TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển đạt 1.752 tỉ đồng

30/12/2022 13:20 GMT+7

Sáng 30.12, Sở GTVT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022. Theo đó, hai thành tích nổi bật của ngành trong năm là đã hoàn thành đề án để Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 và áp dụng công nghệ để tổ chức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển.

Ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo tại hội nghị tổng kết

quang thuần

Theo Sở GTVT TP.HCM, trong năm 2022, Sở đã tham mưu UBND TP báo cáo cấp có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM; tham mưu tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Quốc hội và Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ với các cơ chế đặc biệt cho dự án. Bên cạnh đó đã hoàn thành các thủ tục và tổ chức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM từ ngày 1.4, đến nay đã thu được 1.752 tỉ đồng, dự kiến hết 31.12.2022 sẽ thu được 1.850 tỉ đồng, vượt 7,4% so với kế hoạch giao là 1.623 tỉ đồng.

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đánh giá: “Trên địa bàn TP có đến 60.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, để nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp thì Sở GTVT đã phải có nhiều cuộc tiếp xúc trao đổi, ngoài ra phải tổ chức việc thu phí một cách thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu. Bình quân mỗi ngày, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM thu 7,2 - 7,5 tỉ đồng phí hạ tầng cảng biển, việc ứng dụng 100% công nghệ vào việc thu phí hạ tầng chưa để xảy ra sự cố nào là một nỗ lực tột đỉnh của cán bộ nhân viên trong ngành”.

Theo ông Lâm, mặc dù TP đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhưng nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được TP thông qua bố trí cho lĩnh vực giao thông là 52.744 tỉ đồng, đạt 19,8% so với nhu cầu, chưa đáp ứng nhu cầu để thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông theo các chỉ tiêu đã đề ra. Một số công trình cấp bách, trọng điểm chưa đảm bảo tiến độ do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các quận, huyện thực hiện chậm, dẫn đến phải tạm dừng thi công, chậm giải ngân kế hoạch vốn đã giao.

Dự án đường Vành đai 3 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ghi nhận nỗ lực rất lớn của lãnh đạo UBND, Sở GTVT TP.HCM để hoàn tất báo cáo đề án kịp tiến độ

hà mai

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM đánh giá, trong năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 1 và khởi công tuyến đường sắt đô thị số 2; triển khai các công việc theo kế hoạch chuẩn bị nhằm vận hành, khai thác hiệu quả tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; tập trung tham mưu đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị số 2; đẩy nhanh thủ tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách, kết nối vùng: Vành đai 2, Vành đai 4; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Bình Tiên, đường trên cao số 1, số 5...

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chia sẻ: “Kinh nghiệm lớn nhất trong năm qua là phải tập trung nỗ lực để hoàn tất khối lượng công việc theo đúng thời hạn đặt ra. Dự án đường Vành đai 3 rất nhiều năm bị trôi tiến độ, là do sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa tốt và chưa tập trung để hoàn thành dứt điểm theo tiến độ đặt ra. Trong năm 2023 có rất nhiều dự án quan trọng, ví dụ như cuối tháng 12.2023 phải chạy thương mại tuyến metro số 1, đảm bảo tiến độ các dự án quan trọng khác như nút giao vòng xoay An Phú, đường nối nhà ga T3… do đó cần tập trung, lựa chọn các dự án ưu tiên để hoàn tất thời hạn theo đúng tiến độ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.