TP.HCM tập trung gỡ vướng cho các dự án nhà ở

20/11/2022 06:44 GMT+7

Ngày 19.11, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển năm 2023.

Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, đánh giá thị trường bất động sản phát triển nhưng chưa ổn định, nguồn cung giữa các phân khúc tăng giảm không đều, cơ cấu sản phẩm mất cân đối. Nhiều dự án chủ đầu tư nhận cọc giữ chỗ lên đến 80% giá trị nhà, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng, nhất là khi pháp lý các dự án chưa đầy đủ.

Nêu giải pháp cho năm 2023, ông Quân đề nghị bố trí ngân sách kiểm định chất lượng các chung cư cũ, làm cơ sở xác định những chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng mới; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà chung cư cũ. Bởi theo ông Quân, trong năm 2022, TP.HCM có 18 dự án nhà ở xã hội, 50% dự án đã khởi công, động thổ nhưng gặp rất nhiều vướng mắc của các ngành. “Dù TP.HCM đã ban hành 2 quy trình rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội và chung cư cũ nhưng việc vận hành quy trình này chưa được trơn tru”, ông Quân nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục hành chính, đầu tư công, nhà ở

NGUYÊN VŨ

Đối với các dự án thương mại, ông Quân đề nghị phải minh bạch, rõ ràng về trách nhiệm các sở, ngành trong việc tham mưu, giải quyết thủ tục về đầu tư, xây dựng, nhất là về quy hoạch, bố trí dân số, chủ trương đầu tư, tính tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát các dự án nhà ở chậm tiến độ để có hướng dẫn cách tính tiền sử dụng, hoàn tất thủ tục quy hoạch. Riêng dự án rạch Xuyên Tâm, ông Quân đề nghị cần tập trung chuẩn bị nhà ở bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, dự kiến trình HĐND TP.HCM trong tháng 12.2022.

Góp ý thêm cho TP.HCM, TS Trần Du Lịch cho rằng cần quan tâm thường xuyên đến thị trường tài chính, đặc biệt là trái phiếu, ngân hàng, đồng thời chủ động gỡ vướng cho thị trường bất động sản, bởi 2 thị trường này gắn liền với nhau. “Thị trường bất động sản và thị trường tài chính là 2 mặt của 1 vấn đề. Nếu hỏng một bên, thì bên còn lại sẽ đi theo nên cần những giải pháp đồng bộ”, ông Lịch nhấn mạnh. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng cần ổn định thị trường xăng, dầu, không để tình trạng thiếu hụt kéo dài.

Về kịch bản tăng trưởng năm 2023, TS Trần Du Lịch đề nghị TP.HCM chỉ nên đặt mục tiêu tăng trưởng bằng 1,2 lần bình quân cả nước (dự kiến 6,5%), tương đương 7,5 - 7,8%.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tuần tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ có buổi làm việc với TP.HCM để rà soát, tháo gỡ các vướng mắc liên quan thị trường bất động sản.

Lãnh đạo TP.HCM chỉ ra câu chuyện nổi lên hiện nay là trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp, và cả thủ tục nội bộ giữa các sở, ngành với nhau. Ông Mãi đề nghị các đơn vị chia thành 3 nhóm: nhóm không thể thực hiện được thì trả lời cho người dân biết, nhóm giải quyết được thì tập trung xử lý hồ sơ đúng tiến độ và đúng thẩm quyền, nhóm hồ sơ cần báo cáo cấp trên thì tổng hợp lại. TP.HCM đặt trọng tâm đến cuối năm 2022 và năm 2023 là trách nhiệm hành chính, trách nhiệm công vụ tháo gỡ khó khăn để tạo thêm dư địa phát triển.

Liên quan đến đầu tư công, TP.HCM mới giải ngân được khoảng 31%. Ông Phan Văn Mãi yêu cầu rà soát lại những vấn đề tồn đọng, đặc biệt là từng sở, ngành, chủ đầu tư và địa phương cần rà lại nhiệm vụ của mình, vướng ở đâu tháo gỡ ở đó. “Khi các nguồn vốn khác bị tắc thì vốn đầu tư công rất có ý nghĩa. Chúng ta cần quan tâm, quyết liệt hơn trong vấn đề này”, ông Mãi nhấn mạnh, đồng thời cho biết, cuối tuần sau Thủ tướng sẽ vào làm việc với TP.HCM về đầu tư công, các công trình trọng điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.