập dự án xây lắp. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng sẵn sàng để trình chủ trương đầu tư, chỉ còn băn khoăn về cơ chế và nguồn vốn. Nghiên cứu tiền khả thi của dự án phía tỉnh Đồng Nai cơ bản cũng đã xong.

Về phía TP.HCM, ngành giao thông đã hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi, đang điều chỉnh hướng tuyến nhằm tối ưu hóa phương án bồi thường GPMB và sử dụng quỹ đất. Với tiến độ hiện nay, ông Trần Quang Lâm cho biết trong khoảng quý 2 - quý 3 năm nay, dự án có thể trình chủ trương đầu tư, cơ bản là có thể cân đối được nguồn vốn. Riêng đoạn tỉnh Long An (78 km) vốn đầu tư hơn 48.000 tỉ đồng đã có nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu.

TP.HCM tăng tốc đường vành đai- Ảnh 1.

Công trình đường Vành đai 3 bước vào giai đoạn bứt tốc

Ngọc Dương

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các địa phương đã nghiên cứu Vành đai 4 cần rà soát, thống nhất lại về mốc triển khai, tiến độ, thậm chí có thể "làm ngày, làm đêm" để kịp trình Quốc hội thông qua dự án vào tháng 6 và khởi công vào năm 2025. Không chỉ thúc tiến độ, Chủ tịch UBND TP.HCM còn lưu ý cần đồng bộ tiêu chuẩn từ chiều rộng tới quy mô hoàn chỉnh từ đầu, làm trước 4 làn cao tốc với đầy đủ làn dừng khẩn cấp và các yêu cầu kỹ thuật liên quan.

"Khi đạt chuẩn cao tốc, quá trình khai thác tuyến đường sẽ an toàn hơn và tăng hiệu quả đầu tư, tránh như một số dự án chỉ 2 - 4 làn hạn chế, mới hoàn thành đã tính đến chuyện mở rộng. Chúng ta thiếu tiền nhưng có thể cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết để ưu tiên cho Vành đai 4, đừng vì vấn đề kinh phí mà làm không chuẩn cao tốc, dẫn đến bất cập khi khai thác", ông Mãi nhấn mạnh.

Thực tế, nếu xét trên tổng thể quy hoạch toàn tuyến, đoạn Vành đai 4 đi qua TP.HCM có chiều dài ngắn nhất trong 5 địa phương, chỉ 17 km. Tuy nhiên, với tính chất quan trọng của dự án, TP.HCM không ngần ngại nhận những nhiệm vụ "khó nhằn" với mục tiêu đẩy càng nhanh càng tốt tiến độ của dự án. Đó là khi Long An (địa phương có đoạn Vành đai 4 đi qua dài nhất) từ chối vị trí điều phối, dự án rơi vào thế khó khi không tìm được "nhạc trưởng". Bộ GTVT thì đang "ngập chìm" trong các công việc phát triển mạng lưới đường cao tốc Bắc - Nam phía đông. TP.HCM còn "căng" hơn khi phải đảm đương khối lượng giải ngân rất lớn cho giao thông, hạ tầng trong năm 2023, nhất là khi Vành đai 3 đang ở giai đoạn tăng tốc.

Thế nhưng, ông Trần Quang Lâm khẳng định trong trường hợp không địa phương nào đứng ra điều phối, TP.HCM sẵn sàng chủ trì như với dự án Vành đai 3. "Vành đai 4 TP.HCM là dự án trọng điểm quốc gia, đóng vai trò quan trọng đột phá hạ tầng liên Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Quy hoạch phát triển TP.HCM gắn với các tỉnh trong vùng, có các đô thị vệ tinh và chủ trương phát triển không gian mở.

TP xác định rất rõ vai trò lớn của mình gắn với các địa phương nên đã chủ động nhận chủ trì những công trình lớn, điển hình là Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Vành đai 4 cũng không ngoại lệ. Mục tiêu chung cao nhất là mau chóng khởi công hoàn thiện dự án vào 2027 để kết nối cùng Vành đai 3, Vành đai 2, hoàn thiện mạng lưới đường vành đai TP.HCM, đổi mới hạ tầng giao thông một cách căn cơ", ông Lâm khẳng định.

TP.HCM tăng tốc đường vành đai- Ảnh 2.

Công trường thi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM

Ngọc Dương

Bứt tốc Vành đai 3

Trong khi Vành đai 4 tích cực chuẩn bị để khởi công thì cũng là lúc đường Vành đai 3 TP.HCM vào giai đoạn bứt tốc. Trên công trường đường Vành đai 3 tại TP.HCM cùng 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, máy móc rầm rập thi công 3 ca, 4 kíp, xuyên lễ, xuyên tết. Tại TP.HCM, tiến độ các dự án thành phần của đường Vành đai 3 đang rất khả quan.

Suốt đoạn tuyến khoảng 47 km, địa phương đã bàn giao đến hơn 98% diện tích mặt bằng phục vụ dự án (gồm tuyến chính và 2 đường song hành), tạo điều kiện cho các đơn vị thi công triển khai đồng loạt các dự án thành phần. Giám đốc Ban Quản lý các dự án công trình giao thông (Ban Giao thông) TP.HCM Lương Minh Phúc cho biết dự án đang bám sát đúng theo tiến độ đã đăng ký với Quốc hội và Chính phủ. Hiện 10 gói thầu xây lắp dự án đường Vành đai 3 đã được hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu, 4 gói thầu đã được triển khai.

Các đơn vị đang hoàn thiện việc tiếp nhận mặt bằng, vật liệu và từ tháng 2 sẽ đồng loạt triển khai 10 gói thầu xây lắp, đưa dự án bước sang một giai đoạn mới. "Từ nay đến năm 2025, Ban Giao thông sẽ nỗ lực đảm bảo đúng tiến độ dự án với Chính phủ hoàn thành tuyến chính đường Vành đai 3 vào cuối năm 2025 và đến năm 2026 đưa đường Vành đai 3 đi vào khai thác", ông Phúc cho biết.

Đường Vành đai 3 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay của cả vùng Đông Nam bộ chính thức khởi công vào tháng 6.2023 là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành giao thông TP.HCM. Đây là dự án đặc biệt quan trọng với TP.HCM bởi không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương mà còn giúp tăng tính kết nối liên vùng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị hóa nông thôn dọc tuyến, kết nối các TP vệ tinh của TP.HCM, góp phần hình thành trung tâm theo hướng đô thị đa tâm. Bởi vậy, liên tiếp những kỷ lục như thời gian hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả khi, thực hiện bồi thường GPMB, dự án lớn nhất nhưng có thời gian chuẩn bị cho tới khởi công ngắn nhất (chỉ 1 năm)… ghi thêm dấu ấn rất lớn cho lịch sử ngành giao thông TP.HCM.

"Đến thời điểm này, có thể nói gần như cả TP.HCM đang cùng chung tay làm Vành đai 3 một cách rất cảm xúc, không chỉ là nhiệm vụ đơn thuần. Dự án không chỉ là giấc mơ, là khát vọng của TP.HCM suốt hơn một thập niên qua mà còn là niềm tin cho ngành giao thông TP trong giai đoạn tới. Đây là lần đầu tiên TP.HCM được Quốc hội, Chính phủ giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án trọng điểm quốc gia và TP đã chứng minh được thành quả bằng cách làm mới, tiếp cận mới, tâm thế mới. Tinh thần Vành đai 3, cách làm Vành đai 3 cũng đã được lan tỏa, áp dụng vào nhiều dự án khác. Giao thông TP.HCM chắc chắn sẽ chứng kiến những bước đột phá trong tương lai", ông Lương Minh Phúc chia sẻ.

Vành đai 2 bước qua những giai đoạn trắc trở

Trong 3 dự án đường vành đai của TP.HCM, Vành đai 2 được triển khai đầu tiên nhưng lại là dự án nằm trong danh sách công trình trễ tiến độ nhức nhối nhất của TP. Được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64 km có vai trò quan trọng giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô. Song, đến khi đã hoàn thiện đến 50 km, chỉ còn 14 km để khép kín, dự án phải tạm dừng, kéo theo nhiều hệ lụy. Sau nhiều phương án được nghiên cứu, 14 km Vành đai 2 còn lại phải chia làm 4 dự án. Trong đó, mới chỉ có một đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - QL1 (TP.Thủ Đức) đã khởi công từ năm 2017. Tuy nhiên, công trình đã phải tạm dừng từ tháng 6.2020 khi đạt hơn 40% khối lượng. Nguyên nhân do vướng 3,84 ha chưa thể thu hồi mặt bằng, dẫn tới việc TP và nhà đầu tư chưa ký kết phụ lục điều chỉnh hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Sau 4 năm ngưng trệ, công trường dự án um tùm cỏ dại, hình thành những đường mòn dân sinh đi tắt qua khu vực. Nhiều hạng mục thi công dở dang, sắt thép hoen gỉ sau thời gian dài phơi nắng mưa. Từ khi dự án bị ngưng, nhà đầu tư rút toàn bộ công nhân, chỉ thuê người ở lại trông coi. Người dân sinh sống quanh khu vực đã tận dụng đất trống để chăn thả bò. Công trình trọng điểm nằm phơi sương phơi nắng đã trở thành nỗi nhức nhối của ngành giao thông TP.HCM suốt nhiều năm. Danh sách các dự án cấp bách, trọng điểm quan trọng năm nào cũng có tên các đoạn Vành đai 2, song mỗi năm trôi qua, công trình tuổi thì tăng mà tiến độ thì vẫn giậm chân tại chỗ.

Phải đến khi có Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cho phép TP thu hồi và thực hiện các thủ tục giao đất cho nhà đầu tư, trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, UBND TP.HCM mới ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, chấp thuận điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - QL1 đến năm 2026. Đây là cơ sở quan trọng để tháo gỡ những rào cản, đưa dự án tái khởi động.

Cùng với đó, 2 đoạn Vành đai 2 phía đông TP (đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp; đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, dài 2,8 km) dự kiến được khởi công cuối năm nay với tổng vốn gần 14.000 tỉ đồng. Hiện nay TP.Thủ Đức đang tập trung thu thập hồ sơ pháp lý, lập danh sách, duyệt ranh dự án… Địa phương đặt mục tiêu tháng 11 sẽ bàn giao khoảng 70% mặt bằng để chủ đầu tư khởi công dự án, sau đó hoàn thành toàn bộ vào tháng 3.2025.

Đoạn còn lại (đoạn 4) nằm ở phía nam thành phố, dài 5,3 km nối QL1 qua đường Nguyễn Văn Linh có tổng mức đầu tư 16.400 tỉ đồng đang được Sở GTVT TP.HCM đề xuất đầu tư bằng vốn ngân sách hoặc huy động vốn bên ngoài, bao gồm cả việc nghiên cứu đầu tư bằng hợp đồng BT theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.

"Nhìn chung, tiến độ các dự án Vành đai TP.HCM đều đang rất khả quan, dự kiến đến 2027 sẽ hoàn thành. Cùng lúc đó, hệ thống quốc lộ, các trục giao thông chính thông thoáng để mở cửa ngõ, kết nối từ trung tâm TP với mạng lưới đường vành đai cũng sẽ tương đối hoàn thiện. Những công trình trọng điểm, chiến lược, tầm vóc sẽ tạo nên tầm vóc mới cho TP.HCM cũng như toàn vùng Đông Nam Bộ", Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm nói.

TP.HCM tăng tốc đường vành đai- Ảnh 3.

ĐỒ HỌA: BẢO NGUYỄN

Cần cơ chế đặc thù cho Vành đai 4 TP.HCM

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tăng tính hấp dẫn thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án Vành đai 4 TP.HCM, các địa phương thống nhất kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù cho theo các cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án. Cụ thể, cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với các dự án đường Vành đai 4. Đồng thời, giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư các dự án; thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án theo quy định đối với dự án do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và pháp luật có liên quan…

Quy hoạch TP.HCM sẽ có 3 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 356 km. Trong đó, đường Vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành; đường Vành đai 3, Vành đai 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Hệ thống đường vành đai sau khi hoàn thiện không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương, mà còn giúp tăng tính kết nối liên vùng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị hóa nông thôn dọc tuyến, kết nối các TP vệ tinh của TP.HCM. Đồng thời tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh theo quy hoạch, kết nối các tuyến cao tốc trong vùng, giảm ùn tắc…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.