TP.HCM thí điểm phân cấp cho hiệu trưởng tuyển giáo viên

15/08/2024 06:05 GMT+7

Thay vì thực hiện tuyển dụng giáo viên theo cơ chế quản lý thì Sở GD-ĐT TP.HCM đã phân cấp cho các trường để nâng cao vai trò của hiệu trưởng, từng bước giải quyết bài toán thiếu giáo viên, đảm bảo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Năm học 2022-2023, năm học đầu tiên Sở GD-ĐT TP.HCM thí điểm phân cấp tuyển dụng giáo viên (GV) cho 2 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường mầm non 19.5 Thành phố, Trường mầm non Thành phố. Năm học 2023-2024, mở rộng thí điểm đối với 3 trường THPT thực hiện mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế và 4 trường THPT trên địa bàn huyện Cần Giờ. Đến năm học mới 2024-2025, đẩy mạnh phân cấp thực hiện việc tuyển dụng viên chức cho 9 trường THPT xa trung tâm thành phố, bao gồm 7 trường THPT tại H.Củ Chi và 1 trường tại TP.Thủ Đức, 1 trường tại H.Bình Chánh.

TP.HCM thí điểm phân cấp cho hiệu trưởng tuyển giáo viên- Ảnh 1.

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là một trong các trường được phân cấp cho hiệu trưởng tuyển dụng giáo viên

B.B

Như vậy, tính đến nay, với hơn 120 trường trực thuộc, Sở GD-ĐT TP.HCM đã thí điểm phân cấp tuyển dụng cho 20 trường gồm THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền, Thạnh An, Cần Thạnh, An Nghĩa, Bình Khánh, An Nhơn Tây, Phú Hòa, Trung Lập, Củ Chi, Quang Trung, Tân Thông Hội, Trung Phú, Nguyễn Văn Tăng, Năng khiếu TDTT Bình Chánh, Trường mầm non 19.5 Thành phố và Trường mầm non Thành phố.

Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, mục đích của việc phân cấp để thu hút, phát triển nguồn lực tại địa phương đồng thời giải quyết khó khăn cho các trường xa trung tâm TP, ít có ứng viên đăng ký tuyển dụng hoặc đã trúng tuyển nhưng không đến nhận nhiệm sở do nơi ở quá xa đơn vị được phân công. Những đơn vị này phải xây dựng đề án tuyển dụng, thực hiện theo đúng quy trình tuyển dụng dưới sự giám sát của sở để đảm bảo hiệu quả về chất lượng nguồn nhân lực.

THU HÚT ĐƯỢC GV GIỎI, ĐÚNG NĂNG LỰC

Sau nhiều năm được trao quyền phân cấp tuyển dụng, lãnh đạo Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM cho hay mỗi năm, trường đều thu hút đông đảo ứng viên tham gia dự tuyển, trong số đó có những ứng viên trình độ tiến sĩ.

Bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chia sẻ việc được trao quyền phân cấp tuyển dụng đã giúp trường có thêm sự chủ động trong xây dựng chiến lược phát triển, lựa chọn nhân lực sao cho phù hợp nhất. "Việc chủ động trong tuyển dụng giúp nhà trường thu hút được GV giỏi, đúng năng lực", Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nhận định.

Tương tự, một thành viên hội đồng tuyển dụng GV của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết: "Hằng năm số lượng ứng viên đăng ký khá đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho trường chọn được GV phù hợp nhất. Trong quá trình tuyển dụng, ngoài năng lực chuyên môn của ứng viên, căn cứ vào chiến lược phát triển, đặc thù của trường, nhà trường sẽ đặt ra thêm các yêu cầu như khả năng sử dụng tốt về ngoại ngữ, có khả năng tổ chức và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học hay việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy, hướng đến hội nhập quốc tế".

Là một trong 3 trường thực hiện theo mô hình trường tiên tiến hội nhập quốc tế, được phân cấp tuyển dụng, lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) nhìn nhận trường đã có nhiều sự chủ động trong tuyển dụng, giúp chọn lọc đội ngũ phù hợp với mô hình trường.

Đánh giá về việc phân cấp cho 4 trường THPT tại H.Cần Giờ, ông Hồ Tấn Minh cho hay khi được chủ động, các trường đã thuận lợi hơn rất nhiều trong tuyển dụng, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị.

TP.HCM thí điểm phân cấp cho hiệu trưởng tuyển giáo viên- Ảnh 2.

Ứng viên tham gia thi tuyển dụng giáo viên tại TP.HCM

B.C

HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG GV KHÔNG NHẬN NHIỆM SỞ

Cũng theo ông Hồ Tấn Minh, việc phân cấp tổ chức tuyển dụng đã giúp các đơn vị chủ động tìm kiếm được nguồn lực dự tuyển.Trước đó, khi chưa được phân cấp, Sở GD-ĐT đã thống kê nhiều năm liền và cho thấy nhiều thí sinh trúng tuyển viên chức được sở này phân công về nhận công tác tại các trường học ở khu vực ngoại thành nhưng đã không đến nhận nhiệm sở hoặc có ứng viên bỏ nhiệm sở ngay sau đó do nơi ở quá xa đơn vị được phân công. Khi trường đứng ra tổ chức tuyển dụng thì ngay từ đầu ứng viên đã phải tìm hiểu về trường, phải có nguyện vọng, mong muốn công tác tại trường mới đăng ký. Chính điều này tránh được tình trạng ứng viên "vỡ mộng" sau khi trúng tuyển, từ đó giúp GV gắn bó lâu dài với trường.

Tuy nhiên, người đại diện của Sở GD-ĐT TP.HCM cũng nhấn mạnh giám sát công tác tuyển dụng của 20 đơn vị được phân cấp từ đầu cho đến cuối quy trình để đảm bảo việc tuyển dụng "đều tay" giữa các trường cũng như đảm bảo chất lượng công tác tuyển dụng khách quan, công khai, minh bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.