Tại buổi họp báo tối 15.9, liên quan đến triển khai thẻ xanh Covid, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết thẻ xanh Covid sẽ được thí điểm tại: Q.7, H.Củ Chi, H.Cần Giờ; Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý KCN cao.
“Nhưng không phải thẻ xanh Covid sẽ được triển khai trên toàn đơn vị đó, mà triển khai theo lộ trình, trong những nhóm đơn vị cụ thể, sau khi thống nhất với lãnh đạo của đơn vị. Ví dụ tại Q.7 sẽ triển khai thí điểm thẻ xanh Covid cho 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thiết yếu; ở H.Củ Chi, H.Cần Giờ sẽ thí điểm thẻ xanh Covid tại cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm, cung cấp sản phẩm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch tại địa phương…”, ông Thắng chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Thắng cho biết thêm, các đơn vị còn lại không thực hiện thí điểm thì vẫn di chuyển theo các công văn của UBND TP.HCM đã ban hành trước đây (phải có giấy đi đường - PV). Bởi, hiện TP.HCM chưa triển khai thẻ xanh Covid rộng rãi đến người dân mà chỉ thí điểm đối với một số doanh nghiệp được địa phương đăng ký.
Ông Thắng cũng nêu sau ngày 30.9, TP.HCM sẽ có đánh giá đầy đủ và có quyết định chính thức về việc triển khai thẻ xanh Covid trên địa bàn TP như thế nào.
Lý do TP.HCM sử dụng ứng dụng do TP phát triển
Về ứng dụng "khai báo y tế điện tử TP.HCM" mà Sở TT-TT TP.HCM đang phát triển, ông Lâm Đình Thắng cho biết đây không phải là ứng dụng mới, mà ứng dụng TP đã triển khai từ tháng 1.2021.
“Nhưng để đảm bảo nhu cầu phòng, chống dịch TP trong giai đoạn sau 15.9, khi tổng rà soát các ứng dụng và các giải pháp công nghệ thông tin trên địa bàn TP và xin ý kiến của Bộ chuyên ngành thì TP sẽ triển khai "khai báo y tế điện tử TP.HCM", và sau này sẽ thành ứng dụng thống nhất. Ứng dụng này gom lại nhiều ứng dụng hiện nay đang gây bất tiện cho người dân và các cơ quan quản lý, giúp người dân giảm giấy tờ và TP làm chủ được dữ liệu của mình”, ông Lâm Đình Thắng nói.
Ngoài ra, theo ông Thắng, TP chọn ứng dụng do TP phát triển và nâng cấp bởi ứng dụng này sẽ đáp ứng được các yêu cầu của TP, phù hợp với diễn biến công tác phòng chống dịch của TP.
“Định hướng lâu dài của TP.HCM là sau này sẽ phát triển ứng dụng này không chỉ cho phòng, chống dịch mà trở thành ứng dụng cho công dân TP.HCM, phục vụ các tiện ích cho người dân của TP sau khi TP trở về trạng thái bình thường mới và đặc biệt là trong quá trình xây dựng một TP thông minh”, ông Thắng chia sẻ.
Bình luận (0)