TP.HCM tiến đến mục tiêu người dân sử dụng nguồn nước tại vòi

27/09/2019 15:24 GMT+7

Các chuyên gia nước ngoài cho hay cần khuyến hích và tạo cơ chế cho tư nhân tham gia vào lĩnh vực đầu tư, sản xuất nước sạch để tăng tính hiệu quả, giảm việc thất thoát nước.

Nguồn nước sạch chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân

Sáng 27.9, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo kinh nghiệm quốc tế trong và ngoài nước về nghiên cứu, ứng dụng nhằm cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân, khuyến nghị cho TP.HCM giai đoạn 2019 - 2035, với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM có tốc độ phát triển kinh tế và dân số tăng rất nhanh. Gần 10 năm trở lại đây, cứ 5 năm, TP.HCM tăng thêm 1 triệu dân.

Những năm qua, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực và hoàn thành chỉ tiêu 100% dân số được tiếp cận và sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, nguồn cung cấp nước sạch của TP.HCM hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân TP.HCM

Không chỉ ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu tác động đến nguồn nước thô cho TP.HCM, một vấn đề khó khăn nữa mà ông Võ Văn Hoan nêu là hệ thống, cơ sở hạ tầng liên quan nguồn nước ở TP.HCM đã trải qua nhiều năm sử dụng đến nay đã quá cũ kỹ.

Điều đáng lưu ý mà ông Võ Văn Hoan nêu là chất lượng nước khi sản xuất, xử lý tại nhà máy đạt chất lượng rất tốt, nhưng khi đi qua hệ thống mạng lưới cung cấp đưa về các hộ gia đình, doanh nghiệp, thì những tiêu chí nước sạch không còn đảm bảo.

“Chưa kể áp lực nước trong đường ống mỗi lúc khác nhau nên dễ tạo ra lắng cặn, màu trong nguồn nước cung cấp cho người dân…”, ông Võ Văn Hoan nói, và cho hay hội thảo sẽ tìm ra giải pháp, chính sách cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm an toàn tiến đến mục tiêu người dân TP.HCM sử dụng nguồn nước tại vòi.

Chuyên gia nước ngoài góp ý cho cơ chế, chính sách đầu tư sản xuất nước sạch sinh hoạt cho TP.HCM

Ảnh: Đình Quân

Khuyến khích tư nhân tham gia vào lĩnh vực cung cấp nước sạch

Ông Paul Smith, Trưởng ban hợp tác quốc tế Hội nước Úc, cho biết nước Úc cũng từng trải qua giai đoạn thiếu nước, nguồn nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… Để giải quyết tình trạng này, Úc đã khuyến khích tư nhân tham gia vào lĩnh vực sản xuất, cung cấp nước sạch sinh hoạt.

“Úc cũng mở ra cơ hội cho tư nhân tham gia thị trường vốn trong cung cấp nước, bởi nếu chỉ dựa vào nguồn vốn nhà nước, thì nguồn lực huy động sẽ không đủ”, ông Paul Smith nói.

Ông Attila Sinka, Tổng thư ký Hiệp hội nước Hungary, Giám đốc điều hành cụm nước Hungary, cho hay việc độc quyền trong lĩnh vực nước có tính tự nhiên. Quá trình cổ phần hóa ngành nước ở Hungary cũng có nhược điểm, nhưng đem lại nhiều thuận lợi hơn, đó là tạo ra cơ chế linh hoạt và nguồn nhân lực dồi dào trong ngành nước.

“Qua hơn 3 thập kỷ đẩy mạnh áp dụng cơ chế hợp tác công tư, việc cung cấp nước đạt được nhiều hiệu quả khi giảm được tỷ lệ thất thoát nước và hiệu quả của công ty cấp nước được cải thiện rõ rệt”, ông Attila Sinka chia sẻ.

Tỷ lệ thất thoát nước ở TP.HCM vẫn hơn 23%

Hiện tổng công suất nước toàn TP.HCM đạt 2,4 triệu m3/ngày, đảm bảo nhu cầu dùng nước của người dân TP.HCM cho sản xuất và sinh hoạt.

Về tỷ lệ thất thoát nước, hiện TP.HCM đã kéo giảm tỷ lệ thất thoát năm 2015 gần 31%, năm 2016 hơn 28%, năm 2017 là 26% và hiện vẫn còn hơn 23%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.