TP.HCM thu phí vỉa hè, lòng đường: Hài hòa, đồng thuận

24/09/2023 06:15 GMT+7

Việc TP.HCM tổ chức thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường từ tháng 1.2024 được kỳ vọng sẽ lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, với tinh thần hài hòa, đồng thuận. Tuy vậy, theo ghi nhận của Thanh Niên từ các quận, huyện, để thực hiện chủ trương này vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tại kỳ họp chuyên đề ngày 19.9, HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết mức thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường. Từ tháng 1.2024, các tổ chức, cá nhân sử dụng lòng đường vào 3 mục đích và vỉa hè với 5 mục đích sẽ phải nộp phí, như: tổ chức hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt; điểm trông giữ xe; điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền người sử dụng và lắp đặt các công trình tạm; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình.

TP.HCM thu phí vỉa hè, lòng đường: Hài hòa, đồng thuận - Ảnh 1.

Lòng đường Công trường Quốc tế được UBND Q.3 đề xuất dành 2 m làm điểm giữ xe 2 bánh có thu phí

NHẬT THỊNH

ĐỊA PHƯƠNG ĐỀ XUẤT MỞ RỘNG

HĐND TP.HCM yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường. Việc này phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định; xử lý nghiêm đối với mọi hành vi vi phạm, không để xảy ra tiêu cực, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường trái phép. UBND TP.HCM kiểm tra, giám sát trách nhiệm của UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức trong công tác tổ chức thực hiện thu phí.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trước khi đề án thu phí được thông qua, nhiều địa phương đã gửi danh mục dự kiến các tuyến đường tổ chức thu phí vỉa hè, lòng đường.

TP.HCM thu phí vỉa hè: Người có nhà mặt đường nói ‘chưa gì đã thấy phiền’

TP.HCM thu phí vỉa hè, lòng đường: Hài hòa, đồng thuận - Ảnh 2.

Việc thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè sẽ góp phần lập lại trật tự, mỹ quan đô thị, hạn chế tình trạng chiếm dụng như hiện tại

NHẬT THỊNH

Đơn cử như UBND Q.3 đề xuất 36 tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện như Cách Mạng Tháng 8, Lê Văn Sỹ, Bà Huyện Thanh Quan, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai… Các tuyến đường này có vỉa hè rộng từ 3 - 10 m. Đối với mục đích làm điểm giữ xe dưới lòng đường, Q.3 đề xuất tổ chức trên 3 tuyến đường gồm: Nguyễn Thượng Hiền, Công trường Quốc tế và Trương Định, điểm giữ xe có bề rộng từ 1,5 - 2 m. Ngoài ra, địa phương cũng đề xuất 55 vị trí làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt, rộng 1,4 m, dài từ 2 - 20 m trong từng khung giờ cụ thể.

TP.HCM thu phí vỉa hè, lòng đường: Hài hòa, đồng thuận - Ảnh 3.

UBND Q.3, TP.HCM đề xuất tổ chức chỗ đậu xe có thu phí dưới lòng đường Trương Định, đoạn từ Lý Chính Thắng đến Hoàng Sa

Nhật Thịnh

Lãnh đạo UBND Q.3 lý giải do ở trung tâm nên quận có đặc thù hầu hết căn nhà vị trí mặt tiền đều là cơ sở, hộ kinh doanh dịch vụ, mua bán có nhu cầu để xe phía trước hoặc tận dụng một phần diện tích phía trước nhà để trưng bày hàng hóa, phục vụ kinh doanh. Q.3 cũng dự kiến tận dụng vị trí tường rào các cơ sở kinh doanh, nhà dân có vỉa hè rộng, gần những khu vực có nhu cầu đậu xe như bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí để sắp xếp bãi xe có thu phí phục vụ nhu cầu người dân.

UBND Q.3 cũng cho biết còn một số trường hợp có nhu cầu thực tế nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể như bán bánh trung thu, hoa tết, đồ lưu niệm theo thời vụ. Những hộ kinh doanh này thường đề xuất vị trí không tiếp giáp với điểm kinh doanh, nhưng trong quy định của UBND TP.HCM lại chưa quy định rõ có được cho thuê hay không.

Thực tế, những tuyến đường đủ điều kiện tổ chức thu phí tập trung ở khu vực trung tâm, có vỉa hè rộng; còn ở khu vực ngoại thành hoặc nội thành phát triển thì số lượng ít hơn do vỉa hè rộng dưới 3 m. Như Q.Phú Nhuận cũng chỉ đề xuất 6 tuyến đường đủ điều kiện, gồm để xe dưới lòng đường trên tuyến đường Hoa Phượng và tổ chức kinh doanh, mua bán hàng hóa trên vỉa hè 5 tuyến khác (Hồ Văn Huê, Trần Huy Liệu, Lê Văn Sỹ, Phan Xích Long và Trường Sa). Mức phí mà địa phương này đề xuất cũng tương đối "dễ chịu", dao động từ 26.400 - 35.200 đồng/m2/tháng, căn cứ theo bảng giá đất TP.HCM giai đoạn 2020 - 2024.

Sở GTVT giải đáp chuyện TP.HCM đề xuất thu phí sử dụng vỉa hè

LẤY Ý KIẾN CHỦ NHÀ

Về các bước sau khi HĐND TP.HCM thông qua đề án thu phí vỉa hè và lòng đường, Sở GTVT cho biết UBND TP.HCM sẽ ban hành kế hoạch thực hiện. Sở GTVT và UBND cấp huyện rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường với các chức năng, hoạt động cụ thể. Đối với hoạt động tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa và điểm trông giữ xe có thu tiền, các địa phương rà soát vỉa hè đủ điều kiện để tổ chức, xác định phạm vi, lựa chọn và công bố danh mục vị trí hè phố được phép tổ chức.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho biết không phải tuyến đường nào cũng đủ điều kiện kinh doanh, cho thuê. Mặt khác, việc thu phí vỉa hè, lòng đường phải đảm bảo nguyên tắc đồng thuận của người dân được đặt lên cao nhất, tránh mâu thuẫn lợi ích giữa người cho thuê và người khai thác. "Trước khi thu phí vỉa hè, quận, huyện phải lấy ý kiến của chủ nhà", ông Đường lưu ý. Toàn bộ (100%) khoản thu phí vỉa hè, lòng đường nộp vào ngân sách, chủ nhà không được chia khoản phí này. Khoản phí này được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác vỉa hè, lòng đường.

Về đơn vị thu phí, Sở GTVT thu phí lòng đường đối với các tuyến đường do Sở quản lý, UBND cấp huyện thu phí lòng đường, vỉa hè đối với các tuyến đường theo phân cấp quản lý. Việc thu phí thực hiện đồng thời khi cơ quan chức năng chấp thuận phương án hoặc cấp phép sử dụng, thanh toán thông qua nền tảng công nghệ, hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt, đảm bảo thuận tiện và minh bạch, không phát sinh tăng biên chế.

Ông Đường cũng cho biết Sở GTVT sẽ chủ trì xây dựng công cụ, phần mềm quản lý và công khai việc cấp phép về việc sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên toàn thành phố để người dân có thể giám sát, theo dõi, phản ánh đến cơ quan chức năng. Phần mềm này đang xây dựng, sẽ hoàn thiện trong quý 4/2023. Theo đó, người dân hoặc cơ quan chức năng có thể kiểm tra thông tin các vị trí lòng đường, vỉa hè được phép sử dụng, phương án sử dụng, mức phí và phản ánh đến cơ quan quản lý khi cần thiết. Thông qua công cụ này sẽ giúp người dân tiếp cận, giám sát một cách minh bạch về quản lý trật tự đô thị.

Theo khảo sát, các quận, huyện đang giao các phường, xã rà soát, đề xuất tuyến đường đủ điều kiện thu phí vỉa hè, lòng đường.

Trao đổi với Thanh Niên về những thắc mắc của người dân như khi nào tổ chức lấy ý kiến, nếu hộ nhà mặt tiền không đồng ý thì có được tổ chức thu phí hay không, hoặc khi xung đột giữa người đang thuê với chủ nhà, người thuê vỉa hè với người đi bộ thì xử lý ra sao, lãnh đạo nhiều địa phương đều cho hay đang chờ hướng dẫn từ Sở GTVT TP.HCM.

TP.HCM thu phí vỉa hè, lòng đường: Hài hòa, đồng thuận - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND một phường ở Q.1 cho biết phường đã đề xuất các tuyến đường có thể tổ chức buôn bán trên vỉa hè, làm bãi giữ xe nhưng chưa thể công bố. Về thời điểm lấy ý kiến người dân, phường phải chờ quận phê duyệt danh mục vị trí, tuyến đường thì mới thông tin cho người dân và tổ chức hội nghị phản biện trước khi thực hiện trên thực tế.

VỈA HÈ RỘNG DƯỚI 3 M KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CHO THUÊ

Theo dự thảo hướng dẫn quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè đang được Sở GTVT TP.HCM lấy ý kiến các địa phương, việc tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa chỉ được thực hiện trên phạm vi thuộc danh mục do UBND cấp huyện ban hành và có phương án sử dụng tạm thời hè phố theo hướng dẫn chung. Nếu sử dụng vào mục đích để xe 2 bánh không thu tiền dịch vụ trông giữ xe, thì cá nhân, tổ chức sử dụng phải có đăng ký cư trú, đăng ký hoạt động kinh doanh tại địa điểm sử dụng tạm vỉa hè.

Trong trường hợp tổ chức điểm trông giữ xe có thu phí, phải đáp ứng thêm điều kiện kinh doanh trông giữ xe theo quy định và làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép sử dụng vỉa hè, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong quá trình sử dụng (thủ tục đăng ký cụ thể sẽ có hướng dẫn sau).

Phương án khai thác thể hiện các nội dung: sơ đồ vị trí, mặt cắt ngang phạm vi thực hiện, lối đi dành cho người đi bộ, người khuyết tật, phương án dự kiến bố trí khu vực hoạt động, tổ chức khai thác. Vị trí cho thuê vỉa hè cũng linh hoạt, có thể sát mặt tiền nhà dân hoặc sát lề đường, miễn là dành tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ.

Sở GTVT TP.HCM lưu ý quận, huyện căn cứ hiện trạng sử dụng, đặc thù, tính chất của từng tuyến đường, đoạn đường để quy định thời gian hoạt động theo giờ. Phạm vi vỉa hè tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa phải được giới hạn bằng gạch màu hoặc vạch sơn phản quang màu vàng để phân định với các hoạt động khác. Vỉa hè rộng dưới 3 m không được phép cho thuê, đồng thời hạn chế tổ chức cho thuê tại một số vị trí, khu vực ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, công sở, trụ sở ngoại giao, cơ sở tôn giáo.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.