Tổng mức đầu tư dự án nhà hát Thủ Thiêm tăng lên gần 2.000 tỉ đồng
Đối với dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (gọi tắt là nhà hát Thủ Thiêm), UBND TP.HCM cho biết dự án được HĐND TP.HCM thông qua tháng 10.2018, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và điều kiện ngân sách gặp nhiều khó khăn nên TP.HCM chưa thể bố trí vốn đầu tư xây dựng trong năm 2021 và 2022.
Đến năm 2023, dự án được bố trí 1,6 tỉ đồng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM (chủ đầu tư) chi thưởng cho các đơn vị đạt giải thiết kế. Cuộc thi ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc nhà hát Thủ Thiêm không có giải nhất, ban tổ chức trao 2 giải nhì cho liên danh Công ty tư vấn thiết kế Studio Milou (Pháp) - Công ty CP thiết kế xây dựng Hà Nội (VN) và Công ty GMP International GmbH (Đức).
Về tiến độ dự án, UBND TP.HCM đã lập và xác định danh mục các dự án cấp bách cần sớm triển khai thực hiện sử dụng nguồn thưởng vượt dự toán thu năm 2022 và đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù (7.200 tỉ đồng), trong đó có dự án nhà hát Thủ Thiêm. Đến nay, tổng mức đầu tư dự án tăng lên gần 2.000 tỉ đồng. Hiện UBND TP.HCM giao Sở VH-TT lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án để triển khai các bước tiếp theo. Nhà hát Thủ Thiêm được chọn là công trình dấu ấn chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.2025).
[FLYCAM] Cận cảnh khu đất xây dựng nhà hát Thủ Thiêm gần 2.000 tỉ
Sắp xếp lại, xử lý nhà đất công hơn 919.000 m2
Đối với dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), UBND TP.HCM cho hay dự án có chủ trương đầu tư từ năm 2007, nhưng vì quy mô lớn, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phức tạp nên chậm triển khai. Được Thủ tướng chấp thuận chủ trương lựa chọn chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án, UBND TP.HCM phê duyệt kết quả chỉ định liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC là nhà đầu tư vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, quy định về chủ trương chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án thay đổi nên phải thực hiện lại thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Sở QH-KT TP.HCM đang tổ chức cuộc thi ý tưởng quy hoạch, rồi lựa chọn các nội dung quan trọng đưa vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM và phê duyệt đề án đầu tư xây dựng khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch phân khu, kêu gọi đầu tư.
Liên quan đến công tác quản lý tài sản công, UBND TP.HCM thông tin trong giai đoạn 2018 - 2023 đã phê duyệt phương án, sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với 266 địa chỉ nhà đất với diện tích hơn 919.000 m2 của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp. Trong đó, TP.HCM giữ lại 100 địa chỉ để tiếp tục sử dụng, thu hồi 58 địa chỉ nhà đất (tổng diện tích hơn 312.000 m2), điều chuyển 13 địa chỉ, bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 82 địa chỉ... Trong thời gian này, TP.HCM không sử dụng nhà đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Bình luận (0)