Ngày 23.12, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề đặt ra cho TP.HCM và Đông Nam bộ".
ĐẦU TƯ HẠ TẦNG LÀM "BÀN ĐẠP" VỮNG CHẮC
Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trương Minh Huy Vũ nhận định bên cạnh những thành tựu tích cực, TP.HCM và vùng Đông Nam bộ cần tập trung khắc phục, khơi thông nguồn lực dựa trên 7 định hướng chiến lược để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Các định hướng lớn gồm tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền, tinh gọn bộ máy, chuyển đổi số, chống lãng phí, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực...
Ông Vũ đánh giá những chuyển động của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), khép kín Vành đai 2, đầu tư dự án Vành đai 3 và Vành đai 4 thúc đẩy liên kết vùng tạo tiền đề tốt để bước vào kỷ nguyên vươn mình. Chuyên gia này cũng nhận định phát triển kinh tế xanh song hành kinh tế số sẽ là chìa khóa thành công cho giai đoạn tới.
Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, khuyến nghị TP.HCM cần tập trung xử lý nhanh, có hiệu quả các công trình, dự án tồn đọng nhiều năm nhằm hấp thụ vốn đầu tư, tạo sức lan tỏa. Về kết cấu hạ tầng liên kết vùng, địa phương sớm hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc, đường vành đai, triển khai trục giao thông Bắc - Nam và đường ven sông Sài Gòn theo quy hoạch.
Cùng với đó là các dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ, đường sắt đô thị nối Thủ Thiêm với sân bay Long Thành, cũng như tối ưu hóa hệ thống logistics của vùng hướng về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải - Cần Giờ để trở thành điểm sáng trên hành lang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ở góc độ kết nối vùng, TS Huỳnh Thế Du đề xuất tầm nhìn phát triển "một trung tâm, ba hành lang" cho TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình. Trong đó, trung tâm hướng ra biển và hội nhập quốc tế là TP.Thủ Đức gắn với trung tâm hiện hữu; còn 3 hành lang gồm tây nam gắn với ĐBSCL, phía tây kết nối với Campuchia qua Tây Ninh, và tây bắc kết nối với Tây nguyên qua Bình Dương và Bình Phước. Tầm nhìn này sẽ phát huy vai trò trung tâm và đầu tàu của TP.HCM, khơi dậy sức mạnh và tiềm năng của các địa phương có quy mô nền kinh tế lớn (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu), hỗ trợ các địa phương còn lại phát triển và kết nối quốc tế, thực hiện tầm nhìn phát triển ASEAN.
ĐẦU TƯ MẠNH MẼ HẠ TẦNG SỐ
PGS-TS Thoại Nam, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật điện toán, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định để khoa học công nghệ trở thành động lực thì TP.HCM phải phát triển hạ tầng số. TP.HCM cần đặt mình vào vai trò là trung tâm dữ liệu của cả khu vực, cạnh tranh toàn cầu để xác định lộ trình, chính sách phát triển. Ông Nam cho biết TP.HCM hiện đi trễ so với các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia nhưng đang có cơ hội mới, đó là nhiều tập đoàn lớn đang cần trung tâm dữ liệu quy mô siêu lớn và cần đối tác thực hiện.
Để làm trung tâm dữ liệu siêu lớn, cần chuẩn bị chính sách về đất đai, năng lượng, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực. Việt Nam đang được nhắm đến vì có giá điện thấp, trong khu vực Đông Nam Á chỉ có Lào với Malaysia có giá điện thấp hơn nước ta. "Xu hướng trung tâm dữ liệu siêu lớn đòi hỏi sử dụng năng lượng sạch. Do vậy chiến lược phát triển của TP.HCM phải gắn kết với năng lượng xanh", PGS-TS Thoại Nam khuyến nghị, đồng thời đánh giá các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi hình thành trung tâm dữ liệu.
Trao đổi lại, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết địa phương đã có kế hoạch chuẩn bị hạ tầng năng lượng, viễn thông và hạ tầng tính toán để hình thành trung tâm dữ liệu tầm cỡ khu vực. Về năng lượng, địa phương nghiên cứu phát triển các loại năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió, thủy triều. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã đề xuất bổ sung quy hoạch đường truyền tải điện từ Ninh Thuận, Bình Thuận hoặc từ miền Tây Nam bộ về như một giải pháp dự phòng.
Về viễn thông, ông Mãi cho hay TP.HCM đang đề nghị mở cáp quang quốc tế thông qua cổng ở H.Cần Giờ. "Trong chuyến công tác ở Mỹ vừa rồi, một số doanh nghiệp tên tuổi đã đăng ký. Chúng tôi đang xúc tiến để phát triển ở Khu Công nghệ cao (TP.Thủ Đức), hình thành trung tâm tính toán, dữ liệu lớn ở đây", ông Mãi nói.
Chia sẻ thêm về vai trò của TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ông Mãi nhìn nhận địa phương sẵn sàng tiên phong thực hiện. "Chúng tôi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và phải đá tiền đạo. TP.HCM không chỉ làm việc này một mình mà phải đặt trong bối cảnh của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam", ông Mãi cho biết. Do vậy, địa phương mong muốn hợp tác với các tỉnh, huy động các nguồn lực để thực hiện mục tiêu này. TP.HCM cũng sẽ chịu trách nhiệm trong việc bố trí nguồn lực, các điều kiện để kết nối được nhiều hơn, tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo ông Phan Văn Mãi, thời gian gần xây xuất hiện nhiều khái niệm mới như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế số nhưng nội hàm, trọng tâm, lộ trình thực hiện còn chưa rõ ràng. Trong kỷ nguyên mới, điều quan trọng là xác định được nội hàm, trọng tâm, các trụ cột, lộ trình và kết quả cho từng mốc. "Có những việc cần làm ngay để tạo nền tảng, có những việc mang tầm chiến lược cần thực hiện trong thời gian dài", ông Mãi chia sẻ.
Giữ chân đội ngũ doanh nhân
TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế T.Ư), chia sẻ tại nhiều quốc gia khi có thu nhập trung bình thì đội ngũ doanh nhân bắt đầu ra đi, kéo theo trí tuệ và tài sản đi theo. Hiện nhiều nước như Mỹ, Canada và Úc quảng cáo để thu hút lực lượng doanh nhân về với họ như chính sách đầu tư để có thẻ xanh, đầu tư để có quốc tịch. "Họ làm tất cả vì biết rằng kéo được những con người đó là kéo được trí tuệ, tài sản. Và những nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình là những nước không giữ được đội ngũ doanh nhân", ông Tú Anh đúc kết.
Vị chuyên gia này cũng nêu vấn đề: Đã có khi nào chúng ta đặt câu hỏi nghiêm túc rằng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đang ra đi hay không. Ông cho rằng phải xây dựng TP.HCM là nơi đáng sống, là nơi công lý được bảo vệ để doanh nhân xác định đây không chỉ là nơi đầu tư mà còn là nơi sống, gắn bó và cống hiến. "Để thoát bẫy thu nhập trung bình, chúng ta không chỉ nuôi dưỡng kinh tế tư nhân mà còn giữ được chân họ ở lại đây sống, cống hiến và phát triển", TS Tú Anh nhìn nhận.
Đề xuất mô hình 3:3:3
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội khóa XV, đề xuất mô hình 3:3:3 để TP.HCM tăng tốc và phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể, mô hình này gồm 3 đột phá chiến lược (về thể chế, kết cấu hạ tầng, nhân lực chất lượng cao), 3 động cơ tăng tốc (khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, dịch vụ chất lượng cao) và 3 hoạt động thường xuyên và bền vững (chuyển đổi xanh, văn hóa, du lịch).
Nhấn mạnh đến yếu tố bền vững, PGS-TS Ngân cho rằng TP.HCM cần tập trung vào chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và bảo tồn di sản văn hóa. Với lợi thế sở hữu rừng ngập mặn Cần Giờ, thành phố có thể triển khai thị trường tín chỉ carbon, vừa góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, vừa tạo ra nguồn thu mới.
Bình luận (0)