UBND Q.1 là đơn vị đầu tiên thực hiện thư xin lỗi người dân khi không giải quyết đúng hẹn hồ sơ theo quy định. Trong năm 2011, Chủ tịch UBND Q.1 đã gửi 16 thư xin lỗi. Từ cách làm mang tính tự giác này, tháng 8.2012 UBND TP yêu cầu thực hiện bắt buộc đối với tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc trên địa bàn.
Thế nhưng, trong báo cáo của Sở Nội vụ gửi UBND TP sau khi tiến hành kiểm tra 15 sở ngành, quận, huyện và 15 UBND xã, phường, thị trấn về tình hình cải cách hành chính và việc các cơ quan, đơn vị thực hiện thư xin lỗi do chậm giải quyết hồ sơ của người dân trong 6 tháng đầu năm 2016, cho thấy bên cạnh các cơ quan thực hiện tốt thì vẫn có không ít cơ quan “quên” xin lỗi người dân. Cụ thể, báo cáo cho biết UBND Q.11 đã thực hiện 20 thư xin lỗi/43 hồ sơ trễ hẹn (chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đô thị); UBND Q.Bình Tân có đến 5.767 hồ sơ trễ hẹn và đã thực hiện 4.557 thư xin lỗi, trong đó có 4.417 thư của Văn phòng Đăng ký đất đai (VP ĐKĐĐ) Q.Bình Tân; UBND Q.Tân Bình thực hiện 65 thư xin lỗi/65 hồ sơ giải quyết trễ hẹn; UBND Q.Tân Phú thực hiện 96 thư xin lỗi/96 hồ sơ giải quyết trễ hẹn; UBND Q.Phú Nhuận thực hiện 1 thư/1 hồ sơ trễ hẹn, riêng lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của VP ĐKĐĐ Q.Phú Nhuận thì chưa thực hiện thư xin lỗi trong khi có tới 745 hồ sơ trễ hẹn; Cục Thuế TP gửi 4.087 thư, Sở Y tế gửi 134 thư, Sở Du lịch gửi 10 thư, Sở TN-MT gửi 5 thư xin lỗi. Còn các cơ quan, đơn vị có hồ sơ trễ hẹn nhưng chưa nghiêm túc thực hiện thư xin lỗi là các sở: NN-PTNT, GD-ĐT; UBND Q.7, Q.9, H.Bình Chánh... Bên cạnh đó, thái độ thực thi công vụ của công chức tại một số UBND phường, xã, thị trấn còn chưa chuẩn mực trong giao tiếp và hướng dẫn người dân đến liên hệ thực hiện các thủ tục hành chính.
Sẽ xử lý người đứng đầu
Ngày 10.8, chúng tôi tiếp xúc với ông Nguyễn Đình Khoa (ngụ Q.10) tại chi nhánh VP ĐKĐĐ Q.Bình Tân khi ông đến nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà trước đó đã nộp hồ sơ đề nghị giải quyết. Trong tập hồ sơ ông Khoa mang theo vẫn còn giữ thư xin lỗi do ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc chi nhánh, ký. Theo đó, văn phòng hẹn trả kết quả vào ngày 7.6 nhưng đến ngày 6.7 vẫn chưa có kết quả! “Văn phòng nhận thiếu sót trách nhiệm giải quyết hồ sơ của ông không đúng hẹn và xin gửi đến ông lời xin lỗi”, nội dung thư nêu. Ông Khoa cho biết sau khi có thư xin lỗi này, hồ sơ của ông được xử lý dứt điểm.
Trong khi đó, từ tháng 5.2015 bà Hoàng (ở P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) đã nộp hồ sơ đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan ở Q.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đến ngày 9.8 mặc dù bà vẫn chưa được giải quyết nhưng không có nơi nào đứng ra xin lỗi.
Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc VP ĐKĐĐ TP thừa nhận thực trạng trễ hẹn triền miên trong việc giải quyết hồ sơ nhà đất. “Trong thời gian tới, nếu các chi nhánh tiếp tục chậm trễ giải quyết hồ sơ mà không có lý do chính đáng, thì giám đốc chi nhánh sẽ bị xử lý trách nhiệm, luân chuyển”.
Tương tự, ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ, cho biết tính đến ngày 19.8 tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính toàn TP đúng hẹn đạt 85%. Trong năm 2016, việc trễ hẹn xảy ra ở tất cả 24 quận, huyện và các sở ngành, trong đó có nhiều đơn vị trễ hẹn hàng ngàn hồ sơ, nhưng việc gửi thư xin lỗi thì có nơi làm, nơi không. “Ngay tại Sở Nội vụ, việc xem xét trách nhiệm người đứng đầu thực hiện rất nghiêm. Chỉ riêng việc trễ hẹn khi giải quyết hồ sơ xét tuyển, ngạch bậc viên chức thôi mà từ ban giám đốc Sở đến các trưởng phòng có liên quan đều phải bị hạ bậc thi đua”, ông Trung cho biết thêm.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP khẳng định TP chủ trương xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chậm trễ giải quyết hồ sơ hành chính. Ngoài việc yêu cầu tiếp tục triển khai nghiêm túc việc thực hiện thư xin lỗi, TP có kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất việc thực hiện cải cách hành chính trong nội bộ; xử lý nghiêm và kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức có thái độ không chuẩn mực, có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Trường hợp công việc cần kéo dài thời gian so với quy định thì phải thông báo công khai, kịp thời cho tổ chức và công dân biết rõ lý do. TP cũng đã quy định rất rõ là người đứng đầu đơn vị phải ký văn bản xin lỗi, chứ không giao cho cấp dưới xin lỗi thay.
“TP đang triển khai mô hình liên thông điện tử, dự kiến năm 2017 khi TP đã chính thức áp dụng mô hình này, nếu quận, huyện, sở ngành nào vẫn còn trễ hẹn, thì lãnh đạo UBND TP sẽ đứng ra xin lỗi người dân, doanh nghiệp nhưng chủ tịch UBND quận, huyện, giám đốc sở ngành đó phải bị kỷ luật, chứ không phải xin lỗi xong rồi thôi”, ông Tuyến nói.
Đăng thư xin lỗi công dân trên cổng thông tin điện tử
Ngày 20.8, ông Nguyễn Hiến, Phó giám đốc Sở TN-MT Bình Định kiêm Giám đốc VP ĐKĐĐ Bình Định, cho biết việc đăng thư xin lỗi công dân vì giải quyết hồ sơ trễ hẹn so với quy định đã được người dân địa phương đồng tình và đã mang lại hiệu ứng tích cực.
Trước đó, ngày 12.4.2016, lần đầu tiên VP ĐKĐĐ chi nhánh TP.Quy Nhơn (trực thuộc VP ĐKĐĐ Bình Định) đã đăng thư xin lỗi ông Trần Văn Sơn (ở P.Trần Quang Diệu) và vợ chồng ông Nguyễn Thái Tuy - Đặng Thị Hà (ở P.Bùi Thị Xuân, TP.Quy Nhơn) trên cổng thông tin điện tử của UBND TP.Quy Nhơn vì chậm giải quyết hồ sơ. Trong thư, VP ĐKĐĐ giải thích rõ nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ và thông báo phân công cán bộ thụ lý hồ sơ khẩn trương khắc phục, hẹn lại thời hạn trả hồ sơ.
“Việc xin lỗi này cũng mang tính răn đe đối với các cán bộ chậm trễ trong giải quyết hồ sơ của công dân. Sau khi xin lỗi vì trễ hẹn, nếu tiếp tục trễ hẹn lần nữa thì nhất định phải bị xử lý kỷ luật. Sau việc công khai xin lỗi công dân của VP ĐKĐĐ chi nhánh TP.Quy Nhơn, chúng tôi đã nhân rộng ra các chi nhánh khác trong tỉnh. Nhờ vậy, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn ở Bình Định ngày càng tăng dần lên”, ông Hiến nói. Hoàng Trọng
|
Bình luận (0)