Khôi phục xe buýt, xe khách tại khu vực "bình thường mới"
Theo phương án Sở GTVT đề xuất, việc tổ chức giao thông sẽ được phân chia cụ thể theo từng khu vực. Trong đó:
- Khu vực phong tỏa: Chỉ cho phép lưu thông các loại xe công vụ; xe phục vụ công tác phòng chống dịch; phương tiện vận tải hàng hóa (lương thực; thực phẩm; gas; dược phẩm, thiết bị y tế, thiết bị hỗ trợ ngành y tế; điện, nước...); xe vận chuyển đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch, người dân kết thúc thời gian cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung, người bệnh Covid-19, người xuất viện từ các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 về nơi cư trú....
Trong trường hợp khu vực phong tỏa có những tuyến đường liên quận lưu thông cắt ngang, bắt buộc có lộ trình cho tất cả các loại xe quá cảnh lưu thông ngang qua và không được dừng đỗ xe trên đoạn đường qua khu vực phong tỏa.
- Khu vực nguy cơ: Ngoài các loại xe được phép lưu thông tại khu vực phong tỏa , bổ sung thêm: xe mô tô công nghệ giao nhận hàng hóa (shipper), xe vận chuyển hàng hóa, dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...); chứng khoán; bưu chính; viễn thông; dịch vụ hỗ trợ vận chuyển; phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa; khám chữa bệnh; xe chở thiết bị, vật liệu phục vụ xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật được phép thi công; dịch vụ bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư...); xe taxi được Sở GTVT cấp phép hoạt động (có mã QR); xe đưa người dân thành phố về quê và xe đón người dân từ quê về thành phố theo kế hoạch; xe vận chuyển công nhân, chuyên gia được Sở GTVT cấp phép hoạt động (có mã QR).
Trong trường hợp khu vực nguy cơ có những tuyển đường liên quận lưu thông cắt ngang, bắt buộc có lộ trình cho tất cả các loại xe quá cảnh lưu thông ngang qua.
- Khu vực bình thường mới: Ngoài các loại xe được phép lưu thông tại khu vực nguy cơ, bổ sung thêm xe buýt và xe khách hợp đồng; bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và tuyến du lịch đường thủy. Đối với xe khách hợp đồng sẽ được Sở GTVT cấp phép hoạt động có mã QR để kiểm soát số lượng, đối với xe buýt sẽ được hoạt động trên từng tuyến cụ thể qua các thông báo của Sở GTVT.
Khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ và khu vực bình thường mới theo quyết định công bố của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, UBND TP.HCM.
Đối với hoạt động vận tải hàng hóa:
Khu vực nguy cơ, khu vực bình thường mới cho phép xe tải nhẹ chở hàng hóa được phép hoạt động 24/24 giờ cho đến khi có thông báo mới. Việc vận chuyển hàng hóa từ các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa vào các điểm phân phối phải tuân thủ theo phương án điều phối của Sở Công thương, Ban Quản lý khu chế xuất và khu công nghiệp theo thẩm quyền quản lý.
Đối với hoạt động vận tải hành khách:
Vận tải hành khách bằng xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng đến 9 chỗ (sử dụng hợp đồng điện tử), xe hợp đồng và xe du lịch phục vụ hoạt động du lịch sẽ được phép hoạt động với số lượng, tần suất hoạt động phù hợp với thực tế theo công bố của Sở GTVT và được kiểm soát thông qua giấy nhận diện phương tiện (có mã QR).
Phương tiện vận chuyển công nhân, chuyên gia phải được Sở GTVT cấp giấy nhận diện có mã QR thông qua các đơn vị đầu mối. Đồng thời, cho phép khôi phục hoạt động thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại các trạm thu phí nằm trong khu vực bình thường mới.
Nới kiểm soát phương tiện cá nhân
Theo dự thảo, từ ngày 1.10, TP.HCM tiếp tục duy trì hoạt động trạm kiểm soát dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra, vào thành phố (gồm 12 chốt, trạm chính và 49 chốt, trạm phụ). Phương tiện vận tải hàng hóa lưu thông qua các chốt này được kiểm soát thông qua Giấy nhận diện phương tiện (có mã QR) và mã QR qua khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (hoặc ứng dụng VNEID).
Đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa không có Giấy nhận diện phương tiện hoặc có Giấy nhận diện phương tiện nhưng đã hết hiệu lực phải thực hiện theo hướng dẫn của lực lượng chức năng kiểm soát dịch. Phương tiện vận chuyển công nhân, chuyên gia: kiểm soát thông qua Giấy nhận diện (có mã QR) do Sở GTVT cấp (thời gian, lộ trình vận chuyển kèm theo danh sách lái xe, nhân viên phục vụ trên xe) và mã QR qua khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (hoặc ứng dụng VNEID).
Trong phạm vi TP.HCM, đối với các phương tiện vận tải hàng hóa: Chỉ kiểm tra mục đích vận chuyển hàng hóa khi lưu thông vào khu vực phong tỏa tại các chốt kiểm soát. Phương tiện vận chuyển công nhân, chuyên gia, xe khách hợp đồng phục vụ hoạt động du lịch, xe taxi sẽ kiểm soát thông qua giấy nhận diện có mã QR, danh sách phương tiện, thời gian, hành trình vận chuyển kèm theo danh sách lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có). Các phương tiện được yêu cầu lắp đặt hệ thống camera nhận diện biển số có kết nối với hệ thống đăng ký giấy nhận diện phương tiện có mã QR, kết hợp thiết bị giám sát hành trình phương tiện.
Đối với phương tiện cá nhân: Kiểm soát thông qua mã QR qua khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (hoặc ứng dụng VNEID) tại các chốt kiểm soát ra vào khu vực phong tỏa và khu vực nguy cơ.
Bình luận (0)