Tăng mức hỗ trợ từ 40% lên 70%
Cụ thể, đất có nguồn gốc lấn, chiếm kênh rạch không được bồi thường nhưng được hỗ trợ 70% giá bồi thường đất ở sau khi đã trừ nghĩa vụ tài chính theo quy định. Chính sách này áp dụng cho các trường hợp sử dụng đất trước ngày 1.7.2004, còn sau đó thì không hỗ trợ. Diện tích để tính hỗ trợ là phần đất có nhà, công trình, vật kiến trúc.
Về tái định cư, khi hộ dân bị thu hồi toàn bộ nhà ở, đất ở mà không đủ điều kiện bồi thường, nếu diện tích bị thu hồi lớn hơn hoặc bằng hạn mức giao đất ở thì có thể chọn nền đất hoặc nhà ở xã hội, còn phần đất bị thu hồi nhỏ hơn hạn mức giao đất ở thì chỉ được tái định cư bằng nhà ở xã hội. Đối với khoản tiền chênh lệch giữa tổng kinh phí nhận được với suất tái định cư, người dân có thể ghi nợ tiền sử dụng đất hoặc trả góp hằng tháng, tối đa 15 năm.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) Q.Gò Vấp, cho biết nếu chiếu theo quy định cũ, người dân nhận hỗ trợ mức tối đa 40% nếu sử dụng đất trước ngày 15.10.1993 rồi giảm dần đến tháng 7.2004, còn nếu sử dụng từ tháng 7.2004 đến nay sẽ không được hỗ trợ. Thực tế, chỉ có một số ít hộ trước năm 1993, còn đa số từ 1993 trở lại tháng 7.2004. Những hộ này phần lớn là dân lao động phổ thông, buôn gánh bán bưng nên thường chọn nhà mua bán giấy tay, nhà trên kênh rạch cho hợp túi tiền. Do đất có nguồn gốc lấn chiếm, với mức hỗ trợ tối đa 40% đơn giá bồi thường đất ở và không được tái định cư nên người dân khó ổn định cuộc sống.
Ông Bùi Trọng Suốt, Trưởng ban BTGPMB Q.6, cho biết nếu kinh phí bồi thường, hỗ trợ thấp thì người dân không đồng tình bàn giao mặt bằng khiến dự án kéo dài dẫn đến đội vốn, môi trường nhếch nhác, lãng phí cơ hội phát triển. Điển hình như dự án cải tạo kênh Hàng Bàng, Q.6 thực hiện bồi thường từ giai đoạn 2016 - 2020 nhưng đến nay chưa xong, trong khi đoạn qua Q.5 dù thực hiện sau nhưng đã cơ bản hoàn thành. Lý do chính xuất phát từ đơn giá bồi thường của Q.5 cao hơn Q.6.
Tránh để lợi dụng chính sách
TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho biết bản thân rất đồng tình với phương án hỗ trợ có lợi nhất cho người dân sống ven kênh rạch bị giải tỏa. Thực tế cho thấy nhà trên kênh rạch đa phần nhỏ hẹp, có nguồn gốc lấn chiếm nên khi nhà nước giải tỏa, phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ mà người dân nhận được thường không đủ để mua căn hộ, nền tái định cư. Đây là lý do chính khiến tiến độ di dời nhà trên và ven kênh rạch ở TP.HCM chậm lại trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, TS Thuận cho rằng cần xác định rõ nguyên tắc đất đai có nguồn gốc lấn chiếm sẽ không được bồi thường, thay vào đó nhà nước hỗ trợ di dời để người dân ổn định cuộc sống với mục tiêu nơi ở mới khang trang hơn nhà ở ven kênh rạch. Đồng thời, chính quyền địa phương cần rà soát pháp lý, quá trình sử dụng đất cho từng trường hợp cụ thể nhằm có phương án hỗ trợ cho người dân một cách hợp lý tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi, gây thất thoát ngân sách. "Nguyên tắc là chỉ hỗ trợ những trường hợp đã hình thành hộ gia đình, cư trú ổn định, được quản lý về nhân khẩu", TS Thuận khuyến nghị.
Đề xuất áp dụng thống nhất cho rạch Xuyên Tâm
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) ảnh hưởng đến 2.223 hộ dân, gồm 138 hộ ở Q.Gò Vấp và 2.085 hộ ở Q.Bình Thạnh. Đến nay, Q.Gò Vấp vận động, ban hành 43 quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và quyết định thu hồi đất theo luật Đất đai năm 2013. Riêng phần trên địa bàn Q.Bình Thạnh sẽ thực hiện theo luật Đất đai năm 2024.
Theo Sở TN-MT, nếu áp dụng chính sách và quy định bồi thường 95 hộ dân còn lại ở Q.Gò Vấp theo luật Đất đai năm 2013 thì khả năng người dân sẽ không đồng thuận vì trong cùng dự án, Q.Bình Thạnh áp dụng luật Đất đai năm 2024 với các chính sách tốt hơn. Do đó, 95 trường hợp này cần thực hiện theo luật Đất đai năm 2024 như Q.Bình Thạnh để tương đồng, tránh phát sinh khiếu nại.
Riêng 43 trường hợp ở Q.Gò Vấp đã đồng thuận ở giai đoạn đầu, Sở TN-MT kiến nghị áp dụng luôn cho 43 trường hợp đồng thuận để đảm bảo quyền lợi người dân cũng như tạo tiền đề tốt cho công tác tuyên truyền, vận động ở các dự án khác sau này.
Bình luận (0)