TP.HCM tìm cách 'đứng dậy' sau tăng trưởng thấp

02/04/2023 06:29 GMT+7

Nhiều giải pháp vực dậy kinh tế được thảo luận trong phiên họp kinh tế - xã hội hôm qua (1.4) của UBND TP.HCM với chủ đề "Thúc đẩy đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm".

Phiên họp diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 của TP.HCM chỉ 0,7%, con số được nhiều chuyên gia nhận định là không quá bất ngờ nhưng rất đáng lo ngại.

TP.HCM tìm cách 'đứng dậy' sau tăng trưởng thấp - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ tại cuộc họp

TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP.HCM

3 TRỤ CỘT CHƯA MANG LẠI HIỆU QUẢ

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách - tiền tệ quốc gia, nói đây là mức tăng trưởng thấp nhất của TP.HCM trong nhóm 5 TP trực thuộc T.Ư kể từ năm 1982. Chuyên gia này nêu ra 3 động lực mà Chính phủ và TP.HCM thống nhất đề ra để kéo nền kinh tế trở lại nhưng TP.HCM chưa làm được.

Đầu tiên là giải ngân vốn đầu tư công quý 1/2023 chỉ được 2% nên bỏ lỡ công cụ kích thích nền kinh tế. Thứ hai là chưa hấp thụ được vốn. Thứ ba là chưa phát triển được thị trường nội địa. "Đây là 3 trụ cột thúc đẩy nền kinh tế, liều thuốc sau thời kỳ bạo bệnh nhưng TP.HCM đều không sử dụng hiệu quả", ông Lịch nêu quan điểm.

TP.HCM tìm cách 'đứng dậy' sau tăng trưởng thấp

Nêu cụ thể khó khăn của doanh nghiệp đang đối mặt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa cho hay, tâm trạng chung của doanh nghiệp hiện nay chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 là cầm cự hoạt động do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước sút giảm, hàng tồn kho tăng và đang gặp vấn đề về thanh khoản. Nhóm 2 là các doanh nghiệp đang cố gắng xoay xở và ấp ủ nhiều ý tưởng đầu tư, phát triển dài hạn.

Ông Hòa đề xuất ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ kịp thời, giúp dòng vốn lưu động, doanh nghiệp có thể cầm cự; hoặc xem xét chấp nhận cho vay tín chấp hoặc thế chấp bằng vật tư, nguyên liệu, thành phẩm tồn kho.

Về bất động sản, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng, thông tin TP.HCM vừa chấp thuận 5 dự án nhà ở được phép huy động vốn, dự kiến đưa ra thị trường hơn 7.500 căn. Các doanh nghiệp cần 105.000 tỉ đồng nhưng gặp vướng mắc về các chính sách tài chính, ngân hàng. Ngoài ra, Sở Xây dựng đang tham mưu UBND TP.HCM phân nhóm 60 dự án gặp vướng mắc về đầu tư, tài chính, đất đai, xây dựng, bồi thường và xác định trách nhiệm từng sở, ngành. "Nếu giải quyết được trên 60 dự án thì sản phẩm đưa ra thị trường trong quý 2 và các tháng cuối năm sẽ có chuyển động", ông Quân nhận định.

Trong 5 chương trình, đề án của nhiệm kỳ 2020 - 2025, ông Quân dự báo có 4 chương trình khó đạt khả năng đề ra, gồm: công viên cây xanh, chiếu sáng, chống ngập và nhà ở do khó khăn về nguồn vốn. Đáng lo ngại nhất là chương trình phát triển nhà ở, bởi TP.HCM đặt mục tiêu đưa 50 triệu m2 sàn vào sử dụng trong nhiệm kỳ, nhưng 2 năm đầu chỉ đạt 13,5 triệu m2. Trong 3 năm còn lại, mỗi năm thành phố cần 12,5 triệu m2 sàn nhưng quý 1/2023 chỉ đưa vào được 1 triệu m2.

Tương tự, TP.HCM đặt mục tiêu khoảng 35.000 nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân nhưng chỉ mới có 1 dự án hoàn thành với 260 căn. Trong 18 dự án đăng ký, có 9 dự án khởi công, động thổ nhưng đều đang "đứng hình" do vướng chính sách liên quan các luật về nhà ở, đất đai, tài sản công.

KTS người Pháp: ‘Mái che đường Lê Lợi phải đầu tư xứng tầm với metro tỉ đô’

TẬP TRUNG HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP

Nêu giải pháp lưu thông hàng hóa, Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết trước mắt sẽ tập trung giúp doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi hơn, đi tìm thêm thị trường mới mà doanh nghiệp còn dư địa phát triển thêm. Đồng thời, triển khai chương trình hợp tác tiêu dùng sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số và thương mại điện tử, tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung với ngành du lịch.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết thêm các doanh nghiệp ngành du lịch đang gặp khó khăn về tiếp cận vốn và chính sách thuế; các doanh nghiệp đề xuất giảm giá điện trong 3 năm giống như nhóm ngành sản xuất.

CẢ XÃ HỘI ĐANG QUAN TÂM TP.HCM

Trao đổi tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ bản thân cũng không ngờ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM "thấp mức sâu như thế". Trong những ngày qua, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đánh giá, đặt câu hỏi và giải đáp về sự tăng trưởng này với tinh thần khách quan, sẻ chia. "Hiện nay, cả xã hội đang quan tâm với tinh thần cả nước vì TP.HCM. Chúng ta phải tự xem lại mình để nỗ lực, thúc đẩy", ông Nên nói.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết bản thân nhận được nhiều chia sẻ của chuyên gia rằng sự bật dậy của TP.HCM trong năm 2022 chỉ là sự gượng gạo chứ chưa bền vững, bởi những tác động sâu rộng sau đại dịch Covid-19. Do đó, từng sở, ngành cần nhìn nhận, đánh giá khách quan và nghiêm túc nhất, đặc biệt là đề ra giải pháp cho các quý sau để bù lại mức tăng trưởng thấp của quý 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định công tác triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách từ T.Ư rất nghiêm túc, giao nhiệm vụ kịp thời, triển khai công trình trọng điểm quyết liệt, cải cách hành chính được đánh giá có chuyển biến… nhưng kết quả mang lại chưa đạt như kỳ vọng. "Chúng ta làm nhiều nhưng cần hiệu quả trong bối cảnh hiện nay", ông Nên yêu cầu.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhắc lại những khó khăn của đại dịch Covid-19 rất lớn nhưng TP.HCM đã vượt qua, đồng thời đánh giá "khó khăn lần này không nhỏ nhưng chắc chắn chúng ta cũng phải đứng dậy đi tới". Trong bối cảnh đó, cần xác định hành động trọng tâm, quyết liệt để sớm thoát khỏi tình trạng tăng trưởng thấp. Đối với nhóm công việc cần sự phối hợp, ông Mãi dẫn lại quy chế phối hợp và yêu cầu các đơn vị không chờ đợi khi xin ý kiến. Trong thời gian nhất định, nếu đơn vị được xin ý kiến không phản hồi thì coi như đồng ý.

"Gần đây, một số sở phản ánh lấy ý kiến các sở khác nhưng chưa phản hồi nên phải chờ. Tôi đề nghị chấm dứt việc này", ông Mãi nói và giao Văn phòng UBND TP.HCM tổng hợp danh sách đơn vị không trả lời để có hình thức nhắc nhở.

Đối với các công việc còn tồn đọng, các sở, ngành xác định những dự án cần tập trung xử lý trong quý 2, báo cáo trước ngày 15.4. Bên cạnh đó, 138 dự án bất động sản gặp vướng mắc mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị tháo gỡ cũng cần được phân nhóm ưu tiên xử lý.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM đang đi vào vết xe cũ của năm 2022 khi quý 1 giải ngân chưa tới 1.000 tỉ đồng, đạt khoảng 2% số vốn đã giao là hơn 43.400 tỉ đồng. Trong cơ cấu tổng vốn đầu tư công, 4 ban quản lý dự án lớn (đường sắt, giao thông, hạ tầng đô thị, dân dụng và công nghiệp) chiếm 67%.

Với vai trò dẫn dắt của đầu tư công, ông Mãi yêu cầu 4 ban quản lý, chủ đầu tư dự án trọng điểm thường xuyên cập nhật tiến độ, đôn đốc giải quyết các vướng mắc phát sinh. TP.HCM cũng sẽ chuẩn bị sẵn các dự án để khi nhận được khoản tiền thu vượt kế hoạch năm 2022 (dự kiến khoảng 7.200 tỉ đồng) thì triển khai ngay. Bên cạnh đó, Sở Tài chính và Sở Tư pháp khẩn trương hoàn thiện thủ tục để mua sắm tài sản công sau thời gian dài bị đình trệ.

Liên quan các khó khăn của doanh nghiệp, Chủ tịch TP.HCM đề nghị cần tập trung tháo gỡ các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, PCCC, hoàn thuế, giới thiệu các gói tín dụng chung cả nước. Riêng gói tín dụng của hệ thống ngân hàng tại TP.HCM khoảng 80.000 tỉ đồng và 100 triệu USD, các ngân hàng cần công khai lĩnh vực, điều kiện, hồ sơ để doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Đối với chương trình kích cầu, ông Mãi cho biết trong nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017, TP.HCM đề xuất dùng ngân sách để kích cầu, hỗ trợ lãi suất. Nếu Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5.2023 thì trong tháng 7.2023, TP có thể triển khai.

Xem nhanh 12h ngày 2.4: Công ty của Shark Thủy hết tiền mặt | Tài xế khai ‘ăn đồ có thuốc phiện’

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.