TP.HCM tiêm vắc xin sởi xuyên lễ 2.9

28/08/2024 17:17 GMT+7

Các trạm y tế tại các quận, huyện, TP.Thủ Đức sẽ tổ chức tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi vào mỗi buổi sáng trong dịp lễ 2.9, từ ngày 31.8 đến 4.9.

Chiều 28.8, Sở Y tế TP.HCM tổ chức cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn. Theo thông tin từ Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, UBND TP.HCM đã đặt mua 300.000 liều vắc xin sởi. Thời gian tiêm trong dịp lễ, từ ngày 31.8 đến ngày 4.9 vào mỗi buổi sáng tại trạm y tế phường xã, thị trấn. Sau lễ (từ ngày 5.9) sẽ tổ chức tiêm vào 1 ngày cố định trong tuần.

TP.HCM tiêm vắc xin sởi xuyên lễ 2.9- Ảnh 1.

TP.HCM tiêm vắc xin sởi xuyên dịp lễ 2.9

DU YÊN

Có 2 giai đoạn tiêm vắc xin sởi, giai đoạn 1 sẽ tiến hành tiêm cho trẻ từ 1-5 tuổi (bao gồm trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao) không kể tiền sử tiêm chủng từ ngày 31.8 và những nhóm người chưa tiêm đủ mũi như trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao (6-16 tuổi); nhân viên y tế nguy cơ tiếp xúc người mắc sởi; nhân viên y tế chăm sóc trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao…

Giai đoạn 2 sẽ tổ chức tiêm cho trẻ từ 6-10 tuổi và số lượng còn sót lại ở giai đoạn 1.

Chiến dịch tiêm vắc xin xuyên lễ 2.9 sẽ tổ chức tiêm tại các trung tâm y tế phường, xã. Sau lễ sẽ tổ chức tiêm tại các trường học, cơ sở nuôi dưỡng, bệnh viện, trạm y tế. Ngoài ra, sẽ tiêm lưu động tại các trung tâm y tế, trạm y tế. Nếu thiếu nhân lực thì UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức huy động lực lượng của các bệnh viện quận, huyện hoặc Sở Y tế TP.HCM điều phối.

Theo số liệu từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ ngày 19 - 25.8, TP.HCM ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi. Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 525 ca. Trong đó, có 209 ca dương tính và 3 ca tử vong.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết vấn đề cấp thiết hiện nay là nâng tỷ lệ miễn dịch trên 95% thì mới chấm dứt được dịch sởi.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trẻ hoặc người lớn khi mắc bệnh thì nên tự cách ly điều trị tại nhà, với trường hợp đặc biệt thì mới nhập viện để tránh tất cả các ca mắc sởi đều nhập viện gây quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Với nhóm trẻ có nguy cơ cao (trẻ có bệnh mạn tính) mắc sởi thì đến cơ sở y tế điều trị để tránh trở nặng gây biến chứng.

Các bệnh viện phải đề phòng lây nhiễm sởi chéo trong bệnh viện, cần phân luồng ngay bệnh nhân có các triệu chứng về hô hấp. Không được để bệnh nhân nghi ngờ mắc sởi vào những khoa điều trị trẻ có bệnh mạn tính như khoa huyết học, tim mạch. Khi trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao mắc sởi, hoặc tiếp xúc với người mắc sởi, bệnh viện cần hội chẩn để đưa ra phương án điều trị, phơi nhiễm.

Đồng thời, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo các bệnh viện phải tổ chức tiêm vắc xin cho nhân viên y tế, đặc biệt là những nhân viên chăm sóc bệnh nhân sởi và nhân viên chăm sóc trẻ có nguy cơ cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.