Tiểu thương tính chuyện đóng cửa ngay mùa mua sắm vì ế
Có hẹn gặp khách sớm, hơn 6 giờ sáng, bà Diệu (tiểu thương kinh doanh tại chợ Tân Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã ra chờ khách từ Trà Vinh lên. Bà kể bán được 2,1 triệu đồng, đơn hàng lớn nhất từ mấy tháng qua và giảm đến 3/4 doanh thu so với đơn hàng trước của chính vị khách này. Chợ ế, tiền thuê sạp trên đường Tân Thọ (Q.Tân Bình) sát chợ Tân Bình có giá 17 triệu đồng/tháng từ những năm trước dịch Covid-19, nay giảm còn 8 triệu đồng cũng không có người thuê. Hai sạp quần áo cạnh quầy của bà Diệu cũng đóng cửa từ tháng 6 đến nay, nên khu vực bà ngồi vốn ít khách, nay càng đìu hiu.
Nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ Tân Bình cho biết tình trạng buôn bán ế ẩm tại khu vực chợ kéo dài nên họ buộc phải tính đến chuyện đóng cửa, tìm người sang sạp ngay trong mùa mua sắm. Tuy nhiên, để tìm được khách sang sạp cũng "trầy vi tróc vảy" dù chấp nhận lỗ đến 90%. Cuối tuần qua, bà Thanh (75 tuổi, quê Thừa Thiên-Huế) vừa hoàn tất sang nhượng sạp đôi trong chợ Tân Bình cho người bán hàng bên cạnh với giá 500 triệu đồng (tương đương 7 cây vàng), trong khi giá sạp bà mua từ năm 1992 là 95 cây vàng. "Giá rẻ như cho nhưng năn nỉ gãy lưỡi mới có người sang, rồi phải bay vào ra Sài Gòn - Huế đến 6 chuyến mới hoàn tất thủ tục", bà Thanh than.
Hơn 10 giờ ngày 24.11, chúng tôi đến Bình Tây (Q.6) - ngôi chợ sỉ bán hàng khô nổi tiếng và là một trong những điểm tham quan của du khách khi đến TP.HCM. Sau dịch Covid-19, chợ được xây mới khang trang sạch đẹp nhưng không khí buôn bán thì ngược lại. Bà Sáu Thanh, tiểu thương có thâm niên tại chợ, cho biết doanh thu bán hàng giảm hơn một nửa so với cùng thời điểm mọi năm do khách mua hàng qua online nhiều hơn. Tuy vậy, mãi lực bán qua online cũng giảm sút rất mạnh. Mọi năm, vào tháng 11 chỉ việc "rung đùi" bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán, còn năm nay đến giờ này bà không dám đặt trước mứt bánh vì sợ "dội chợ", chỉ có người bán ngồi nhìn nhau… Rất nhiều quầy sạp chỉ ra chợ vài ngày trong tuần, còn lại đóng cửa.
Tại chợ An Đông (Q.5) cảnh mua bán cũng đìu hiu không kém. Tầng trệt chuyên bán đồ khô lác đác có vài khách du lịch, chủ yếu quay phim chụp ảnh. Trên tầng 2, chị Ngọc, một trong những tiểu thương đầu tiên rời An Đông 2 về An Đông 1, cũng đang ngồi xem phim trên điện thoại vì không có khách. Đến chợ cứ bày hàng ra ngồi ngắm, có thể sẽ rút hàng đưa về nhà luôn, chị kể.
Tiểu thương đóng cửa, rao bán sạp: Nhiều chợ ở TP.HCM 'vắng như chùa Bà Đanh'
'Tập tành' livestream kiếm khách hàng mới
Đó là giải pháp của nhiều tiểu thương mà chúng tôi bắt gặp trong chuyến dạo qua các chợ ở TP.HCM. Tại chợ An Đông, 2 người phụ nữ đang livestream bán áo đầm tuổi trung niên. Chị Nguyễn Thái Trang - chủ sạp Thái Trang - kể: "Bằng cách này, từ 2 tháng qua, chúng tôi có thêm một số khách mua sỉ mới. Mừng không thể tả. Áo quần, giày dép là những mặt hàng có mãi lực giảm mạnh nhất ở chợ. Bởi đa số người đi chợ nay chủ yếu mua hàng thiết yếu hoặc không đến chợ nữa. Doanh số của cơ sở may thời trang gia đình có thời điểm sụt giảm đến 70%. Không thể cho công nhân may nghỉ việc nữa, tôi "đánh liều" mua thêm máy để livestream bán hàng. Đầu tư hơn 2 triệu đồng, cái khó nhất là không biết mình quay có chuẩn không. Chị em cũng son phấn, mặc luôn những chiếc áo mình đang may bán, giới thiệu cho khách nhìn thấy từng đường kim mũi chỉ, chất liệu vải và "người thật việc thật" để thấy rõ kiểu dáng áo trước khi quyết định mua.
Trước đây, mỗi lần lên mẫu mới, tôi thuê mẫu mặc chụp ảnh giá 300.000 đồng mỗi kiểu hoặc mỗi màu áo. Mỗi lần thuê chụp 5 màu khác nhau là trả 1,5 triệu đồng, tốn rất nhiều tiền nhưng khách cũng không có. Người mua cần cái gì đó sinh động và thực tế hơn, là chủ sạp, tôi đứng ra mặc mẫu giới thiệu luôn. Không ngờ vậy mà có thêm khách".
Chị Trang thừa nhận tiểu thương như chị trước đây không nghĩ có ngày livestream bán hàng trên mạng thế này, nhưng "cái khó ló cái khôn". Trong khi chợ truyền thống đang ế ẩm, tiểu thương chọn các kênh bán hàng qua nền tảng mạng xã hội để chủ động cứu mình. Song song đó, chị Trang cũng như một số tiểu thương chợ An Đông, Bình Tây, Tân Bình… cũng mong muốn Ban quản lý nên quảng bá chợ qua các kênh YouTube, Facebook, TikTok… để người mua biết đến chợ nhiều hơn.
"Nhân viên các ban quản lý nên quảng bá chợ như một hình thức hỗ trợ miễn phí cho tiểu thương. Chẳng hạn, trên trang fanpage của chợ, ngoài những thông tin tuyên truyền, có thể đưa hình ảnh, clip những mặt hàng phong phú tại chợ, mời gọi khách đến chợ tham quan, mua sắm. Ban quản lý chợ truyền thống thời 4.0 cũng cần năng động hơn, hiện đại hơn chứ không thể thụ động ngồi thu tiền hoa chi và các loại phí, nhắc nhở này nọ là xong", chị Trang nhấn mạnh và cho rằng hơn lúc nào hết, tiểu thương cần sự đồng hành quảng bá của ban quản lý các chợ truyền thống, trước khi chợ bị chuyển đổi công năng hay biến mất theo sự phát triển của xã hội.
Mếu máo kinh doanh tụt dốc, tiểu thương chợ nhà giàu bỏ chục triệu học livestream bán hàng
Nâng cấp trước khi nghĩ chuyện chuyển đổi...
Mới đây, Sở Công thương TP.HCM cho biết đã phối hợp với các địa phương để có giải pháp nâng cao mãi lực cho chợ truyền thống. Theo đại diện Sở Công thương TP, cần đánh giá lại hoạt động của chợ truyền thống. Theo đó, chợ truyền thống vẫn tồn tại nhưng phải có mô hình mới phù hợp và có thể tính đến chuyển đổi công năng các chợ hoạt động không hiệu quả. Tất nhiên việc này phải được các quận huyện rà soát, có báo cáo và lên phương án cụ thể.
Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, xu hướng tiêu dùng online đã bắt đầu từ lâu còn chợ truyền thống ở VN thì mới tập tành thời gian gần đây. Việc phát triển kênh bán hàng online là thách thức không nhỏ cho tiểu thương, những người đa số vốn có cách thức bán hàng dễ tính hơn. Trước mắt có 2 giải pháp để "lên đời" chợ truyền thống trước khi TP.HCM tính đến chuyện chuyển đổi công năng. Đó là phải tìm mọi cách để vực dậy mãi lực ở chợ. Cụ thể, nâng cấp văn hóa bán hàng; dịch vụ, cách thức bán hàng phải văn minh, lịch sự, hàng hóa niêm yết giá rõ ràng, nâng cấp chất lượng hàng hóa, đừng để bị gắn mác "hàng chợ" là kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… Đặc biệt, không thể để xảy ra chuyện "chặt chém" về giá cả như từng xảy ra tại chợ Bến Thành hay một số chợ có khách du lịch khác.
Thứ hai, ban quản lý chợ phải hỗ trợ tiểu thương phát triển việc bán hàng qua kênh online chuyên nghiệp và tốt hơn. Ông Phú phân tích: "Tôi theo dõi các chợ truyền thống thấy đa số nhân viên bán hàng không đủ trình độ để bán online, cơ sở vật chất tại chợ không đảm bảo. Ban quản lý không chỉ quản lý việc quét dọn vệ sinh, mà phải tập huấn, hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn bán hàng, phục vụ khách hàng, giá cả cạnh tranh, tạo nên bộ mặt một ngôi chợ văn minh. Việc làm này không nên "đốt cháy giai đoạn", phải nỗ lực hết sức. Hà Nội từng chuyển đổi công năng 5 chợ truyền thống, nâng cấp thành trung tâm thương mại, nhưng nay người mua lẫn người bán lại bỏ hết ra bán hàng bên ngoài. Thế nên, trong khó khăn, trước mắt TP.HCM khoan tính toán chuyện chuyển đổi công năng ngay. Phải cải tạo mô hình chợ truyền thống theo hướng văn minh hiện đại thì tôi nghĩ vẫn có thể kéo khách vào chợ".
Chuyện lạ: Chợ trong phố cổ sầm uất nhưng khách lèo tèo, tiểu thương nằm ngủ cả ngày
Cách cải tạo chợ truyền thống xuống cấp của Singapore rất đáng học hỏi. Họ nâng cấp sự truyền thống bằng cách cách tân các khu vực khác nhau, hình thức bán hàng vẫn duy trì theo mô hình chợ nhưng hàng hóa, giá cả rõ ràng. Khách du lịch và người già về hưu có thể lên tầng trên của chợ mua phiếu ăn để ăn trưa, xong dọn dẹp sạch thành khu ngồi nghỉ ngơi văn minh lịch sự trước khi đi mua sắm. Tôi hy vọng các chợ truyền thống lớn ở TP.HCM như Bến Thành, An Đông, Bình Tây… đều có thể phát triển như chợ Tiong Bahru của Singapore và thậm chí tổ chức tốt hơn nhiều.
Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh
Bình luận (0)